Triều Tiên chuyển sang nền kinh tế tư nhân?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng đang thi hành các chính sách cải cách kinh tế, mở rộng làm ăn với tư nhân và nước ngoài. Song, giới học giả Hàn Quốc lại không cho như vậy.
Triều Tiên chuyển sang nền kinh tế tư nhân?
Phiên chợ cóc tại Triều Tiên.

Theo Wall Street Journal, Andrei Lankov, một học giả người Nga từng tham gia nghiên cứu tại Đại học Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng đã đưa ra nhận định rằng hành loạt chính sách cải cách mới đang trải thảm cho Triều Tiên chuyển sang tư nhân hóa nền kinh tế quốc doanh, tương tự như cách mà Việt Nam và Trung Quốc đã làm.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Al-Jazeera, Giáo sư Lankov tại Đại học Kookmin, Seoul cho rằng ngay từ đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã ban hành hàng loạt chính sách cải cách mang tên "Các phương sách 30/5".

Sau chuyến thăm gần đây tới Triều Tiên, ông Lankov cho biết ông nhận thấy rằng những kế hoạch thay đổi nền kinh tế của chính phủ Bình Nhưỡng sẽ tăng thêm quyền tự do và chuyển nhượng thêm đất đai cho người nông dân.

Thậm chí, kể từ năm sau, chính phủ Triều Tiên sẽ để người nông dân giữ lại 60% tổng sản lượng thu hoạch và phần còn lại thuộc về chính phủ. Trong khi đó, các ông chủ nhà máy sẽ có quyền tự quyết định thuê và sa thải nhân công cũng như tìm đối tác làm ăn và nơi mua nguyên liệu.

Trước đó, hồi năm 2012, chính phủ Triều Tiên mới chỉ cho phép người nông dân giữ lại 30% tổng sản lượng thu hoạch. Còn chính các ông chủ nhà máy thường bị chậm trễ trả lương.

Theo ông Lankov, chính việc thử nghiệm thay đổi các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp đã gặt hái được thành công lớn và đây là bước tạo đà để Bình Nhưỡng tiến tới những cải cách mạnh mẽ hơn. Theo ước tính của viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc tại Seoul, sản lượng vụ mùa của Triều Tiên hồi năm ngoái đã được cải thiện trên mức trung bình.

"Dường như lâu nay, Triều Tiên đã quyết định bắt đầu đi theo hướng cải cách như kiểu của Trung Quốc", ông Lankov viết.

Vậy liệu rằng thực tế, nền kinh tế Triều Tiên đang dần tái sinh?

Ngay cả như vậy, Seoul vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp cải cách này. Theo một quan chức tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chưa có bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại hay thi hành các chính cải cách như trên. Trong khi đó, ông Lankov cho hay các biện pháp này sẽ được triển khai trong năm tới. Vị quan chức Hàn Quốc còn nhấn mạnh rằng truyền thông nhà nước Triều Tiên chưa từng sử dụng cụm từ "Các phương sách 30/5" hay đề cập tới chuyện cải cách.

Ngoài ra, ông Chang Yong-seok, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện Hòa Bình và Thống nhất thuộc Đại học quốc gia Seoul cho rằng ý tưởng trên được tiết lộ ra thế giới bên ngoài thông qua các nhà nghiên cứu. Song, ông cũng đưa ra lời cảnh báo về tính hiệu quả không như mong đợi từ các biện pháp này. Điển hình, ông Chang khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy các đơn vị sản xuất nông nghiệp tại Triều Tiên là các nhóm tư nhân thực sự.

Trước năm 2012, người nông dân Triều Tiên chỉ được giữ lại 30% sản lượng thu hoạch.

Nói cách khác, kinh nghiệm trong những năm qua cho thấy nền kinh tế quốc doanh yếu kém của Triều Tiên chưa tạo nên được bước đột phá nào đáng kể. Kể từ thập niên 90, quốc gia cô lập đã đưa ra ý tưởng về một nền kinh tế thị trường và mở cửa cho nhiều lĩnh vực kinh doanh nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, nhưng vẫn chưa có bước đột phá nào được ghi nhận. Thậm chí, "các cụm kinh tế đặc biệt" theo cách gọi của Bình Nhưỡng nằm giữa biên giới Trung Quốc và Nga vẫn trong tình trạng "hấp hối" suốt nhiều năm qua.

Mặt khác, khi thực sự mở rộng nền kinh tế, Triều Tiên sẽ cần tới nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư từng làm ăn với Triều Tiên cũng đã vấp phải không ít rắc rối khi quốc gia cô lập nhiều lần đơn phương hủy hợp đồng cũng như việc thiếu vắng hệ thống ngân hàng và nguồn nhân lực hạn chế. Ngay cả, lệnh trừng phạt của quốc tế chống lại Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân, cũng đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng.

Trong khi, các dự án kinh tế do nhà nước đứng đầu vẫn liên tục gây thất vọng, người dân Triều Tiên đã tìm cách xây dựng một nền kinh tế thị trường ngầm mở rộng. Thị trường ngầm này được hình thành khi mà chính phủ Triều Tiên quyết định nới lỏng các hoạt động kinh tế sau nạn đói giữa thập niên 90.

Ngoài ra, theo nguồn tin từ những người đào tẩu khỏi Triều Tiên trong những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác tư nhân – nhà nước đã được phát triển nhanh chóng tại quốc gia cô lập. Điển hình, các quan chức chính phủ Triều Tiên đã cho phép nhiều doanh nghiệp bắt tay cùng làm ăn và cùng chia sẻ lợi nhuận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật