Khất thực

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hồi nhỏ tôi thường thấy những vị mặc áo cà sa, tay mang bình bát đi từng bước dọc con đường dài nhà tôi. Những người phật tử cho nào gạo, bánh…
Khất thực
Ảnh minh họa

Mẹ tôi gọi họ là những nhà sư khất thực và giải thích đúng 12 giờ trưa, họ bày những gì xin được ra ăn, kể cả muối. Tôi cố chờ đến 12 giờ xem họ có bày mọi thứ xin được ra ăn chăng. Nhưng rồi lần nào cũng quên mất, bởi đó là lúc tôi đã ăn trưa xong, chuẩn bị ngủ trưa.

Một ngày, trong lớp tôi xuất hiện học sinh mới. Cậu được “ưu tiên” khô‌ּng mặ‌ּc đồng phục. Cậu mặc áo cà sa, tóc có một chỏm ở giữa như những tiểu đồng tôi thấy trên tranh. Con nít dễ làm quen.

Tôi hỏi cậu bên Phật Giáo tu có theo “dòng” như bên Công Giáo không. Lúc đó tôi biết các sơ (soeur) dòng Mến Thánh Giá, dòng Kín, dòng Saint Paul…

Cậu nói nếu giải thích theo Công Giáo, cậu thuộc “dòng” khất thực. Tôi nhớ mình tròn xoe mắt ngạc nhiên rồi hỏi có phải đi xin mỗi ngày không. Cậu sửa lại:

- Không, tớ không đi xin. Tớ chỉ khất thực ngày nào không đi học.

Ôi chao, giải thích thế nào về hai từ khất thực, cậu vẫn khẳng định mình không phải ăn xin, mà chỉ khất thực. Trẻ con thời đó không thích tranh cãi. Mà cũng chẳng có đủ lý lẽ để tranh cãi. Ừ thôi, khất thực thì khất thực.

Một hôm, theo mẹ đi chợ Sài Gòn, tôi thấy cậu đang cùng khất thực với một người lớn. Tôi reo lên:

- Ý, thằng Minh đang ăn xin kìa - Nói rồi tôi định băng sang đường gọi cậu. Mẹ tôi cản lại.

- Đó là công việc của bạn, không nên làm vậy. Mà không được gọi bạn là ăn xin nhe. Phải gọi khất thực!

Công việc? Thôi thì cứ hiểu bạn đi tu và làm việc của một thầy tu đi. Về nhà, tôi kể cho bạn bè. Người lớn nghe được cấm chúng tôi vào lớp trêu chọc Minh.

Mẹ tôi nói trêu chọc người tu hành còn nặng hơn cả trêu chọc bạn. Đó là điều không tốt chút nào. Còn dì Tư cạnh nhà dọa nếu nghe chúng tôi mang chuyện Minh khất thực ra trêu chọc trong lớp sẽ đánh mỗi đứa mười roi. Dượng Hai bên nhà nhẹ nhàng hơn:

- Người tu hành có công việc riêng tụi con à. Cứ giữ chuyện này trong lòng. Đừng nói ra ngoài rủi có đứa mất dạy chọc phá rồi xúc phạm bạn để bạn không dám tới trường nữa thì… tội lắm đó. Tội người ta mà tụi con cũng có tội nữa.

Được dặn trước vậy, nhưng với bản tính “lanh chanh”, tôi không thể giữ điều gì trong lòng. Tôi kể Minh buổi sáng chủ nhật thấy bạn đang “xin” ở chợ Sài Gòn. Minh thản nhiên:

- Ờ, mình khất thực với sư thầy

Tôi thắc mắc sao bạn không đi nhanh mà đi từng bước chầm chậm khi khất thực vậy. Minh cười:

- Mỗi bước chân là một câu niệm. Khi bàn chân đặt xuống đất là xong một câu niệm. Tôi ngạc nhiên tiếp:

- Như vậy chẳng khác nào cậu vừa đi vừa đọc kinh?

Minh cười hiền lành, gật đầu giảng giải:

- Có nhiều người khất thực nhưng không phải là người tu hành. Cậu nên phân biệt người tu khất thực đi chân không. Và bước đi của họ nhẹ nhàng, đều nhau vì bước chân nào cũng tròn một câu niệm.

Lúc đó, tôi mới ngớ ra và nhớ lại những vị sư khất thực đều đi chân không. Cả Minh hôm Chủ nhật vừa rồi cũng vậy. Ngày trước tôi từng ngạc nhiên tự hỏi các vị sư không bị nóng chân hay sao mà đi chân không trên con đường tráng nhựa hứng trọn ánh nắng mặt trời giữa trưa vậy.

Tôi lờ mờ hiểu đó là một trong những “khổ hạnh” của người tu hành, và cũng hiểu được tại sao mọi người đều tôn trọng Minh dù cậu bằng tuổi chúng tôi.

Xong năm cuối bậc tiểu học, chúng tôi như đàn chim bay đi khắp mọi hướng. Có đứa thi và đậu vào trường công, có đứa tiếp tục học trường Dòng, có đứa vào trường tư thục… Minh cũng vậy. Chúng tôi đoán bạn vào trường Bồ Đề học bậc trung học rồi.

Một sáng cũng Chủ nhật, năm tôi học đệ nhất (lớp 12), tức đã bảy năm qua, tôi gặp Minh đang khất thực gần chợ Bàu Sen, nơi tôi ghé thăm dì Hai của mình.

Minh không còn chừa một nhúm tóc nữa, đầu cậu cạo láng. Tôi chạy lại gọi tên Minh. Cậu chỉ nhướng mắt lên rồi nhìn xuống. Trông lướt qua có thể nghĩ cậu đang nhắm mắt.

Cậu tiếp tục bước từng bước theo câu niệm như cậu từng giải thích với tôi. Có phải Minh? Hay tôi nhầm? Không, vầng trán đó, chân mày đó, ánh mắt đó trước đây luôn ngời sáng mỗi khi trò chuyện cùng tôi, dù rằng hôm ấy cậu chẳng nói gì.

Cái miệng đó cậu luôn mỉm cười rộng lượng mỗi khi nghe tôi dùng từ ăn xin thay cho khất thực dù rằng hôm ấy cậu không cười cùng tôi. Tôi ngẩn người nhìn cậu lướt qua mình…

Tôi kể chuyện cùng người bạn phật tử thì bị “phán” ngay:

- Không lẽ người ta đang niệm Phật, đang làm công việc nghiêm túc tự dưng tay bắt mặt mừng với mày? Mày nên nhớ đó là người tu hành nha.

Vài tháng sau, tôi lại gặp Minh đang khất thực trên đường xuống Cầu Ông Lãnh khi đang đi chơi cùng bạn bè. Minh cũng đi thật chậm, đều như một câu kinh. Kinh nghiệm lần trước, tôi đứng bên đây đường ngắm Minh mặc cho bạn bè ngạc nhiên hỏi han. Chợt một lời bình luận của người đàn ông sau lưng:

- Tu hành gì bọn này. Trốn quân dịch không đó.

Như chính mình bị xúc phạm, tôi quay lại giận dữ:

- Sao ông biết người ta trốn quân dịch? Sao ông biết người ta không phải tu hành? Cậu ấy đang học đệ nhất, sắp thi tú tài toàn phần. Là học sinh mắc mớ gì phải trốn quân dịch?

Đám bạn kéo tôi đi trước những cặp mắt ngỡ ngàng của nhóm người đứng sau lưng bọn tôi. Từ buổi sáng hôm ấy, tôi không còn gặp Minh nữa.

Rồi đất nước trải qua bao biến động từ năm 1975 thế kỷ 20. Đâu đó trên báo đưa tin những tên lừa đảo đội lốt các nhà sư khất thực. Ngay một vị sư cao cấp trong giáo hội Phật Giáo cũng cảnh báo không nên cho khất thực vì không biết đâu là vàng, đâu là thau, đâu là ngọc và đâu là đá.

Thế nhưng mỗi lần trông thấy một người mặc áo cà sa, tay cầm bình bát. Tôi cũng đứng lại. Tôi cố nhìn thật kỹ xem đó có phải là người bạn thời thơ ấu của mình không.

Rồi tự hỏi nếu phải, liệu cậu có tay bắt mặt mừng như thói thường bạn bè sau mấy chục năm xa cách chăng. Hay cậu vẫn cúi đầu đi tiếp cho trọn câu niệm trong tim mình?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật