‘Vườn vệ sinh’ cho học sinh nghèo vùng cao

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để giúp học sinh vùng cao có nhà vệ sinh và khu tắm giặt sạch sẽ, một nhóm kiến trúc sư Hà Nội đã thiết kế thành công không gian với tên gọi “Vườn vệ sinh“.
‘Vườn vệ sinh’ cho học sinh nghèo vùng cao
Không gian thiết kế cho học sinh trường Sơn Lập và có thể ứng dụng ở vùng nông thôn khác của Việt Nam. Ảnh: Đoàn Thanh Hà.

Việt Nam hiện có khoảng 88% trường học ở nông thôn không có nhà vệ sinh đạt chuẩn do Bộ Y tế ban hành và 1/4 tổng số trường học không có nhà vệ sinh. Điển hình là trường Sơn Lập (thuộc xã Sơn Lập, Bảo Lạc, Cao Bằng) toàn bộ cơ sở vật chất không đủ tiêu chuẩn tối thiểu về điều kiện sử dụng và đặc biệt là không có nhà vệ sinh và khu tắm giặt.

Từ thực tế trên, để giúp trẻ em nghèo và người dân nông thôn Việt Nam, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà và đồng nghiệp đã thiết kế không gian "Vườn vệ sinh" dựa trên ba tiêu chí thi công nhanh, chi phí thấp và có thể ứng dụng rộng rãi.

Không gian gồm nhà vệ sinh, khu tắm giặt, rửa và thảm thực vật. Thiết kế dựa trên ý tưởng về một cây lớn có tán lá xoè rộng toả bóng mát xuống che phủ các không gian sử dụng bên dưới và bên trong. Xung quanh vườn là lớp màng thực vật (cây, rau) ở bốn phía trên mặt đứng và vườn bậc thang xung quanh. Lớp màng thực vật giúp điều tiết khí hậu, tăng cường kết cấu chịu lực, bổ sung thực phẩm đồng thời tạo ra ranh giới ước lệ giữa bên trong và bên ngoài.

Bên dưới mặt đất là bể phốt, bể lọc nước và bể nước tưới rau... Phía trên là không gian để rửa mặt, tắm rửa và vệ sinh được che bằng mái tôn 6mx6m. Hệ kết cấu mái làm từ vật liệu phổ biến tiện dụng là tre. Nó được thiết kế nâng cao lên mặt tường nhằm điều tiết khí hậu và để bể nước. Bốn cạnh mái được neo giữ chắc chắn qua trụ bê tông móng với đường kính 30 cm, sâu 70 cm. Toàn bộ được xây dựng trên khu đất 9mx9m.

Thẳng trên bể phốt là bức tường gạch dài 3 m, rộng 3 m và cao 1m95 chứa hai phòng tắm và hai phòng vệ sinh. Khu vệ sinh được thiết kế hoàn toàn khép kín, tránh việc xả thẳng vào tự nhiên, bảo vệ môi trường và tránh dịch bệnh. Chất thải từ đây sẽ được tận dụng vào bể nước tưới rau cho cây trong vườn thực vật xung quanh.

"Số rau này sẽ là nguồn thực phẩm cho học sinh và giáo viên bán trú. Bên cạnh đó, thảm thực vật xung quanh sẽ giúp môi trường trong sạch hơn", anh Đoàn Thanh Hà, thành viên nhóm nghiên cứu nói.

Lớp màng thực vật giúp điều tiết khí hậu, tăng cường kết cấu chịu lực. Ảnh: Đoàn Thanh Hà.

Khi có mưa, nước từ trên mái sẽ được thu gom xuống các lu nước bên dưới. Nếu mưa nhiều, nước sẽ tràn xuống nền khu giặt và chảy vào bể lọc ba ngăn (một ngăn lọc bằng sỏi chảy sang ngăn lọc bằng cát rồi tới ngăn chứa nước). Nước sạch sau đó được bơm lên bể nước phía trên mái nhà bằng hệ thống điện mặt trời, rồi tỏa ra các lu nước bên dưới để tiếp tục sử dụng. Lu nước được tái sử dụng từ ống cống có sẵn với thiết kế đường kính 60 cm, cao 60 cm. Chậu rửa mặt cũng được phát triển một cách độc đáo từ ống cống với việc kết hợp trồng cây bên trong chậu.

"Điều đặc biệt, sau khi tắm giặt, nước sẽ chảy vào bể lọc ba ngăn và tiếp tục quy trình lọc nước sạch để tái sử dụng, giúp tiết kiệm nguồn nước", anh Hà nói và cho biết, nguồn nước bổ sung từ trên núi về cũng được bổ sung thẳng vào hai bể nước mái để sử dụng ngày bình thường.

Lu nước được tái sử dụng từ ống cống có sẵn. Nó được dùng để đựng nước mưa từ trên mái xuống để tắm, rửa mặt hoặc giặt giũ. Ảnh: Đoàn Thanh Hà

Theo nhóm kiến trúc sư, việc xây dựng không gian "Vườn vệ sinh" rất đơn giản với sự tham gia của cộng đồng và vật liệu sẵn có ở địa phương như tre, gạch, ống cống tái sử dụng. Bên cạnh đó, cách thức xây dựng khá phổ thông như chốt, buộc, treo gác. Kiến trúc được neo, giằng liền khối giúp nó sống chung được với lốc xoáy và khí hậu nơi đây.

"Trong khoảng ba tuần, công trình sẽ hoàn thành với chi phí 3.000 USD", anh Hà nói và nhấn mạnh, công trình sẽ giúp người dân tận dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải và nước sinh hoạt, pin mặt trời chuyển hóa thành điện chiếu sáng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật