Tiểu hành tinh vừa bay ngang Trái đất có nhiều điểm kì lạ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
2004 BL86 là tiểu hành tinh vừa bay ngang Trái đất với tốc độ rất cao và điều đặc biệt gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học chính là trên nó còn có một “mặt trăng” quay xung quanh, điều rất hiếm gặp trên một tiểu hành tinh đang bay nhanh.

Vào sáng sớm 27/1 tính theo giờ Việt Nam, 2004 BL86 đã chính thức “ghé thăm” Trái đất trong chốc lát trước khi rời đi với vận tốc lên tới hơn 56.000 km/giờ.

Theo tính toán từ các nhà khoa học, 2004 BL86 có kích thước gấp 5 lần một sân bóng đá tiêu chuẩn (khoảng 325 mét), tiếp cận Trái đất ở khoảng cách 745.000 dặm (1,2 triệu km, gấp khoảng 3,1 lần khoảng cách từ Trái đất đến mặt trăng). Với khoảng cách này, hành tinh của chúng ta vẫn an toàn và những ai yêu thiên văn cũng được dịp chứng kiến cảnh tượng hiếm gặp này bởi phải 200 năm nữa, nó mới quay lại “thăm” Trái đất.

Ngay từ khi có thông tin, giới thiên văn đã chuẩn bị khá kĩ càng để có thể ghi lại hình ảnh ấn tượng này. Không phụ lòng mong đợi, họ đã thu thập được nhiều hình ảnh quý giá.

Từ hình ảnh mang ra phân tích (bằng cách ghép các ảnh thành 1 đoạn video), họ đã khá ngạc nhiên phát hiện rằng khoảng 16% kích thước tiểu hành tinh này tồn tại thiên thể nhỏ hơn (kích thước khoảng 70 mét) quay xung quanh, tương tự như mặt trăng quay quanh Trái đất. Và không chỉ có một, nhiều khả năng 2004 BL86 có tới 2 “mặt trăng” quay xung quanh. Các nhà nghiên cứu thiên văn gọi thiên thể nhỏ là “mặt trăng của tiểu hành tinh”, hay “mặt trăng của thiên thạch”.

2004 BL86 lần đầu tiên được phát hiện vào 30/1/2004 (kí hiệu đầu là năm được phát hiện) bởi kính viễn vọng của trạm quan sát thiên thạch Lincoln Near-Earth Asteroid Research (LINEAR) ở White Sands, New Mexico. Theo dự tính ban đầu, các nhà khoa học cho rằng 2004 BL86 có kích thước lên tới 500 mét chiều rộng nhưng những hình ảnh vừa ghi được lại cho thấy, kích thước của nó nhỏ hơn khá nhiều (325 mét).

Hiện tại, việc có mặt trăng quay quanh tiểu hành tinh có vận tốc di chuyển cực lớn như 2004 BL86 vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Theo các nghiên cứu trước đây, chỉ có những hành tinh cực lớn với lực hấp dẫn cao và tốc độ di chuyển chậm như Trái đất mới có thể “giữ” mặt trăng cho chính mình.

Mặc dù phải hơn 2 thế kỉ nữa mới có thể “chiêm ngưỡng” 2004 BL86 nhưng những ai yêu thiên văn có thể không phải đợi lâu đến thế. Đến năm 2027, một thiên thạch khác mang tên 1999 AN10 cũng sẽ bay ngang qua hành tinh chúng ta, tất nhiên vẫn là khoảng cách an toàn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật