Cuộc chiến giá dầu: OPEC đang chơi trên cơ Nga, Mỹ?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá dầu đã giảm hơn 45% kể từ tháng 6, và hứa hẹn sẽ tiếp tục giảm khi OPEC thống nhất duy trì sản lượng.
Cuộc chiến giá dầu: OPEC đang chơi trên cơ Nga, Mỹ?
Ảnh minh họa

OPEC: hoa mỹ nhưng kiên quyết

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) là một tổ chức đa chính phủ, gồm 12 nước thành viên trên các khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ. Các nước thường trực trong OPEC gồm Algeria, Libya, Nigeria, Angola, Iran, Iraq, Kuwait, Qatar, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Venezuela, Ecuador. Ngoài ra có các thành viên tương lai là Bolivia, Canada, Sudan, và Syria.

Ngày 14/12/2014, phát biể tại một hội nghị của OPEC ở Dubai, ông Suhail al-Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã khẳng định tổ chức này sẽ không giảm sản lượng ngay cả khi giá dầu đang ở mức 60 USD/thùng, thậm chí xuống đến 40 USD/thùng.

Và trong ít nhất 3 tháng tới, OPEC sẽ không bàn về việc có giảm sản lượng hay không. Hiện tại, các nước thành viên của tổ chức này đang duy trì sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày.

Tuyên bố trên của OPEC được đánh giá đã gia tăng sức ép lên giá dầu trên thế giới. Từ tháng 6/2014, giá dầu đã giảm 45%, dầu thô Brent chỉ còn 62 USD/thùng vào trung tuần tháng 12/2014.

Nhiều nhà phân tích cho rằng OPEC đang cố tạo ra áp lực với các nước sản xuất dầu ngoài khối, trong đó có Nga, Mỹ, Na Uy, Mexico... Thậm chí, nhiều chuyên gia của Nga đã chỉ thẳng OPEC được sự giật dây của Mỹ đang phát động một cuộc chiến giá dầu với nước Nga, nhằm vào lúc nền kinh tế này đang khó khăn do các lệnh trừng phạt mà EU áp dụng.

Tuy nhiên, bác bỏ thẳng thừng những cáo buộc đó, Tổng Thư ký OPEC Abdalla El-Badri khẳng định rằng họ không nhằm vào Nga hay bất kỳ quốc gia nào, họ quyết định và hành động như vậy đều vì lợi ích của những quốc gia trong tổ chức.

Tổng Thư ký El-Badri chia sẻ đầy hoa mỹ: "Chúng tôi cũng là những nhà kinh doanh, và việc giá dầu thấp như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của chúng tôi. Chưa thể biết khi nào tình hình sẽ khả quan trở lại, nhưng cần nhìn vào thực tế rằng có những nguy hại lớn hơn việc giá dầu giảm hay mâu thuẫn Nga - Mỹ, đó là nền kinh tế thế giới đang đứng trước một nguy cơ khủng hoảng tiềm ẩn."

Ngoài ra, ông El-Badri phân tích thêm: "Chúng tôi cũng chịu những sự cạnh tranh không chỉ của những quốc gia ngoài tổ chức mà còn từ những nhà sản xuất dầu khí đá phiến. Chẳng có lý do gì chúng tôi phải giảm sản lượng, trong khi các nhà sản xuất khác lại tăng đều đặn sản lượng của mình?"

Có hay không cuộc chiến giá dầu?

Lãnh đạo của OPEC đưa ra những lý luận phù hợp với bản chất của kinh doanh, họ bất chấp những mục tiêu chính trị và đề cao lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Điều này khiến cho những người theo đuổi thuyết âm mưu cũng không có lý do hay cơ hội để nhào nặn, hoạnh họe những quyết sách của OPEC.

Nhưng thực tế, giá dầu giảm sâu đang có tác động rất lớn đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Nga. Để làm rõ có hay không một âm mưu đằng sau việc giá dầu giảm, trước hết phải nhìn nhận cụ thể về bối cảnh của thế giới trong thời điểm đó.

Từ tháng 6/2014, Nga và phương Tây bước vào giai đoạn tệ hại nhất từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Lúc này Mỹ, EU bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế vào Nga. Cùng thời điểm đó, giá dầu bắt đầu giảm sút từng chút một, cho đến khi mất phanh và lao dốc.

Tất nhiên, giá dầu mất phanh như vậy khiến kinh tế Nga thâm hụt nghiêm trọng. Từ một quốc gia đặt tiêu chí tăng trưởng đều đặn đến năm 2020, Nga phải thừa nhận việc trường hợp tươi sáng, kinh tế của họ không tăng trưởng, còn đen tối hơn, nếu giá dầu giảm tiếp, họ sẽ rơi vào cảnh suy thoái.

Các bồn chứa dầu ở cảng Fujairah, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất Sự trùng hợp đó khiến nhiều người liên tưởng ngay đến việc đã có cái bắt tay của Mỹ và OPEC nhằm tác động đến giá dầu, nhằm ép chết nền kinh tế dựa vào bán dầu như Nga. Nhìn vào đội hình thành viên OPEC, những cái tên của vùng Vịnh - đồng minh thân cận của Mỹ đều góp mặt, khiến những người ngây thơ nhất cũng phải đặt dấu hỏi cho việc có âm mưu gì đằng sau sự lao dốc của giá dầu này.

OPEC thanh minh bằng việc nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu lâm nguy, giá dầu suy giảm là biểu hiện của việc sản xuất trên toàn cầu bị đình đốn, mà nói thẳng ra là khủng hoảng. Vậy câu hỏi đặt ra, vì sao khi Hy Lạp vỡ nợ công, và cả EU lao đao vào năm 2010, thời điểm đó giá dầu là 75 USD/thùng. Thì hiện tại, khi cơn bão nợ công ở châu Âu có vẻ ngớt, Hy Lạp đã được cứu, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia... vẫn đang cầm cự và có khả năng thoát khủng hoảng từ khe cửa hẹp, giá dầu vẫn ở mức thấp đến vậy?

Dù OPEC có dùng những từ hoa mỹ, và đúng lý, để nói về việc duy trì sản lượng, thì người ta vẫn phải đặt một dấu hỏi về việc Mỹ đang dùng bàn tay đen để thao túng giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, mâu thuẫn của vấn đề ở chỗ giá dầu thô giảm, nhưng giá khí đốt không giảm tương ứng. Trong khi mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây căng thẳng thì EU vẫn cần nhập khí đốt của Nga. EU vẫn là bạn hàng số một của năng lượng Nga. Và với châu Âu, Nga vẫn phải sống có nhau.

Thực tế thì Nga vẫn có thể dùng giá khí đốt để tạo sức ép cho EU và Ukraine. Tiêu biểu về việc đã có đỉnh điểm Nga tăng tới 40% giá khí đốt bán cho Ukraine, nhưng đã có khi giảm tới 100 USD/1000 m3 khí đốt. Điều này minh chứng rằng Nga mới là người tự chủ về giá khí đốt với EU, và cuộc chơi này là của riêng họ, không bị tác động từ quy mô toàn cầu.

Nga vẫn có thể dùng khí đốt để đe dọa EU Chỉ có điều, Nga bán dầu ra nhiều thị trường trên thế giới, và giá dầu giảm làm họ bị thâm hụt ngân sách. Nhưng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng Mỹ cũng thua thiệt chẳng kém gì Nga.

Moscow nổi tiếng với nền kinh tế xuất khẩu năng lượng và vũ khí, bởi họ không có nhiều sản phẩm khác để xuất khẩu. Còn Mỹ, những hào nhoáng về một nền kinh tế "cái gì cũng đứng đầu" khiến thế giới quên rằng Washington cũng là một tay buôn dầu có hạng.

Chẳng phải tự nhiên các cuộc chiến mà Mỹ phát động nhằm vào Iraq, Afghanistan, Libya, can dự vào Syria chỉ để bảo vệ dân chủ của dân bản xứ. Sau mỗi cuộc chiến ấy, các Tập đoàn dầu khí của Mỹ đang chi phối phần lớn cổ phần ở các mỏ dầu của những quốc gia này.

Việc OPEC giảm giá dầu đã nằm trong dự tính của Mỹ. Đó là lý do vì sao Washington liên tiếp tung ra các thông tin đầy lạc quan về việc họ có thể tự chủ nguồn dầu khí bằng công nghệ khai thác đá phiến. Nhưng thực tế, đá phiến còn là giấc mơ xa vời, Mỹ chỉ nhằm đẩy OPEC thành kẻ thù của Nga, còn chính Mỹ phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Trong thế kỷ 21, năng lượng trở thành một thứ khiến người ta chĩa súng vào nhau, bất chấp các nguyên tắc quốc tế. Họ tranh đoạt từng mét vuông, từng tảng băng ở Bắc Cực, hay hòn đảo nổi, đảo chìm ở Biển Đông chỉ nhằm phục vụ cho cơ hội tìm ra mỏ dầu, mỏ khí.

Và trong thế giới mà dầu trở thành báu vật duy nhất ấy, OPEC đang nổi lên như một kẻ làm chủ cuộc chơi, không ồn ào, không súng đạn, nhưng mọi quyết sách của tổ chức này đủ khiến các ông lớn phải e dè.

Trong cuộc chiến giá dầu này, OPEC đang chơi một ván bài trên cơ cả Mỹ, Nga. Những khái niệm như "đồng minh, theo đuôi... hoặc bạn bè tốt..." chỉ còn là dĩ vãng. Mọi quốc gia đều hành động vì lợi ích, và mạnh được yếu thua đã trở thành quy luật của thế giới đa cực.

Đó là lý do vì sao Nga buộc phải khai thác triệt để chính sách ngoại giao "cào bằng quan hệ" với mọi quốc gia nhằm thượng tôn lợi ích cho mình. Còn Mỹ phải đẩy mạnh sự ảnh hưởng của mình lên những đồng minh thân cận trước đây.

Nếu xảy ra chiến tranh lạnh, chắc chắn sẽ không mang hình thái của thế kỷ 20. Trong thế kỷ 21, chiến tranh lạnh sẽ đơn thuần là chạy đua lợi ích, nước nào mang tới nhiều lợi ích, nước đó sẽ có ưu thế địa chính trị tuyệt đối.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật