Hy Lạp có thủ tướng trẻ nhất trong vòng 150 năm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lãnh đạo cánh tả Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua tới văn phòng thủ tướng làm việc sau khi tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ chính trị tại Dinh thự Tổng thống.
Hy Lạp có thủ tướng trẻ nhất trong vòng 150 năm
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (giữa) rời Dinh thự Tổng thống sau khi kết thúc buổi lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Reut​ers.

Ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng cực tả Syriza, tuyên thệ nhậm chức thủ tướng với đường lối cứng rắn mới, công khai đối mặt với các chủ nợ quốc tế và chấm dứt gần 5 năm thực thi những biện pháp kinh tế khắc khổ tại Hy Lạp. Sau lễ tuyên thệ, ông tới văn phòng thủ tướng và được tiếp đón bởi các nhân viên tại đây. Tuy nhiên, thủ tướng tiền nhiệm Antonis Samaras không có mặt trong buổi lễ, AP cho hay.

Theo Reuters, đảng Syriza giành được 36,3% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử sớm hôm 25/1, cao hơn 8,1% so với đảng Dân chủ Mới (ND) bảo thủ của cựu thủ tướng Samaras. Đứng thứ ba là đảng Bình minh Vàng (GD) với 6,3% phiếu.

Cuộc bầu cử diễn ra sau khi các nhà lập pháp Hy Lạp tháng trước không thể bầu ra tổng thống mới. Điều này dẫn đến việc đảng ND của ông Samaras phải đối mặt với Syriza.

Đảng ND áp đặt cắt giảm ngân sách, động thái khiến người dân không hài lòng, để nhận các khoản viện trợ của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó đảng Syriza tuyên bố sẽ xóa bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng và một phần nợ của Hy Lạp. Khẩu hiệu "Hy vọng đang đến!" của Syria gây được tiếng vang với cử tri bởi các biện pháp khắc khổ đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên hơn 25% và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Tuy nhiên, đảng Syriza chỉ giành được 149 trên tổng số 300 ghế quốc hội, thiếu hai ghế để giành thế đa số. Ông Tsipras hôm qua nhanh chóng liên minh với đảng cánh hữu Hy Lạp Độc lập, cũng có khuynh hướng phản đối thắt lưng buộc bụng, để có thêm 13 ghế.

"Chúng tôi đã có mức đa số cần thiết", ông Tsipras phát biểu trước Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias ngay trước lễ tuyên thệ.

Tsipras trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất ở Hy Lạp trong vòng 150 năm qua. Ông cũng là người đầu tiên tiến hành tuyên thệ thay vì theo nghi thức tôn giáo do một quan chức Giáo hội chính thống Hy Lạp cử hành.

"Người dân Hy Lạp đã viết nên lịch sử", ông Tsipras phát biểu tại trước hàng nghìn người ủng hộ ở trung tâm Athen, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc. "Hy Lạp đang bỏ lại sau lưng chính sách thắt lưng buộc bụng tiêu cực, sự sợ hãi và chủ nghĩa độc đoán. Hy Lạp đang từ bỏ 5 năm bẽ mặt và đau đớn".

"Chúng tôi hy vọng mong muốn của mình sẽ được thực hiện", Efi Avgoustakou, giáo viên 47 tuổi, nói. "Chúng tôi không được phép bình luận và đứng về một phe khi lên lớp vào thứ hai nhưng chúng tôi sẽ mỉm cười".

Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lời chúc mừng tới đảng Syriza và ông Tsipras, cho biết Washington mong muốn hợp tác với chính phủ mới về "những cải cách nội bộ và nỗ lực quốc tế để thúc đẩy kinh tế ở Hy Lạp phục hồi".

"Đòn giáng vào phe cánh hữu châu Âu"

Thị trường tài chính có phản ứng trước chiến thắng của ông Tsipras do lo ngại những xung đột tiềm ẩn giữa Hy Lạp và các chính phủ khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone có thể khiến khối này thêm căng thẳng. Đồng euro đã trượt giá xuống gần mức thấp nhất trong 11 năm khi thị trường châu Á mở cửa hôm qua.

Thắng lợi của Syriza đánh dấu một sự từ chối đối với mô hình giải cứu các nền kinh tế eurozone gặp vấn đề do Thủ tướng Đức Angela Merkel đề ra. Nó còn tăng cường lời kêu gọi eurozone chuyển sang các chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế thay vì giải quyết thâm hụt ngân sách.

"Đây là một đòn giáng vào chính sách kinh tế của phe cánh hữu ở châu Âu", tờ Helsingin Sanomat dẫn lời Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja nói.

Kết quả bầu cử Hy Lạp có thể thúc đẩy cực tả Podemos (Chúng ta có thể) ở Tây Ban Nha, sinh ra từ phong trào biểu tình đường phố của những người trẻ tuổi thất nghiệp và đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, cũng như đảng Sinn Fein ở Ireland.

"Đang có sự hoang mang ở Hy Lạp mặc dù (người dân) đã bầu cho sự thay đổi", Pablo Iglesias, lãnh đạo Podemos, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn. Sự lựa chọn tương tự sẽ xảy ra trong các cuộc bầu cử ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland và Anh trong năm nay. Nó sẽ còn ảnh hưởng tới sự cân bằng quyền lực trong chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu, có khả năng buộc Đức phải mềm mỏng hơn về quan điểm thắt chặt ngân sách trước khi tiến hành kích cầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật