Bất động sản 2015: một chút lạc quan

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dường như các nhà phát triển và kinh doanh bất động sản đều tỏ ra lạc quan với triển vọng thị trường 2015.
Bất động sản 2015: một chút lạc quan
Dự án Lexington, quận 2, do Công ty Địa ốc Novaland mua lại và tiếp tục thực hiện. Ảnh: Mạnh Tùng

Vài nét khởi sắc của năm cũ

Thị trường bất động sản 2014 ghi nhận lượng tồn kho giảm khá, lượng giao dịch thành công tăng mạnh. Tính riêng tại TPHCM, tổng hợp các báo cáo quí của hai công ty nghiên cứu bất động sản CBRE Việt Nam và Savills Việt Nam, có khoảng 11.000-12.000 căn hộ được giao dịch thành công, gấp đôi so với số lượng của năm 2013. Còn tại Hà Nội, lượng căn hộ được tiêu thụ cũng đạt trên 13.000 căn. Nhiều công ty địa ốc lớn trên cả nước cũng bán được số lượng lớn sản phẩm.

Thị trường chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) năm 2014 cũng tăng trưởng cả về lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch. Đánh giá từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), các nhà đầu tư có tiềm lực đã mua lại các dự án hoặc hợp tác kinh doanh để tái khởi động các dự án đang gặp khó khăn và được thị trường đón nhận tốt, góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng. Điển hình là Novaland mua lại các dự án Lexington, Galaxy 9, Icon 56, Tresor, Rivergate...; Hưng Thịnh mua lại dự án Thiên Nam, 12 View, Thới An; Phúc Khang mua lại An Gia Garden, An Gia Star...; CapitaLand mua lại The Vista, ParcSpring, Vista Verde, Mulberry & Harmony.

Theo HoREA, nhiều doanh nghiệp vẫn “tự tin” phát triển những dự án với quy mô lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng như Masteri Thảo Điền của Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền, Vinhomes Tân Cảng của Vingroup, khu đô thị Sa La của Công ty cổ phần Đại Quang Minh.

Có chút lạc quan trong năm 2015

Xu hướng đầu tư bất động sản của cá nhân sẽ trở nên sôi động hơn trong năm 2015 bởi lòng tin đã dần trở lại với khách hàng trong năm 2014. Theo đó, mỗi sản phẩm nhà ở của các công ty bất động sản tung ra thị trường cũng là một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các cá nhân.

Cuối tuần trước, buổi gặp gỡ của hơn 40 học viên khóa học đầu tư bất động sản cá nhân Property Choice 2015 do ông Phan Công Chánh, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Phú Vinh (quận 3, TPHCM), đứng lớp trở nên sôi nổi với trò chơi “cashflow”. Học viên là những người có một việc làm ổn định, thu nhập tốt và coi việc mua nhà rồi cho thuê là một kênh đầu tư để kiếm thêm thu nhập. Sau một giờ chơi, nhiều học viên đã kiếm được hàng chục căn nhà, hàng triệu đô la Mỹ. Tất nhiên, tiền và nhà đều là ảo nhưng sự hào hứng đầu tư bất động sản của học viên là có thật, ông Chánh chia sẻ. Theo ông Chánh, xu hướng đầu tư bất động sản của cá nhân sẽ trở nên sôi động hơn trong năm 2015 bởi lòng tin đã dần trở lại với khách hàng trong năm 2014. Theo đó, mỗi sản phẩm nhà ở của các công ty bất động sản tung ra thị trường cũng là một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các cá nhân.

Sự lạc quan của ông Chánh không phải là vô căn cứ khi chính các chủ đầu tư bất động sản trên thị trường đang tự tin cho một năm 2015. Giám đốc kinh doanh của Nam Long, ông Lê Minh Khánh, cho biết trong năm 2015, công ty này đặt ra mục tiêu bán hết toàn bộ sản phẩm của ba dự án thuộc dòng EHome. Theo ông Khánh, phân khúc căn hộ vừa túi tiền với giá dưới 1 tỉ đồng/căn sẽ tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt thị trường bất động sản vì nhu cầu của người dân còn rất lớn.

Bên cạnh đó, các phân khúc khác như đất nền, nhà phố và căn hộ trung cấp, cao cấp cũng có nhiều cơ hội bán hàng hay nói cách khác, thị trường sẽ đón nhận sản phẩm đa dạng hơn. Bắt mạch sự chuyển động này, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp), doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án căn hộ trung bình đã nhảy sang phân khúc căn hộ cao cấp với dự án SkyCenter ở quận Tân Bình. “Đây là dự án nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng cho nhiều đối tượng khách hàng hơn”, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land (thành viên của Hưng Thịnh Corp), cho hay. Theo ông Hiền, tuy phân khúc nhà có giá bán dưới 1 tỉ đồng/căn vẫn được ưa chuộng nhất trong năm 2015 nhưng phân khúc đắt tiền hơn vẫn có người mua nếu chất lượng, tiện ích được đảm bảo.

Cùng quan điểm này, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land, cho rằng năm 2015 và các năm tới, phân khúc nhà ở cao cấp với mức giá 1,5-2 tỉ đồng, thậm chí cao hơn vẫn bán tốt. Ông Phúc nhận định, người có tiền trong xã hội vẫn đang ngóng chờ các sản phẩm chất lượng, xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” họ bỏ ra nên nếu nhà chất lượng, khâu tiếp thị và bán hàng tốt thì không sợ ế hàng.

Bất động sản bán lẻ: nguồn cung dồi dào

Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, thị trường bán lẻ 2014 được đánh dấu bằng sự kiện khai trương trung tâm thương mại lớn nhất và đầu tiên tại TPHCM của tập đoàn Aeon, Nhật Bản với hơn 88.000 mét vuông diện tích sàn. Năm 2014, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước tích cực mở rộng thị trường, trong đó, đáng chú ý là sự kiện Vingroup mua lại chuỗi siêu thị của Ocean Retail Group trong tháng 10 và đổi tên thành VinMart, đồng thời dự kiến xây thêm chín trung tâm thương mại trên cả nước. Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng tiến hành mở rộng thương hiệu của mình, khi từ nay đến năm 2020, tập đoàn Lotte từ Hàn Quốc lên kế hoạch đưa vào hoạt động 60 siêu thị, trong khi Aeon đặt mục tiêu 20 đại siêu thị tại Việt Nam.

Ông Matthew B. Winn, Giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ của tập đoàn Cushman & Wakefield, cho rằng xu hướng của các tập đoàn nước ngoài khi vào thị trường bán lẻ Việt Nam là họ sẽ chọn hình thức liên doanh hoặc mua lại các công ty trong nước hơn là bắt đầu từ con số 0. Điều này sẽ giúp họ tiến nhanh hơn và nâng cao giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, ông Matthew B. Winn cũng cảnh báo, thị trường bán lẻ Việt Nam cần phải nhìn nhận dấu hiệu thừa nguồn cung, khi nhiều dự án nhà ở cũng có khối bán lẻ, các trung tâm mua sắm mọc lên khắp nơi. Bên cạnh đó, nhiều dự án trung tâm thương mại không lựa chọn được vị trí địa lý, đối tượng khách hàng phù hợp thì việc rơi vào tình trạng ế ẩm là chuyện dễ hiểu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật