Khủng hoảng con tin tác động tới thế trận an ninh của Nhật

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách đối phó với cuộc khủng hoảng con tin được cho là sẽ định hình phương hướng phát triển thế trận an ninh cũng như khả năng bảo vệ công dân của Nhật Bản trong tương lai.
Khủng hoảng con tin tác động tới thế trận an ninh của Nhật
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là vẫn sẽ kiên định với chính sách ngoại giao và chiến lược “chủ động hòa bình“ sau khủng hoảng con tin. Ảnh: EPA

Theo AP, việc các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm 24/1 đăng tải đoạn video cho thấy bằng chứng nhóm khủ‌ng b‌ố này chặt đầu con tin Haruna Yukawa, giám đốc một công ty tư vấn an ninh, đồng thời đe dọa tiếp tục hành quyết phóng viên chiến trường Kenji Goto nếu chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe không đáp ứng yêu cầu của chúng, khiến cả nước Nhật "choáng váng".

Cảm xúc tức giận, đau buồn là không thể tránh khỏi. Nhưng bên cạnh đó, nhiều cuộc tranh luận cũng nổi lên xung quanh tác động của cuộc khủng hoảng con tin này đối với phương hướng phát triển và chính sách của Nhật Bản.

Năm ngoái, thành viên nội các của ông Abe nhất trí diễn giải lại Hiến pháp hòa bình, theo đó nới lỏng những hạn chế tồn tại trong thời gian dài đối với hoạt động của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài. Giới chuyên gia gọi đây là đường hướng "hòa bình chủ động".

Cuộc khủng hoảng con tin có nguy cơ khơi lại làn sóng phản đối trong dân chúng trước các nỗ lực của ông Abe nhằm xây dựng một vị thế an ninh chủ động hơn cho Nhật Bản trên trường quốc tế. "Đây là lần đầu tiên người Nhật Bản chứng kiến ’hòa bình chủ động’ được áp dụng trong thực tiễn nhưng đổi lại họ chỉ nhìn thấy những rủi ro đi kèm", Bloomberg dẫn lời ông Jeff Kingston, giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, Nhật Bản, nhận định.

IS tuần trước ngụ ý muốn trừng phạt nước Nhật vì quyết định hỗ trợ các chiến dịch quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) của ông Abe. Trong đoạn video hôm 20/1, các tay súng cực đoan yêu cầu đổi tự do của hai con tin Nhật Bản lấy 200 triệu USD. Con số này trùng khớp với khoản tiền mà ông Abe hôm 17/1 trong chuyến thăm một số nước Trung Đông hứa viện trợ các quốc gia đang chiến đấu chống IS. Nhóm khủ‌ng b‌ố gọi đây là một hành động "ngu ngốc".

Theo Wall Street Journal, việc diễn giải lại hiến pháp chủ yếu nhằm mục đích đối phó với những thách thức tiềm ẩn từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh thời gian gần đây không ngừng đầu tư phát triển quân sự và phô trương sức mạnh cả ở trên biển và trên đất liền khiến nhiều quốc gia láng giềng lo ngại. Mặt khác, Nhật Bản cũng muốn chứng tỏ với Mỹ rằng họ sẵn sàng đảm nhận một vai trò bình đẳng hơn trong môi trường an ninh khu vực.

Mục tiêu này đòi hỏi Tokyo phải liên kết chặt chẽ với các đồng minh phương Tây trong cuộc chiến chống khủ‌ng b‌ố cũng như điều chỉnh các chính sách liên quan đến vùng Trung Đông. Một số người tin rằng vị thế địa chính trị mới này sẽ mang đến nhiều rắc rối hơn cho nước Nhật. Cuộc khủng hoảng con tin đang diễn ra chính là một phần hệ quả.

Ý kiến phân cực

Người dân ở Tokyo chăm chú theo dõi chương trình tin tức phát sóng hình ảnh hai con tin nước này bị IS bắt giữ. Ảnh: AP

Theo Koichi Nakano, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, cuộc khủng hoảng con tin có khả năng khiến dân chúng và chính phủ Nhật Bản phân hóa ý kiến sâu sắc.

Khoảng 100 người, tối 25/1 đã tụ tập trước dinh thủ tướng, yêu cầu ông Abe giải cứu con tin Goto. Kenji Kunitomi, 66 tuổi, một trong số những người biểu tình, cho rằng ông Abe chính là người đem cuộc khủng hoảng về với nước Nhật. "Vụ việc xảy ra khi Thủ tướng Abe đang thăm Israel", ông nói, "theo tôi đó là một phần nguyên nhân, chúng (IS) dường như nghĩ đây là một hành động khiêu khích".

Ông Mitsuyuki Tanaka, 67 tuổi, một người biểu tình khác, thì cho rằng thủ tướng đang phớt lờ ý kiến của người dân. "Lập trường ngoại giao của chính quyền ông Abe đang mời gọi chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố", Tanaka nhận xét. "Nhật Bản đã theo đường lối ôn hòa trong 70 năm qua. Nếu thay đổi điều đó, thiên về hướng phòng thủ tập thể thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ trở thành mục tiêu của khủ‌ng b‌ố, giống Mỹ và một số quốc gia khác", ông nói thêm.

Theo Hiến pháp hòa bình, Nhật Bản bị cấm sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết xung đột, ngoại trừ trường hợp tự vệ. Tuy nhiên, với động thái diễn giải lại hiến pháp, Tokyo sẽ được phép "phòng thủ tập thể", hay có nghĩa là sử dụng lực lượng quân đội để can thiệp, bảo vệ các đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công hoặc giải cứu các công dân Nhật Bản đang gặp nguy hiểm ở nước ngoài. Nhưng những điều luật mới này cần được Quốc hội thông qua trước khi chính thức áp dụng.

Jun Hori, một phóng viên tự do, tin rằng Nhật Bản với những khuôn khổ được được hiến pháp giới hạn, có vị thế rất khác so với Mỹ và châu Âu trong khủng hoảng ở Trung Đông. Trước vụ bắt cóc con tin, Nhật Bản vẫn được đánh giá cao về khả năng né tránh các cuộc tấn công khủ‌ng b‌ố nhằm vào nước này. "Nước Nhật có đường lối ngoại giao hòa bình của riêng mình và nên theo đuổi chúng", CBS News dẫn lời Hori nói.

Toshiko Okada, 68 tuổi, từng điều hành một trường dạy tiếng Anh ở ngoại ô Tokyo, vẫn bàng hoàng trước tin một con tin Nhật đã bị hành quyết. Theo bà, "những hành động sai lầm, nông cạn của ông Abe khơi mào" cho vụ việc lần này và "tốt hơn hết ông ấy nên giải quyết các vấn đề ở quê nhà trước".

Đối nghịch với suy nghĩ của người dân, theo giáo sư Nakano, cuộc khủng hoảng con tin lại có thể là động lực giúp tăng cường hơn nữa quyết tâm của ông Abe nhằm hiện thực hóa chiến lược "hòa bình chủ động", đưa Nhật Bản trở thành một thế lực chính trị lớn, có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Thủ tướng Abe hôm 25/1 tuyên bố Nhật Bản sẽ không bị chệch hướng khỏi nhiệm vụ đối ngoại, đồng thời "không bao giờ đầu hàng trước khủ‌ng b‌ố, sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực cho ổn định và hòa bình thế giới".

"Ông Abe nhiều khả năng sẽ sử dụng sự việc lần này để gia tăng ủng hộ đối với nước đi nhằm mở rộng vai trò của quân đội", Nakano bình luận.

Để bảo vệ các điều luật mới mà theo đó sẽ cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho lực lượng quân đội, ông Abe liên hệ tới cuộc khủng hoảng con tin, đồng thời nhấn mạnh với luật định hiện tại, hành động của chính phủ rất hạn chế.

"Luật mới nhằm mục đích bảo vệ tính mạng và hạnh phúc của người dân bằng cách thiết lập một cấu trúc an ninh hợp pháp và liền mạch", ông Abe nói trong cuộc tranh luận bàn tròn phát sóng trên kênh NHK. "Với điều luật hiện tại nếu người Nhật ở nước ngoài gặp nguy hiểm, Lực lượng Phòng vệ không thể vận dụng tối đa khả năng của mình".

Theo một cuộc thăm dò của Kyodo News, hơn 50% số người được hỏi cho rằng Quốc hội nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua hiến pháp được diễn giải lại.

Một cuộc thăm dò khác của tờ Yomiuri cho thấy 51% số người tham gia không tán thành việc diễn giải lại hiến pháp. Khoảng 49% cho biết họ không tin rằng những thay đổi này sẽ tăng cường vị thế quân sự của Nhật Bản.

Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến phản đối của người dân, đảng Dân chủ Tự do của ông Abe vẫn nhận được đa số phiếu tán thành đối với điều luật mới ở cả thượng viện và hạ viện.

Kent Calder, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á Reischauer tại Đại học Johns Hopkins, Washington, cho biết "lòng tự tôn dân tộc" và tính tuân thủ cao của xã hội Nhật Bản khiến những vụ việc như cuộc khủng hoảng con tin lần này đặc biệt đáng lo ngại và đau thương, nhưng nhờ đó nhiều người sẽ nhận ra rằng Nhật Bản "không phải là một đảo quốc tách biệt mà chính là một phần của xã hội toàn cầu".

Một số nhà lập pháp đối lập cũng ủng hộ ông Abe trong cách xử lý cuộc khủng hoảng con tin, hoặc ít nhất kiềm chế việc công khai chỉ trích ông.

Định hình thế trận an ninh

Cuộc khủng hoảng con tin chắc chắc sẽ làm bật lên một thực tế rằng những bất ổn cách nước Nhật hàng nghìn km vẫn có thể gây ảnh hưởng đến quốc gia này. Vì thế, Tokyo cần có một thế trận an ninh sắc bén và chủ động hơn, thậm chí mở rộng tầm ảnh hưởng ra khỏi khu vực Đông Á, CNN dẫn lời ông Ryo Hinata Yamaguchi, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Pusan, nhận xét.

Để biến điều này thành hiện thực, Tokyo còn rất nhiều việc cần làm. Chính phủ phải học cách kiểm soát khủng hoảng hiệu quả hơn thông qua những tổ chức và nguồn lực mới như Hội đồng An ninh Quốc gia.

Thêm vào đó, Nhật Bản cũng cần sáng tạo trong nỗ lực tăng cường khả năng phối hợp tình báo quốc tế để nâng cao năng lực an ninh. Việc điều phối lại lực lượng để giải quyết những mối hiểm họa mới hình thành cũng cần được ưu tiên. Hơn cả, Nhật Bản phải tập trung vào nhiệm vụ nâng cao nhận thức của người dân về chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố, các nhóm cực đoan, cũng như những mối đe dọa chúng mang lại.

"Cách chính phủ giải quyết thách thức lần này sẽ định hình phương hướng phát triển thế trận an ninh cũng như khả năng bảo vệ công dân của Nhật Bản trong tương lai", ông Yamaguchi kết luận.

Trong video xuất hiện trên internet hôm 24/1, Goto cầm bức ảnh được cho là Yukawa đã bị hành quyết. Ảnh: Japan Times.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 6190
  1. IS tuyên bố bắt một ‘gián điệp Israel’ ở Syria
  2. IS nói cuộc khủng hoảng con tin là nhằm “làm bẽ mặt” Nhật Bản
  3. Gia đình và bạn bè ca ngợi con tin Mỹ thiệt mạng trong tay IS
  4. Nữ con tin Mỹ có thể bị ép cưới chỉ huy của IS
  5. Mỹ xác nhận nữ con tin trong tay IS đã thiệt mạng
  6. Chiến thuật oanh tạc IS của Jordan có thể phản tác dụng
  7. Chân dung nhà vua Jordan thề nghiền nát IS
  8. Mỹ, Jordan bác thông tin con tin bị không kích chết
  9. Tội ác mang danh “thánh chiến Hồi giáo”
  10. Vì sao Mỹ không giải cứu nữ con tin nằm trong tay IS
  11. Các cuộc không kích tiêu diệt hàng chục phiến quân IS
  12. IS khoe cuộc sống vẫn bình thường bất chấp các đợt không kích
  13. Mỹ sẽ tung lính dù tới Iraq giải cứu binh sĩ nếu bị IS bắt
  14. Vừa lên tiếng dọa tấn công Pháp, thủ lĩnh Al-Qaeda chết dưới bom Mỹ
  15. Tổ chức IS đang mở rộng địa bàn sang Libya
  16. Điều gì giúp Mỹ không sa lầy trong cuộc chiến chống IS
  17. Cuộc sống hôn nhân của phụ nữ dưới trướng IS
  18. IS dọa sẽ có "vụ thảm sát Paris” tại Bỉ
  19. Chiến cơ Jordan dội bom IS, cân nhắc tấn công trên bộ
  20. Lãnh đạo Hồi giáo kêu gọi trừng phạt đóng đinh phiến quân IS
  21. Hạ viện Nhật Bản ra nghị quyết lên án hành động của IS
  22. Vua Jordan thề truy đuổi IS đến viên đạn cuối cùng
Video và Bài nổi bật