Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với Nga?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Business Insider (BI) của Mỹ, trong 6 tháng tới, kinh tế Nga sẽ còn tồi tệ hơn nữa do những hậu quả nặng nề của việc đồng rúp giảm mạnh khi niềm tin bị lung lay và khủng hoảng lan rộng.
Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với Nga?
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Đối với hầu hết người Nga, tuần vừa qua đã kết thúc một cách nhẹ nhõm. Sau khi giao dịch ở mức thấp kỉ lục 80 rúp/ USD và 100 rúp/euro, đồng rúp dường như đã ổn định ở mức khoảng 60 rúp/USD và 73 rúp/euro.

Cú đúp nhằm vào Moscow gồm các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm mạnh cuối cùng đã có tác động tới nền kinh tế của một nước có một nửa doanh thu chính phủ phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng như Nga. Các cơ quan chức năng Nga dường như đã không thể làm được gì khi nhìn đồng rúp trượt giá.

Sau khi đồng rúp giảm gần 10% trong ngày 15/12, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp mạnh bằng cách nâng mạnh lãi xuất thêm 6.5%, lên 17%.

Nhưng điều đó không ngăn được sự hoảng loạn, và với việc đồng rúp tiếp tục giảm mạnh vào ngày hôm sau, nhiều trang web của các ngân hàng đã bị tắc nghẽn khi có quá nhiều người tìm cách truy cập và người dân đã đổ xô đi mua hàng do lo sợ giá cả tiếp tục leo thang.

"Niềm tin lung lay"

Theo BI, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng thể hiện sự dũng cảm và lạc quan về cuộc khủng hoảng tại cuộc họp báo thường niên của mình và nói rằng Nước Nga chắc chắn sẽ phục hồi mặc dù ông thừa nhận, quá trình phục hồi có thể mất tới 2 năm.

Tại cuộc họp báo, ông đã không công bố bất kỳ biện pháp cải cách kinh tế, hay giải pháp nào cụ thể để vượt qua khủng hoảng.

Chuyên gia phân tích Chris Weafer của công ty tư vấn tài chính Macro có trụ sở tại Nga cho biết: "Trong 6 tháng tới, xu hướng của nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn nhiều”.

Theo ông, niềm tin đối với Ngân hàng Trung ương, đồng rúp và phương hướng của nền kinh tế đã bị lung lay.

Ông nói: "Tiêu dùng và đầu tư sẽ bị thiệt hại nặng vì lãi suất cao hơn, lạm phát sẽ cao hơn do đồng tiền bị suy yếu ... Các ngân hàng sẽ phải quay sang kêu gọi chính phủ giúp đỡ và các cửa hàng sẽ trống rỗng sau năm mới".

Hiện một số nhà cung cấp đã ngừng bán hàng hoặc tăng giá bán ở Nga.

Phương tiện truyền thông Nga cho hay, các cửa hàng bán rượu nhập khẩu hoặc quần áo như Zara, Topshop và Calvin Klein cũng đang lên kế hoạch tạm dừng bán hàng. Nhiều nhà quan sát dự đoán rằng, nhiều thương hiệu phương Tây sẽ sớm biến mất khỏi Nga.

Một bảng báo tỷ giá bên ngoài một cửa hàng đổi ngoại tệ ở Nga hôm 15/12.

Lạm pháp hiện đang gần tới 10% và có nguy cơ lên tới 15 % trong những tháng tiếp theo. Lạm pháp cao sẽ tác động tới sức mua của người Nga, đặc biệt là khi thu nhập thực tế của họ đã giảm nhiều so với năm 2013.

Với việc đồng rúp mất gần 50% giá trị so với đồng USD trong năm vừa qua đã khiến các hàng hóa tiêu dùng và thực phẩm nhập khẩu nhanh chóng trở thành mặt hàng xa xỉ.

Ngân hàng Trung ương ước tính, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ có thể bị giảm tới 5%  trong năm tới nếu giá dầu vẫn ở mức hiện tại.

"Khủng hoảng lan rộng"

Nhà kinh tế chuyên về các thị trường mới nổi William Jackson thuộc Capital Economics có trụ sở tại London cho hay: "Các sự việc đã diễn biến nhanh chóng và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tiền tệ đang lan rộng sang lĩnh vực ngân hàng".

Lĩnh vực tài chính của Nga đặc biệt dễ bị tổn thương, khi các ngân hàng kếch xù do nhà nước kiểm soát và vô số các tổ chức tài chính nhỏ hơn đã không thể huy động vốn từ phương Tây do các lệnh trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Hôm 16/12, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố các biện pháp đảm bảo sự sống còn bằng cách cải thiện việc tiếp cận thanh khoản và nới lỏng các tiêu chuẩn kế toán. Đến ngày 19/12, Nga cũng thông qua một dự luật hỗ trợ 1.000 tỷ rúp (tương đương 16 tỷ USD) cho các ngân hàng.

Đối với nhiều người Nga, vòng xoáy đi xuống của đồng rúp có nhiều biểu hiện gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng năm 1998 ở Nga.

Tuy nhiên, ông Weafer cho rằng: "Mọi người đang hành động như trong những năm 1998 nhưng không có lý do để lo sợ như vậy: Nga lúc đó bị phá sản nhưng giờ đang có tình trạng tài chính khá tốt”.

Giá dầu cao trong thập kỷ qua đã cho phép Moscow tích trữ nguồn dự trữ ngoại tệ đáng kể. Ngay cả sau khi đã sử dụng khá nhiều nguồn dự trữ này để hỗ trợ đồng rúp thì nguồn dự trữ của Ngân hàng Trung ương vẫn đứng ở mức khoảng 400 tỷ USD.

Nợ công hiện chỉ chiếm khoảng hơn 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngân sách hiện vẫn cân bằng và chính phủ có một quỹ dự trữ để duy trì chi tiêu cho xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật