Sự cố sân bay Tân Sơn Nhất: 40% kiểm soát viên không lưu trình độ kém

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngành hàng không vẫn khẳng định không sử dụng những kiểm soát viên không đạt tiêu chuẩn trong những hoạt động chính.
Sự cố sân bay Tân Sơn Nhất: 40% kiểm soát viên không lưu trình độ kém
Trình độ của nhân viên hàng không liên tục phải được nâng cao để đáp ứng được nhiệm vụ. (Ảnh: GTVT)

Ngành hàng không luôn xác định an toàn là ưu tiên số một, là sự sống còn bền vững. Trong đó, an toàn kỹ thuật chính là yếu tố đầu tiên đảm bảo chất lượng dịch vụ và nâng cao uy tín.

Sự cố mất an toàn vẫn xảy ra

Trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành hàng không đã để xảy ra nhiều sự cố về an toàn bay. Chỉ trong vòng 3 tuần (từ 29/10 - 20/11) đã xuất hiện liên tiếp hai sự cố đặc biệt nghiêm trọng, uy hiế‌p trực tiếp đến an toàn hoạt động bay. Trong những sự cố này có liên quan đến việc hiệp đồng phối hợp điều hành bay giữa hàng không dân dụng và lực lượng không quân.

Ngành hàng không và các đơn vị không quân đã phải ngồi lại họp bàn, đưa ra các giải pháp để tăng cường bảo đảm an toàn bay, phối hợp điều hành giữa hàng không dân dụng và không quân, nhất là tại những sân bay hỗn hợp. Từ đó đưa ra nhiều giải pháp, đề ra những chương trình lớn và dài hạn liên quan đến vùng trời, tối ưu hóa đường bay, phối hợp phát triển kết cấu hạ tầng…

Trong đó, hai bên tiến hành rà soát lại toàn bộ bộ quy chế phối hợp dân dụng và quân sự trong các hoạt động tại sân bay. Rà soát lại để hoàn thiện, bổ sung sửa đổi quy chế thực hiện công tác phối hợp, đảm bảo huấn luyện cho nhân viên hàng không.

Một vấn đề đáng lưu ý và được đề cập giữa ngành hàng không và quân chủng phòng không không quân là có nên chuyển hệ thống sân bay quân sự ra khỏi vùng bay của hàng không dân dụng hay không?

Vấn đề này đã được Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh chia sẻ, đây là vấn đề rất quan trọng, không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã thống nhất ưu tiên cho hàng không dân dụng để phát triển kinh tế, tuy nhiên dù thế nào cũng không thể lơ là nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền vùng trời của đất nước.

Từ đó có thể thấy, việc phối hợp hiệp đồng bay giữa quân sự và dân sự phải được chú trọng hơn nữa với hệ thống quy chế phối hợp cụ thể, hai bên luôn tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của nhau, hàng không dân dụng tạo điều kiện cho không quân đảm bảo an ninh quốc phòng và ngược lại.

Nhấn mạnh về điều này, Đại tá Hà Đức Tuế, Trưởng phòng quản lý điều hành bay Quân chủng Phòng không Không quân cũng cho biết, đối với các kế hoạch bay quân sự đều được lập trước một thời gian dài, được chuẩn bị kĩ càng về công tác hiệp đồng, thông báo, dự báo đầy đủ với các hãng hàng không dân dụng.

“Tuy nhiên trong binh chủng vẫn có thể có những kế hoạch bay đột xuất phục vụ nhiệm vụ của binh chủng bảo vệ vững chắc vùng trời, biên giới và hải đảo. Đối với những sự cố mất điều hành bay thuộc lĩnh vực dân sự, binh chủng sẵn sàng mọi lực lượng và thiết bị đáp ứng yêu cầu cần thiết, bảo vệ vững chắc và ổn định hoạt động quân sự cũng như hoạt động của ngành hàng không”, Đại tá Hà Đức Tuế khẳng định.

Lỗi trang thiết bị không thể biết trước?

Theo ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), mặc dù trước khi đầu tư mua sắm thiết bị để đưa vào khai thác vận hành của ngành hành không đều tuân thủ theo những quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên hệ thống duy trì nguồn điện vẫn gặp sự cố, đã gây ra mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay tại Trung tâm kiểm soát đường dài TP HCM và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều chuyến bay.

Ông Gia cho rằng, các hãng bán trang thiết bị phải được ICAO công nhận đảm bảo thiết bị hoạt động tốt cho việc điều hành bay. Sau khi mua và lắp đặt xong phải qua kiểm tra, giám sát và cấp phép mới được hoạt động. Hơn nữa, trong quá trình thiết bị hoạt động phải có quy trình khai thác, quy trình bảo dưỡng chuyển mùa hàng năm và hàng ngày theo quy định của Cục HKVN nên khẳng định những trang thiết bị này đã được kiểm tra hoạt động ngặt nghèo và khai thác vận hành theo đúng quy trình, thường xuyên có bảo trì bảo dưỡng.

“Tuy nhiên, sự cố kĩ thuật của thiết bị vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó phải tiến hành điều tra, phân tích làm rõ để có kết luận cuối cùng”, ông Gia cho biết.

30% kiểm soát viên không lưu chưa đủ tiêu chuẩn ngoại ngữ

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục HKVN thừa nhận, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam vẫn đánh giá, phân loại kiểm soát viên không lưu để cơ cấu lại nguồn lực nhằm thực hiện chính sách và kế hoạch đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ.

Và theo kết quả tự đánh giá nội bộ của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đã cho thấy, có 40% đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ trung bình và yếu, trong đó 8% là năng lực yếu.

Đặc biệt đối với trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), qua kết quả đánh giá đã phân loại được 30% nhân viên kiểm soát không lưu không đạt được trình độ tiếng Anh mức level 4 (tiêu chuẩn tối thiểu của kiểm soát viên không lưu theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO).

Theo tiêu chuẩn của ICAO, trình độ ngoại ngữ của nhân viên ngành hàng không được chia làm 6 mức (level). Trong đó mức 6 là cao nhất được đánh giá là khả năng nghe, nói đọc viết tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

“Trước thực tế này, ngành hàng không phải tiến hành đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý bay nhằm xử lý tốt mọi tình huống đối với đội ngũ kiểm soát viên. Nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào, ưu tiên tuyển Kĩ sư không lưu, cương quyết không sử dụng những kiểm soát viên không đạt tiêu chuẩn vào trong những hoạt động chính”, ông Thanh nói rõ.

Đại diện VATM - ông Đoàn Hữu Gia cũng khẳng định, đối với thông tin có nhân viên kiểm soát bay không lưu không đủ trình độ vẫn được tuyển dụng vào làm việc bởi có sự quen vẫn cần phải xác thực. Tuy nhiên, dù nhân viên đó là ai khi được tuyển dụng vào đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, cá nhận đó phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót và liên tục phải hoàn thiện năng lực của mình

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật