Người duy nhất sống sót vụ trực thăng Mi-171 rơi giờ ra sao?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới sinh con được 4-5 tháng nhưng chiều nào chị Hải cũng đi từ phòng trọ sang bệnh viện thăm chồng - người duy nhất sống sót vụ trực thăng Mi-171 rơi.
Người duy nhất sống sót vụ trực thăng Mi-171 rơi giờ ra sao?
Thượng úy Đinh Văn Dương đã hồi phục tốt, ổn định tâm lý, sức khỏe.
Vụ trực thăng quân sự UH-1 rơi tại huyện Bình Chánh (TP HCM), tất cả tổ lái gồm 4 chiến sĩ đều t‌ử nạ‌n khiến người dân không khỏi đau xót. Hầu như rất ít vụ trực thăng rơi, nổ mà có người sống sót, thế nên trường hợp chiến sĩ Đinh Văn Dương, người bị thương trong vụ trực thăng Mi-171 rơi tại Hòa Lạc (Hà Nội) hồi tháng 7 năm ngoái hiện bình phục tốt được xem là một điều kỳ diệu của cuộc sống.
Ngày 1/12/2014, viện Bỏng Quốc gia cho biết, sức khỏe của chiến sĩ Đinh Văn Dương - nạn nhân duy nhất sống sót sau vụ trực thăng quân sự rơi tại Hòa Lạc sáng 7/7/2014 hiện đã phục hồi rất tốt và ổn định. bệnh nhân này đã có thể nói chuyện bình thường, ăn uống và vận động chậm, không còn phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực mà được chuyển sang khoa Điều trị liền vết thương. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng.
Bà Trịnh Thị Đông - mẹ chiến sĩ Dương, cho biết, chiến sĩ Dương đã vượt qua cửa tử và điều kỳ diệu nhất là chiến sĩ Dương đã vận động được. “Đến thời điểm này, Dương không phải nằm Khoa cấp cứu mà chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng (viện Bỏng quốc gia). Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng tập vận động cho Dương”, bà Đông nói.
Bà Đông cho biết thêm, anh Dương không chỉ bình phục về thể trạng mà trí nhớ cũng hồi phục rất tốt, sau khi tập nói, tập uống, tập ăn. Anh Dương nhớ được số điện thoại của vợ, nhớ vợ con, họ hàng, anh em đồng đội.
Gia đình thượng úy Dương rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ già yếu. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hải trước đây là công nhân viên hợp đồng, nay được nhận chính thức vào bệnh viện trung ương Quân đội 108. Trước ngày anh gặp nạn, chị Hải đang mang bầu đứa con thứ hai. Vợ chồng chị vẫn phải thuê phòng trọ để ở. Hai ngày sau tai nạn, chị Hải sinh con trai nặng 2,8 kg trong bệnh viện 108. Do tâm lý bị ảnh hưởng nặng nên chị phải mổ sinh trước gần 10 ngày. Cô con gái đầu mới 4 tuổi ngày nào cũng theo bà và bác gái vào thăm cha nhưng chỉ được đứng ở ngoài. Ngày anh Dương tỉnh lại, cô bé còn đứng hát cho cha nghe.
Mới sinh con được 4-5 tháng nhưng thời gian này, chiều nào chị Hải cũng đi từ phòng trọ tận Vĩnh Hưng sang bệnh viện thăm chồng. Bốn tháng chờ đợi, bốn tháng âu lo, từng ngày trôi qua là niềm tin lại mất dần đi. Chị òa khóc khi nghe tiếng anh gọi "Vợ ơi" ngay sau khi tỉnh lại. Hôm đó cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy cậu con trai kháu khỉnh sau nhiều ngày nằm trên giường cấp cứu. Tất cả bác sĩ, người thân, đồng đội có mặt lúc ấy, không ai ngăn được nước mắt khi thấy "niềm hy vọng duy nhất của 21 người lính" tại Tiểu đoàn đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô trở về sau gần 4 tháng chiến đấu để giành lại sự sống.

Con trai thứ 2 của vợ chồng chiến sĩ Đinh Văn Dương chào đời 2 ngày sau khi bố gặp nạn.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Dương, sinh năm 1983, chiến đấu viên tiểu đoàn đặc công 18, Trung đoàn 916, là một trong 3 chiến sĩ bị thương trong vụ trực thăng Mi-171 rơi ở Hòa Lạc (Hà Nội) ngày 7/7/2014. Chiến sĩ Dương đã được đưa đi cấp cứu tại viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng bỏng hô hấp kết hợp đa chấn thương, độ bỏng sâu gần 60% và trong quá trình điều trị đã 2 lần ngừng tim, biến chứng, nôn ra máu, niêm mạc dường thở bong tróc, suy đa phủ tạng. Trong quá trình điều trị, chiến sĩ Dương đã trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời đã được ghép từ da đồng loại và màng sinh học.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc viện Bỏng Quốc gia đánh giá, trường hợp chiến sĩ Dương bình phục sau gần 4 tháng điều trị bỏng sâu, rộng, bỏng hô hấp, đa chấn thương, hội chứng sóng nổ cực kỳ đặc biệt, là một kỳ tích hiếm có của nền y học Việt Nam.
Như đã đưa tin, sáng 7/7/2014, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, Hà Nội.
Đến khoảng 7h46 cùng ngày, do sự cố kỹ thuật, trực thăng rơi tại địa phận thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay khoảng 3km và bốc cháy dữ dội. phi công được cho là đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi máy bay rơi xuống đất.
Vụ tai nạn máy bay ở Hòa Lạc khiến 18 chiến sĩ hy sinh tại hiện trường, 3 chiến sĩ bị thương nặng được điều trị tích cực tại viện Bỏng Quốc gia. Tuy nhiên, hiện chỉ có thượng úy Đinh Văn Dương là người sống sót kỳ diệu sau nhiều tháng điều trị.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật