Ngân hàng bị giao hạn mức xử lý nợ xấu đến giữa 2015

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước kế hoạch xử lý nợ xấu hàng tháng, mục tiêu đến 30/6 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu theo kế hoạch năm 2015.
Ngân hàng bị giao hạn mức xử lý nợ xấu đến giữa 2015
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng giảm tiếp 1-1,5% lãi suất trung và dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 01 và 02 về điều hành hoạt động ngân hàng năm 2015. Theo đó, mục tiêu quan trọng năm nay là đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại tổ chức tín dụng, phấn đấu đến cuối năm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% theo yêu cầu của Thủ tướng.

Để làm được điều này, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà ra một thời hạn cũng như hạn mức cụ thể xử lý nợ, buộc các nhà băng phải xây dựng kế hoạch xử lý chi tiết nợ xấu theo từng tháng, bao gồm giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

"Đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại", chỉ thị cho biết.

Đồng thời, Thống đốc cũng nghiêm cấm các tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh; không được lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm Pháp Luật, gây thiệt hại cho toàn hệ thống; tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu...

Ngoài việc thực hiện mua bán, xử lý nợ xấu đảm bảo an toàn, hiện quả, VAMC sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong năm 2015 như phối hợp với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Năng lực tài chính và vốn điều lệ công ty cũng được nâng cao, tăng cường năng lực định giá, đánh giá tài sản, tổ chức bán đấu giá nợ, tài sản bảo đảm...

Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%, lạm phát dưới 5%, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1-1,5% một năm. Mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, tín dụng tăng 13-15% sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Tỷ giá không tăng quá 2%. Hằng tháng, các đơn vị sẽ phải báo cáo việc thực hiện các chỉ tiêu trên về Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng lên Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến tháng 10/2014 đạt 3,87%, tương ứng hơn 143.000 tỷ đồng. Lãi suất huy động của các ngân hàng hiện phổ biến ở 5-5,5% một năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1-6 tháng; 5,7-6,7% với tiền gửi từ 6 đến 12 tháng. Trên 12 tháng, lãi suất huy động sẽ là 6,7-7,3% một năm.

Lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7% đối với kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn phổ biến là 9-10% một năm. Với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất ở mức 7-9% đối với ngắn hạn; 9,5-11% đối với trung và dài hạn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật