Vở kịch nói nhìn thẳng vào chuyện đấu đá chính trị

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Những chấn động còn lại“ là một vở kịch chính luận dựa trên sự đối đầu của những người đứng trong hàng ngũ quan chức.
Vở kịch nói nhìn thẳng vào chuyện đấu đá chính trị
Một cảnh trong vở diễn.

Những chấn động còn lại do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, hưởng ứng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) - "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Vở diễn có buổi tổng duyệt tối 19/1 tại rạp Hồng Hà, Hà Nội.

Kịch bản văn học của tác phẩm vốn của nhà văn Xuân Đức, được NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng với trợ lý đạo diễn là NSƯT Trung Anh. Vở kịch nói về những người từng là bạn hữu, đồng chí cùng sinh tử trong chiến tranh, nhưng lại đối mặt với nhau trong thời bình.

Câu chuyện bắt nguồn từ một vụ án buôn lậu xuyên quốc gia trong đó tên trùm bị t‌ử hìn‌h nhưng kẻ bảo kê, đồng phạm - con trai một vị quan chức cao cấp - vẫn nhởn nhơ ngoài vòng Pháp Luật. Trần Vĩ - một cán bộ huyện ủy định tố cáo sự việc - lập tức bị bịt miệng bằng một án oan. Người ta vu khống cho ông là điệp viên CIA và bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1993. 10 năm sau, Trần Vĩ được ông Bính - một cán bộ cao cấp trung ương minh oan. Sự việc tưởng chừng khép lại, nhưng dư chấn của nó vẫn bùng nổ sau 20 năm, khi lớp con cháu họ trưởng thành. Những người trẻ như Đạt, kỹ sư Trang, Tường, Mây... không chấp nhận sự im lặng nhằm che đậy khuất tất của cha ông. Sự quyết liệt của họ đã làm nên một cơn chấn động nhằm tìm ra sự thật.

Ở tuổi 77, Doãn Hoàng Giang chứng minh sức sáng tạo nghệ thuật không bị giới hạn bởi tuổi tác. Với vở diễn đa tầng nghĩa, đạo diễn làm nổi bật thông điệp về hậu quả của những tiêu cực trong bộ phận quan chức. Câu chuyện không được ông kể lại theo trật tự thời gian, mà là sự đan cài giữa hiện thực và những hồi ức về 10 - 20 năm trước. Vở diễn dàn dựng với hai bối cảnh chính là nơi xây dựng hồ thủy điện hư cấu - Sao La - và nhà cha con ông Mai Thức, Mai Liêm nhưng kể trọn vẹn một câu chuyện dài, với nhiều lớp nhân vật. Các tình tiết hài hước xen kẽ khéo léo với chi tiết xung đột, khắc họa nội tâm giúp vở diễn bớt sự khô cứng của tác phẩm chính luận.

Xuân Bắc (áo kẻ) và Quốc Khánh (đeo kính) thể hiện diễn xuất đa dạng trong vở kịch.

Bên cạnh sự khéo léo trong khâu dàn dựng, diễn xuất của diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam góp phần làm nên thành công cho tác phẩm. Mỗi nhân vật đều để lại những cá tính, ấn tượng riêng. Thủ vai giám đốc Lục Tiểu Linh Tốn, nghệ sĩ hài Xuân Bắc cho thấy khả năng diễn xuất đa dạng. Anh diễn ra chất một tay chợ búa, giang hồ khoác lên mình chức danh "giám đốc". Thỉnh thoảng nhân vật của Xuân Bắc lại chọc cười khán giả bằng tính toán gian manh, thực dụng. Nghệ sĩ Quốc Khánh thường xuất hiện với những vai chính diện, chỉn chu, trong vở diễn này lại vào vai một quan chức mưu mô. Trong khi diễn viên Phú Đôn được khán giả biết đến với những vai diễn mang tính hài hước, thì ở vở kịch này, anh thủ vai một cán bộ trung ương liêm khiết, đứng đắn.

Vở kịch khép lại với việc tìm ra chân sự thật đã để lại nhiều thông điệp. Đó không chỉ là thông điệp về sự quả cảm đấu tranh làm trong sạch đội ngũ quản lý mà còn là thông điệp cho những người làm sân khấu. Nếu có kịch bản tốt, đạo diễn tâm huyết và diễn viên giỏi, sân khấu kịch chính luận vẫn hấp dẫn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật