Lọt nhiều người tiếp tay lừa đảo?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo tòa phúc thẩm, các cán bộ này có dấu hiệu đồng phạm nên hủy án để điều tra, xét xử lại nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Lọt nhiều người tiếp tay lừa đảo?
bị cáo Phạm Thị Ngọc Ánh (trước) và Phạm Hữu Tiến sau phiên phúc thẩm. Ảnh: HY

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án vụ chị em bị cáo Phạm Thị Ngọc Ánh và Phạm Hữu Tiến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vì có dấu hiệu lọt tội và xác định lại tư cách tố tụng của một nạn nhân.

Trước đó, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt Ánh tù chung thân và Tiến 15 năm tù. Hai bị cáo không kháng cáo nhưng một người bị hại kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt hàng loạt cán bộ tiếp tay phi vụ lừa đảo này.

Dễ dàng lọt qua 10 bộ phận

Theo hồ sơ, dù không có vốn Ánh và Tiến vẫn mua đất. Sau khi ký hợp đồng, đặt tiền cọc, Ánh liền san nền, phân lô và bán lại cho nhiều người khác để thu tiền. Có trường hợp đất đã bán xong, giấy tờ đất do chủ mới cất giữ nhưng Ánh vẫn tiếp tục đem phân lô bán nền cho hàng chục người khác xây nhà ở. Hồ sơ mua bán đều lọt qua được 10 bộ phận “một cửa” của UBND TP Mỹ Tho và những người mua nền đều được cấp giấy đỏ.

Thậm chí có trường hợp dù đã bán đất cho người khác và giao luôn giấy đỏ nhưng Văn phòng Công chứng Cửu Long vẫn công chứng khống để Ánh bán đất cho 17 người. Sau đó, Ánh điện thoại cho cán bộ Phòng TN&MT mang cả biên nhận khống đến Văn phòng Công chứng Cửu Long để giao luôn cho nạn nhân.

Tại tòa sơ thẩm, bị cáo Ánh, Tiến khai nhờ có cán bộ địa chính và trưởng Văn phòng Công chứng Cửu Long “hỗ trợ” nên đã thực hiện trót lọt 10 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của 51 nạn nhân hơn 6,4 tỉ đồng.

Những cán bộ mà Ánh đề cập được tòa xác định là nhân chứng của vụ án.

Nếu cán bộ không tiếp tay, bị cáo không thể lừa đảo

Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm hỏi bị cáo Ánh: “Không có sổ đỏ làm sao công chứng được?”. bị cáo Ánh trả lời: “Nhờ quen với công chứng viên”.

Ánh xác nhận vì biết rõ không có bản gốc giấy đỏ thì không thể nộp hồ sơ nên Ánh đã nhờ Dương Văn Phát (cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Mỹ Tho) giúp. Ánh nhờ Nguyễn Thế Bằng Vũ (cán bộ UBND xã Phước Thạnh) ký khống vào các “phiếu nhận hồ sơ” giả rồi giao lại cho Phát. Thấy “phiếu nhận hồ sơ” không đóng dấu giáp lai, Phát lấy con dấu của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đóng vào rồi giao cho Ánh để lừa những người mua đất.

Phi vụ này Ánh khai đã “trả công” cho Phát 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, đối chất tại phiên xử, Phát thừa nhận chỉ nhận 1,5 triệu đồng từ Ánh. Đồng thời, Phát xác nhận ông biết nếu không có những việc làm của mình thì Ánh không thể công chứng, không thể bán đất khi không có bản gốc giấy đỏ.

Với các thủ đoạn tương tự, Ánh và Tiến khai đã lừa thêm các vụ khác và vụ nào cũng có sự “giúp đỡ nhiệt tình” của cán bộ TN&MT, cán bộ xã hoặc công chứng viên.

Hủy án vì có dấu hiệu lọt tội

Trong phần luận tội, VKS cho rằng qua điều tra có phát hiện sai phạm của một số cán bộ xã, phường, cán bộ Phòng TN&MT và UBND TP Mỹ Tho. Tuy nhiên, viện cho rằng “chưa có căn cứ khởi tố bị can đối với những người này với vai trò đồng phạm”.

Trong phần tuyên án, TAND tỉnh Tiền Giang cũng nhận định “nhờ có sự tiếp tay đắc lực của nhiều cán bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Từ đó, tòa kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý những cán bộ này.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng vụ án có những mâu thuẫn chưa rõ nhưng vẫn đề nghị y án sơ thẩm. Đề nghị này đã không được tòa đồng tình vì cho rằng vụ án này có dấu hiệu lọt tội phạm. Theo tòa phúc thẩm, HĐXX sơ thẩm đã làm rõ các cán bộ này biết việc lừa đảo và tiếp tay cho bị cáo thực hiện vụ án này nhưng không cân nhắc trả hồ sơ là không thuyết phục.

Ngoài ra, HĐXX nhận định trong vụ lừa thứ hai, tòa sơ thẩm lại thừa nhận cho một giao dịch bất hợp pháp của bị cáo khiến người bị hại Lê Thị Tươi khiếu nại. Theo tòa, việc mua bán của bị cáo Ánh khi phân lô bán nền cho 22 người không có giấy đỏ là không hợp pháp nhưng án sơ thẩm lại công nhận là không phù hợp Pháp Luật và không minh bạch.

Từ những điều trên, tòa quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Tòa chỉ tên những cán bộ liên quan

Trong bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nhiều cán bộ liên quan. Đó là ông Dương Văn Phát (Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Mỹ Tho), Nguyễn Thế Bằng Vũ (UBND xã Phước Thạnh), Nguyễn Thị Thu Oanh (UBND xã Đạo Thạnh), Lê Thị Thanh, Nguyễn Thị Phấn và Nguyễn Tấn Phát (UBND xã Trung An), Trương Quốc Phong, Trương Thị Quyến (Phòng TN&MT TP Mỹ Tho) và Bạch Văn Hùng (Văn phòng Công chứng Cửu Long).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật