Kinh tế hồi phục chưa bền vững

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng chưa bền vững bởi còn rất nhiều điểm nghẽn, vướng mắc cần có giải pháp căn cơ dài hạn để xử lý từ gốc nhằm tránh được rủi ro, đồng thời ổn định phát triển.
Kinh tế hồi phục chưa bền vững
Ảnh minh họa

Đó là quan điểm của hầu hết các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Kinh tế Việt Nam đã đến đáy”, diễn ra hôm qua 26-11 tại TPHCM.

TS. Trần Quang Thắng, viện trưởng viện Quản lý và Kinh tế TPHCM, cho rằng chiều hướng phục hồi nhẹ của nền kinh tế hiện nay tương đối rõ nét so với 3 năm trước trên các mặt kinh tế, xã hội, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu. Lạm phát đã được kiểm soát tốt nhưng ở mức chưa thực sự giúp đảm bảo việc kích cầu, tăng cường ổn định sức mua.

Để thực hiện thành công tái cơ cấu nền kinh tế những năm tiếp theo, TS. Thắng cho rằng trước mắt cần tập trung giải quyết nợ xấu, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích và hỗ trợ phát triển khối doanh nghiệp tư nhân để có ICOR tốt hơn so với khối doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, Việt Nam phải minh bạch cấu trúc nợ công theo thông lệ quốc tế, kiểm soát tốt lạm phát theo hướng vẫn đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính bền vững về công ăn việc làm của người dân.

Việc cải cách cơ cấu cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi đôi với 3 đột phá thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực nhằm hướng đến phát triển lâu dài, trong khi phần lớn lao động tập trung trong khu vực nông nghiệp và có tay nghề thấp, dù đã có đầu tư và cải thiện liên tục.

Trong khi đó, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán WTO và Cộng đồng kinh tế Asean, cho biết với các biện pháp kinh tế vĩ mô, kiềm chế và giảm lạm phát, ổn định tỷ giá, hạ cơn sốt vàng, kích cầu bất động sản, tái cơ cấu nền kinh tế... thời gian qua đến nay đã có những tín hiệu tăng trưởng trở lại, lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế được củng cố.

Cụ thể, Moddy’s nâng mức xếp hạng từ B2 lên B1; Fitch nâng Việt Nam từ B+ lên B-; Việt Nam được coi là 1 trong 10 nền kinh tế năng động nhất thế giới. Theo báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015, đánh giá năng lực cạnh tranh của 144 nền kinh tế dưới góc nhìn chuyên sâu về động cơ đối với năng suất và sự thịnh vượng của các nền kinh tế, Việt Nam xếp ở thứ 68, tăng 2 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh so với năm 2013-2014.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam thăng hạng sau khi nhảy 5 bậc, từ vị trí 75 về 70 vào năm ngoái. Khảo sát lĩnh vực hạ tầng, hiệu quả thị trường lao động… Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể, đặc biệt môi trường kinh doanh từ hạng 87 năm ngoái lên 75 năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Tự, nếu muốn đẩy nhanh tăng trưởng GDP lên 7%/năm, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay và đổi mới hình thức vay, quản lý vay theo dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong-ngoài nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao cạnh tranh của mình bằng cách tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, năng lực quản lý cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể đáp ứng yêu cầu mới trong cuộc cạnh tranh quyết liệt, khi đến năm 2017 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết WTO và đến tháng 2-2015 Cộng đồng kinh tế Asean bắt đầu vận hành.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS. Nguyễn Đại Lai nhận định, nếu năm 2014 GDP Việt Nam tăng thêm được 5,5% như dự báo tương đương 173.300 triệu USD. Nhưng đó là GDP danh nghĩa, còn GDP thực tế phải khử lạm phát. Theo TS. Lai, Việt Nam không quá lo ngại về tốc độ tăng trưởng GDP.

Mặc dù nền kinh tế đang nằm ở vùng đáy ngang, song vấn đề cải thiện chất lượng tăng trưởng mới là điều cốt lõi cho kinh tế Việt Nam khởi sắc. Việc điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế hiện nay phải nhắm đến thời kỳ kinh tế thế giới đang phục hồi hoàn toàn, với hy vọng sự thay đổi đang rõ trong trật tự kinh tế thế giới. Đồng thời, phải tìm cách để kinh tế Việt Nam tham gia tốt vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần giải bài toán về vai trò Nhà nước trong việc dẫn dắt nền kinh tế bằng luật pháp bình đẳng, chứ không phải vai trò Nhà nước với tư cách là “chủ lực, chủ đạo”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật