Toàn cầu chìm trong sắc đỏ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TTCK khắp thế giới đã chứng kiến nhiều phiên giảm liên tiếp trong những ngày qua. Trong bối cảnh giá dầu tiếp tục đi xuống, kinh tế toàn cầu hồi phục yếu ớt và sự hoảng loạn phát đi từ Nga.
Toàn cầu chìm trong sắc đỏ
Ảnh minh họa

Dự báo thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với không khí ảm đạm. Khoảng 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bốc hơi khỏi TTCK toàn cầu trong tuần trước.

Lao dốc

Kết thúc phiên giao dịch lúc rạng sáng ngày 17-12 (giờ Việt Nam), các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục đi xuống: Chỉ số S&P 500 giảm 0,9% xuống 1.972,74 điểm, dưới mức bình quân 100 ngày; chỉ số Nasdaq 100 Index lao dốc 1,6%, sâu nhất 2 tháng; chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 111,97 điểm (-0,7%), xuống 17.068,87 điểm.

Cùng với sự đi xuống của các chỉ số chứng khoán chính là sự đi lên của “chỉ số sợ hãi” Chicago Board Options Exchange Volatility Index (VIX) - dùng để đo chi phí bảo hiểm chống lại sự sụt giảm của chỉ số S&P 500, tăng vọt 15% trong phiên 17-12, lên 23,57 điểm. Tuần trước, chỉ số này đã tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm.

Tính đến hôm qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 4,6% so với đầu tháng, hướng tới 1 tháng 12 thua lỗ lần đầu tiên kể từ năm 2007, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu bùng phát. Dù vậy, chỉ số này vẫn cao hơn 6,7% so với đầu năm.

Các TTCK toàn cầu cũng lao dốc vào đầu phiên hôm qua, với chỉ số các thị trường mới nổi mất tới 1,8% trong bối cảnh giá dầu có lúc giảm xuống dưới 54USD/thùng; đồng rúp Nga còn 70 rúp ăn 1USD lần đầu tiên trong lịch sử; chỉ số nhà máy Trung Quốc trong tháng 12 giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng; chỉ số sản xuất ở Pháp giảm nhiều hơn dự báo…

Vào tuần trước, chỉ số Stoxx Europe 600 của chứng khoán châu Âu mất tới 5,8%, là mức giảm sâu nhất 3 năm. Các mã năng lượng ở TTCK châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2009, CP các nhà sản xuất đang ở mức thấp nhất từ tháng 5-2012.

Cá biệt, TTCK Hy Lạp đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1987, trong khi TTCK Nga mất tới 12% chỉ trong 1 phiên giao dịch ngày 16-12, xuống 629,15 điểm, là phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 11-2008. Các thị trường châu Á cũng giảm mạnh, với tuần trước là 1 tuần giao dịch tệ nhất 2 tháng. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương kết thúc tuần trước ở mức 134,97 điểm, thấp nhất kể từ ngày 17-10.

CP năng lượng lún sâu

Với nhiều người tiêu dùng khắp thế giới, giá dầu lao dốc mạnh trong tháng 12 là món quà đầy ý nghĩa cho mùa lễ hội Giáng sinh và Năm mới đang đến gần. Tuy nhiên, với các NĐT, giá dầu hạ khiến mùa đông thêm lạnh lẽo, đặc biệt với các NĐT đang nắm trong tay lượng lớn CP các công ty năng lượng.

“Giá dầu hiện quanh quẩn ở mức dưới 60USD/thùng, thấp nhất kể từ khi bùng nổ khủng hoảng tài chính toàn cầu và thấp hơn khoảng 49% so với mức đỉnh 115,71USD/thùng lập ngày 19-6. Không chỉ vậy, dự báo dầu Brent (được dùng làm giá dầu chuẩn toàn cầu) sẽ trượt xuống mức thấp với 50USD/thùng trong năm 2015” - khảo sát của Bloomberg với các nhà phân tích Phố Wall. Dầu Brent đã giảm thêm sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không giảm sản lượng để “cứu giá” như vẫn thường làm trước đây.

Theo lời Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Saudi Suhail Al-Mazrouei, cartel sản xuất dầu mỏ cũng cam kết sẽ không thay đổi quyết định này cho đến khi giá dầu chưa bị đẩy xuống mức 40USD/thùng, Cho đến nay, CP các công ty năng lượng trên TTCK Hoa Kỳ đã bị sụt giảm thê thảm và kéo theo cả thị trường bị nhuộm đỏ. CP những công ty năng lượng trong chỉ số S&P 500 đã giảm từ 20-42% trong tháng 12.

Ngân hàng Barclays tính ra rằng giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tương đương tới lợi nhuận của các công ty năng lượng, trong khi doanh thu ròng của các công ty này sẽ bị giảm ở tỷ lệ 1,5x. Hiện nay, khi giá dầu Brent đã mất 49% so với tháng 6, đồng nghĩa lợi nhuận của các hãng năng lượng mất 49%, trong khi doanh thu ròng mất 73,5%.

Những nhân tố bất ổn

Thêm vào đó là bức tranh u ám của nền kinh tế toàn cầu, với những gam màu tối đến từ sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, nguy cơ suy thoái ở khu vực đồng EUR và sự hoảng loạn mang tên đồng rúp ở Nga… “Đây là thời điểm những lo ngại dấy lên mạnh mẽ về nguy cơ một cuộc suy thoái toàn cầu khác” - Stephen Webster, trưởng kinh tế châu Âu tại 4 cast, nói.

Khảo sát niềm tin kinh doanh mới công bố hôm 16-12 ở châu Á và châu Âu đã gia tăng áp lực lên cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phải gia tăng các biện pháp kích thích, đồng thời đe dọa các mục tiêu năm 2015 của 2 nền kinh tế quan trọng này.

Hoạt động kinh doanh ở Eurozone kết thúc năm 2014 tốt hơn đôi chút so với dự báo, nhưng vẫn ở mức yếu ớt và các công ty vẫn đang phải cắt giảm giá cả để bán được hàng. Chỉ số Quản lý thu mua Markit’s trong tháng 12, dựa trên khảo sát hàng ngàn công ty, tăng đạt 51,7 điểm từ mức thấp nhất 16 tháng 51,1 điểm trước đó, nhưng vẫn là mức thấp thứ nhì trong vòng 1 năm qua.

Lạm phát ở khu vực này cũng ở mức thấp 0,3%, nằm trong “vùng nguy hiểm” do ECB đưa ra. Lạm phát ở Anh giảm xuống mức thấp nhất 12 năm vào tháng 11. Tại châu Á, tình hình cũng khá u ám khi chỉ số Hoạt động sản xuất HSBC/Markit của Trung Quốc giảm xuống 49,5 điểm trong tháng 12, từ mức 50 điểm của tháng 11. Lo ngại về giảm phát và thiểu phát đã lan rộng khắp toàn cầu càng đè nặng lên các thị trường khắp thế giới.

Trong khi đó, bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nga như dùng ngoại tệ mua rúp, nâng lãi suất cơ bản, đồng rúp của nước này vẫn lao dốc thê thảm. Trong phiên ngày 16-12, đồng rúp lao dốc 4% so với USD. Tính từ đầu năm, đồng tiền này đã mất giá khoảng 50% so với USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật