‘Mặc cho con lay gọi, mẹ vẫn ra đi...’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc cho con than khóc, mẹ không hề đáp lại một tiếng nữa rồi. Con biết rằng mẹ đã ra đi, không bao giờ quay trở về nữa, con cũng biết rằng, từ giờ phút này mình đã mãi mãi là đứa con không mẹ.
‘Mặc cho con lay gọi, mẹ vẫn ra đi...’
Ảnh minh họa

Đầu óc con bây giờ đang xuất hiện một khoảng trống, hoàn toàn trống rỗng, không một ý tưởng, không một chút ý thức. Bà con hàng xóm đã giúp khâm liệm và đặt mẹ vào quan tài, con cố sức ôm lấy mẹ, áp mặt vào mặt mẹ, những tưởng còn vớt vát được một chút hơi nóng còn lại trên c‌ơ th‌ể mẹ. Con lấy lược, nhẹ nhàng chải và bới gọn gàng từng lọn, từng lọn tóc bạc rối tung của mẹ.

Con muốn trời xanh cảm động được lòng thành của con, cho mẹ gọi con bằng cái tên sữa “Tiểu Bảo” một lần, để cho mẹ hé mắt nhìn con một lần cuối. Đáng tiếc là những điều đó chỉ là những ước mong vĩnh viễn lưu lại trong tim con.

Khuôn mặt mẹ dần dần giá lạnh, thân thể mẹ cũng từ từ cứng lại. Nước mắt con nhỏ từng giọt trên khuôn mặt tiều tụy của mẹ, khuôn mặt rất quen thuộc nhưng lại đang dần trở nên xa lạ bởi không còn chút sắc hồng của máu mà trắng bợt như một tờ giấy. Con nghi hoặc liệu đây có phải là người mẹ từng biết nỗi ấm lạnh, từng hiểu tường tận con người của con không? Đây có phải người mẹ thân yêu đã lao tâm khổ tứ, đã cả đời bận tâm vì con không? Tại sao mẹ lại không mở mắt ra để nhìn con gái, bàn tay già nua, chai sạn của mẹ không vuốt ve mặt con? Mẹ lặng lẽ rời xa chúng con, bỏ lại các con gái để một mình cô độc đi sang thế giới bên kia lạnh lẽo như vậy sao?

Lúc này, con mới chợt nhớ đến có một buổi sáng, mẹ gọi mấy chị em chúng con lại, bình tĩnh nói: “Mẹ phải cắn răng bỏ các con, các con cũng phải cắn răng bỏ mẹ nhé!” Con tự giận mình lúc đó tại sao lại không hiểu ý tứ câu nói đó của mẹ để ám chỉ điều gì. Con còn lạc quan một cách mù quáng, rằng mẹ rất tự cường, cái gì cũng tự làm lấy, chẳng cần đến sự quan tâm của chúng con.

Cho nên mãi tận bây giờ, con vẫn còn mang một nỗi ân hận không thể nào giải tỏa được, mà bằng một cái nhìn thấu đáo thì con đúng là một kẻ đại bất hiếu. Mẹ tuổi đã cao, con lại không thường xuyên ở bên mẹ vì bận công tác, vì vướng việc gia đình hoặc những việc xã giao…Mặc dù vậy, mẹ không bao giờ trách móc con mà còn động viên con hãy chú tâm vào công việc, không cần phải lo lắng cho mẹ.

Vào tháng cuối cùng khi mẹ lâm bệnh, mỗi lần đến thăm mẹ, con đều thấy bộ dạng của mẹ rất đàng hoàng, mẹ bảo không cảm thấy đau một chút nào. Trong cái ngày cuối cùng của mẹ, mẹ đã bảo chị con gọi con về, chắc chắn là mẹ đã cảm thấy có gì bất thường trong c‌ơ th‌ể, dẫn đến một bước ngoặt cuối cùng của cuộc đời. Mẹ là người luôn biết giữ thể diện, bất kể trong điều kiện hoặc tình huống nào, mẹ cũng luôn giữ cho nhà cửa và bản thân được chỉnh tề, gọn gàng, ngăn nắp. Thế nhưng, trong những khắc giờ cuối cùng ấy, sự đau đớn đã khiến mẹ không còn có thể giữ được thể diện và lòng tự tôn, cởi bỏ hết quần áo đang mặc, từ trên giường lăn xuống đất rồi lại từ dưới đất lồm cồm bò lên giường.

Con biết ai rồi cũng sẽ có một ngày đến lúc lực bất tòng tâm, vô luận là người đó mạnh mẽ hay giàu có đến đâu mà đối mặt với bệnh tật, với tai họa, với cái chết…đều sẽ đến lúc cảm thấy vô năng, bất lực. Những nỗi đau của con người ta về tinh thần khả dĩ có cách hóa giải, còn nỗi đau đớn về thể xác thì chẳng có cách nào vượt qua. Chỉ nghĩ đến đó thôi là cảm thấy trong lòng bức bối, thê thảm.

Mẹ! Mẹ ra đi đột ngột như thế, con gái còn có bao điều chất chứa trong lòng muốn ngỏ cùng mẹ nhưng mẹ đã chẳng còn có thể nghe thấy dù chỉ một câu, con còn có bao nhiêu việc muốn làm nhưng chưa làm được, song mẹ chẳng bao giờ còn có thể nhìn thấy nữa. Sau này con có về đến nhà, sẽ chẳng có ai hỏi xem con gái ấm lạnh ra sao, sẽ chẳng còn ai bận tâm, nhớ nhung đến con nữa.

Trước đây, mỗi lần đến dịp sinh nhật của mẹ, nhà ta tứ đại đồng đường vui mừng tổ chức một lễ mừng nho nhỏ, mộc mạc nhưng biết bao ấm áp tình thân. Mỗi dịp sinh nhật con, con thường một mình tới thăm mẹ, mua biếu mẹ những đồ ăn mà mẹ thích và mấy bộ quần áo để đền đáp phần nào công lao dưỡng dục. Hai năm nay, cứ đến sinh nhật mình, con lại thầy trong lòng buồn chán đến cực độ, bởi con chẳng còn nơi nào mà đi về nữa.

Mẹ! Thế là mẹ đã ra đi, dù cho con gào khóc đến cạn hết nước mắt cũng không có thể nào gọi được linh hồn đã bị gió cuốn đi của mẹ trở về nữa rồi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật