Bác sỹ của bản làng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thấu hiểu nỗi khổ của bà con dân bản khi ốm đau không được khám chữa bệnh, cuộc sống vất vả, địa bàn đi lại khó khăn xa trung tâm huyện, tập tục lạc hậu chữa bệnh bằng cúng bái vẫn còn.
Bác sỹ của bản làng
Bác sĩ Hà Văn Khanh thăm khám bệnh cho đồng bào vùng cao.

Anh Hà Văn Khanh, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã quyết tâm đi học để trở thành bác sỹ với mong muốn giúp đỡ bà con bản làng.

Thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc

Sinh ra và lớn lên tại bản vùng cao nên anh Hà Văn Khanh hiểu rõ nỗi khổ của bà con dân bản khi ốm đau không có bác sĩ. Quyết tâm đi học để trở về quê chữa bệnh cho dân bản, năm 1981 anh Hà Văn Khanh đã thi vào học tại Trường Sơ cấp y Phú Thọ, năm 1982 ra trường, trở về quê hương làm việc tại Trạm y tế xã Thượng Cửu. Tiếp tục nâng cao trình độ, năm 1998 anh thi đỗ vào Trường Trung cấp y Phú Thọ rồi tiếp tục trở về quê hương công tác với vị trí là y sỹ của trạm y tế xã.

Không dừng lại ở đó, năm 2005, anh tiếp tục ôn luyện và thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên, đến năm 2009 ra trường trở thành bác sĩ đa khoa. Tốt nghiệp đại học ra trường, có nhiều cơ hội làm việc tại các bệnh viện lớn nhưng anh Hà Văn Khanh vẫn quyết tâm trở về quê hương làm việc và được bổ nhiệm trạm Trưởng Trạm y tế xã Thượng Cửu và là bác sỹ đầu tiên của bà con dân bản vùng cao xã Thượng Cửu.

Bác sĩ Hà Văn Khanh cho biết, với đặc thù là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống nên các cán bộ y bác sĩ của trạm y tế xã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động tuyên truyền, phổ biến giáo dục sức khỏe cho người dân. Ít hiểu biết, không biết cách phòng bệnh nên nhiều dịch bệnh đã xảy ra trên địa bàn. Không ít người dân khi ốm đau không đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà vẫn mời thấy mo về cúng, đa phần các chị em đều tự sinh nở tại nhà theo tập tục, nên rất nguy hiểm đến tính mạng.

Niềm vui lớn nhất đối với bác sĩ Hà Văn Khanh là được con trẻ trong các bản làng gọi là “eng”, “chủng”, “chá” tiếng của các dân tộc có nghĩa là cha, bởi vì hầu hết những đứa trẻ được sinh ra an toàn là do được bàn tay của bác sĩ Khanh đỡ đẻ. Còn người dân trong xã vẫn bình dị gọi là bác sĩ Khanh, vì hai tiếng “bác sỹ” rất thiêng liêng với dân bản.

Ông Hà Văn viêm (79 tuổi) ở bản Tu, xã Thượng Cửu cho biết, trước đây bà con dân tộc ở đây không thích đến trạm y tế xã để khám chữa bệnh, mà tự tìm thuốc nam về chữa trị ở nhà thôi. Không chữa được thì gọi thầy mo về cúng để đuổi bệnh đi, các buổi cúng phải mổ nhiều lợn để mời cả họ, cả làng đến ăn để chứng kiến cái lễ của thầy cúng. Bây giờ có bác sĩ Khanh rồi, chúng tôi không lo mắc bệnh nữa, không mời thầy mo về cúng nữa, chúng tôi rất cảm ơn bác sĩ đã khám chữa bệnh cho chúng tôi.

Luôn đứng đầu ngành y tế cơ sở

Làm việc ở xã khó khăn bậc nhất của huyện miền núi Thanh Sơn nhưng bác sỹ Hà Văn Khanh luôn tha thiết với nghề. Hàng ngày, bác sỹ và các cán bộ y tế của trạm tuyên truyền thay đổi nhận thức cho bà con từ những điều đơn giản nhất là phải uống nước đun sôi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi ăn, ngủ phải mắc màn đến việc tiêm chủng trẻ em; vận động dân bản áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng dịch bệnh thông thường cho đến chuyện đỡ đẻ…

Chính những nỗ lực và việc làm cụ thể của những cán bộ y tế cơ sở đã dần làm thay đổi những hủ tục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng lên, bác sỹ và các cán bộ y tế xã đã được dân bản tin yêu, nể trọng.

Từ chỗ, rất ít bà con dân bản đến khám chữa bệnh tại trạm y tế, đến nay mỗi tháng trạm y tế xã phục vụ khám chữa bệnh cho trên 200 lượt người. 10 tháng đầu năm đã có trên 2.000 lượt người được khám chữa bệnh, tăng cao so với năm trước, vượt kế hoạch đề ra. Từ nhiều năm nay không có trường hợp t‌ử von‌g nào xảy ra trên địa bàn, hầu hết bà con trong bản đã tới trạm xá để khám bệnh, chị em phụ nữ đã đến trạm y tế để sinh con mà không sinh ở nhà theo tập tục.

Đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng triển khai khá tốt, nhờ đó đã phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm, báo cáo kịp thời, chuyển lên tuyến trên không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Trong các đợt tiêm phòng sởi, viên não, tiêm phòng cho phụ nữ mang thai… tỷ lệ luôn đạt trên 99%. Đạt kết quả cao nhất là đợt tiên phòng sởi - Rubela cho trẻ từ 1 - 14 tuổi, tỷ lệ tiêm phòng của trạm đạt 100%, đứng đầu toàn huyện. Bên cạnh đó, công tác phòng chống các bệnh như lao, tâm thần, sốt rét, bệnh dại, chống suy dinh dưỡng... cũng được nâng lên vượt bậc.

Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn cho biết, từ khi có bác Hà Văn Khanh, công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn xã Thượng Cửu đã được nâng lên. Dân bản đã tin vào bác sỹ, đến khám chữa bệnh ngày càng đông, được dân bản tin yêu. Bác sỹ Khanh có lối sống trong sáng, lành mạnh, thật thà, giữ đúng phẩm chất của người thầy thuốc, sống chan hòa và được đồng nghiệp yêu mến, luôn có tinh thần học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn.

Với sự cố gắng, nỗ lực đó, cuối năm 2013, Trạm y tế xã Thượng Cửu đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới về y tế xã. Bác sỹ Hà Văn Khanh đã nhận được nhiều giấy khen của Sở Y tế Phú Thọ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật