Chuyện của những đứa trẻ Kim Bon

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúng tôi đến với các em nhỏ Kim Bon (Phù Yên, Sơn La) trong một chuyến từ thiện trung tuần tháng 11.
Chuyện của những đứa trẻ Kim Bon
Hình ảnh quen thuộc của trẻ em Kim Bon

Giữa tiết trời 15 độ C, những đứa trẻ nơi đây vẫn đầu trần, chân đất, tím tái trong manh áo mỏng. Mặc cho cái rét, các em vẫn hồn nhiên nô đùa.

Mua xe máy đi học vì sợ… nghiện

Mới học lớp 8 nhưng Giàng A Sinh đã sở hữu một chiếc xe máy trị giá 18 triệu đồng hơn một năm nay. Sinh cho biết, toàn bộ tiền mua xe do em tích góp được từ việc làm thêm. Sinh kể, năm 2012, trong một lần đi làm thêm về muộn, trong tay chỉ có gần 50 nghìn đồng mang về mua gạo cho mẹ nhưng không may bị một nhóm chặn đường cướp sạch. “Lúc đó, hai người nghiện dọa nếu không đưa tiền chúng sẽ chích kim tiêm vào người. Đưa tiền cho họ, trở về nhà an toàn nhưng em vẫn run”, Giàng A Sinh tâm sự. Từ lần đó, Sinh quyết tâm kiếm nhiều tiền để mua xe máy đi học và… tránh nghiện.

Để có tiền mua xe, hơn một năm trời, Sinh vừa đi học, vừa tranh thủ làm thêm với rất nhiều công việc khác nhau: Chăn trâu, chăn dê, trồng cây, bẻ ngô… Hễ ai thuê gì là Sinh đều đi làm không kể nắng mưa, đêm muộn. Số tiền Sinh kiếm không chỉ để dành mua xe mà còn hỗ trợ, giúp đỡ bố mẹ.

Những lúc do áp lực kiếm tiền cho gia đình, em phải nghỉ học để đi làm thêm. Có khi đi làm cả ngày rất mệt nhưng tối em vẫn phải tranh thủ dành thời gian xem lại bài vở, vì sợ không theo kịp các bạn”, Sinh bộc bạch. Nhờ sự nỗ lực đó, Sinh vẫn giữ được mức học lực khá ở lớp.

Nhìn Sinh lái xe “điệu nghệ” trên đường đồi núi cheo leo khiến những người chứng kiến không khỏi lo lắng. “Em có biết là em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy không?”. “Dạ, em biết. Thầy cô cũng nhắc nhở, tuổi của em lái xe thế này là nguy hiểm”, Sinh nhanh nhảu trả lời.

“Thế sao em vẫn còn lái xe?”.

Vì nó giúp em nhiều việc. Em có thể tranh thủ đi làm thêm, đi học và đặc biệt là tránh được người nghiện”, Sinh trả lời nhanh gọn, thành thật.

Vượt qua ám ảnh

Là lớp trưởng của lớp 7C, Vàng A Giống luôn đi đầu trong học tập của lớp. Nhưng ít ai biết để đạt được những kết quả đó, A Giống luôn phải nỗ lực để vượt qua nỗi ám ảnh. Bố mẹ bỏ nhau từ năm 2007, khi em mới học lớp một. Hai anh theo bố, A Giống đi theo mẹ. Bố của A Giống bị nghiện sau một năm đi buôn bán tại các cửa khẩu và hoàn toàn thay đổi tính cách. Từ ngày bố bị nghiện, A Giống và mẹ luôn phải sống trong cảnh bị chửi mắng, đánh đập bất cứ lúc nào. “Có khi đang ăn cơm, bố hất tung cả mâm cơm. Em trải qua không biết bao nhiêu bữa cơm chan nước mắt”, A Giống nói. Khi được hỏi: “Em có muốn gặp lại bố của mình không?”. A Giống trả lời: “Không”.

Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng năm nào A Giống cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi và học đều các môn. Năm 2013, A Giống là thành viên duy nhất của lớp được đi dự thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện và đạt giải khuyến khích. “Hằng ngày, em dậy từ 4h sáng để đi học. Đi chậm thì mất 1 tiếng 30 phút, đi nhanh cũng phải hơn 1 tiếng mới đến lớp. Em vừa đi vừa chạy”, Vàng A Giống tâm sự.

Vàng A Giống nghẹn ngào mỗi khi nhắc tới bố.

Còn đó những nỗi lo

Trường THCS Kim Bon nằm trên sườn núi cao 700m so với mặt nước biển. Trường có diện tích 4.000m2 nhưng chủ yếu đồi núi. Trường có 29 cán bộ, giáo viên, 342 học sinh và 10 lớp học. Bên cạnh là khu bán trú cho học sinh nên chỉ được 247 em ở bán trú, còn lại phải thuê trọ ở ngoài.

Hầu hết học sinh nhà ở xa trường (thường nhà cách trường hơn 10 km) phải ở nội trú, một tuần hoặc một tháng mới về nhà một lần. Cô Hoàng Thị Thư, hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Từ năm 2013, theo quyết định 85 của Chính phủ, em nào nhà ở cách trường từ 7km trở lên thì được ở bán trú. Theo đó, mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ 460 nghìn đồng và 15kg gạo/tháng. Những em khác thuộc diện hưởng chế độ chính sách nhưng hết chỗ ở thì nhà nước hỗ trợ mỗi em 115 nghìn/tháng để thuê trọ ở ngoài”.

Cô Thư cho biết thêm, việc làm thủ tục hưởng chế độ cho các em gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, máy in gần trường bị hỏng nên bố mẹ các em không thể hoàn thành được thủ tục giấy tờ. Nếu muốn làm thì phải xuống núi, vượt hàng chục cây số. Nhiều em trong diện được hưởng chế độ ưu tiên nhưng do thủ tục chưa hoàn thành nên chưa được hưởng.

Do nhà xa, phải làm việc giúp gia đình nên nhiều khi các em còn tự ý nghỉ học. Để khắc phục tình trạng này, các thầy cô phải kết hợp với trưởng bản và đảng ủy, chính quyền xã, thường xuyên đến nhà vận động các em đi học”, cô Thư chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật