Chung kết Davis Cup 2014: Tuyển Pháp: Bây giờ hay… bao giờ?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người Pháp từng 9 lần đăng quang Davis Cup trong quá khứ. Nhưng đó đã là những câu chuyện của quãng thời gian phủ bụi mờ.
Chung kết Davis Cup 2014: Tuyển Pháp: Bây giờ hay… bao giờ?
Jo-Wilfried Tsonga

Lần cuối cùng khi người Pháp bước lên ngôi vô địch ở giải đấu quần vợt đồng đội nam thế giới là chuyện từ hồi năm… 2001, nghĩa là đã cách đây 13 năm. Họ từng tiến vào trận chung kết ở Davis Cup 2002 và 2010 nhưng đều thất thủ trong trận đấu quyết định.

Với dư luận, đó là vì đội hình tuyển Pháp trong các trận đấu đó không có chiều sâu đội hình, họ không có một nhà vô địch Grand Slam - người sẽ tạo ra sự khác biệt giữa kẻ thắng và người thua trong trận đấu chung kết. Người Pháp năm nay cũng vậy, họ không có một nhà vô địch Grand Slam trong đội hình, nhưng với sự hiện diện của Jo-Wilfried Tsonga (cựu á quân Grand Slam), Gael Monfils, Julien Benneteau và Richard Gasquet (cựu tốp 10 thế giới), tuyển Pháp đang sở hữu một đội hình mạnh đồng đều nhất trong nhiều năm trở lại đây với tất cả các thành viên đều đang là những tay vợt thuộc tốp 30 thế giới.

Sau những quá khứ đầy thương đau trước tuyển Nga (hồi năm 2002, người Pháp thua 2-3 ngay tại sân nhà Palais Omnisports Paris Bercy) và tuyển Serbia (hồi năm 2010, người Pháp cũng để thua 2-3 ở Belgrade Arena), đội trưởng - HLV trưởng Arnaud Clement hiểu rằng một đội được đánh giá cao hơn trước trận chung kết Davis Cup không có nghĩa là đội đó sẽ nghiễm nhiên giành được chiến thắng và rằng họ cần thay đổi cách tiếp cận trận đấu một cách khác đi để tận dụng ưu thế từ sự đồng đều trong đội hình. So với tuyển Thụy Sĩ có-hoặc-không-có-Federer, tuyển Pháp có thể tung cả 4 tay vợt ra chơi ở 4 trận đơn khác nhau trong khi tuyển Thụy Sĩ chỉ có thể trông cậy vào 1, 2 tay vợt. Ưu thế với tuyển Pháp là quá rõ ràng dù họ bị đánh giá thấp hơn do không có một nhà vô địch Grand Slam nào so với ĐKVĐ Australian Open Stan Wawrinka và tay vợt sở hữu đến 17 danh hiệu Grand Slam là Roger Federer. Bây giờ, hay lại phải chờ đợi đến bao giờ, bài toán đang nằm trong tay của người Pháp…

Federer hiện đã quay trở lại sân tập, điều này khiến những lời đồn đoán cho rằng anh này quyết bỏ trận chung kết ATP World Tour Finals 2014 với Novak Djokovic để dồn sức thắng ngôi vô địch Davis Cup năm nay - 1 trong 2 danh hiệu mà anh vẫn còn thiếu trong sự nghiệp thi đấu rực rỡ của mình - trở nên thực tế. Nhưng người Pháp cũng không cần sợ hãi, nếu họ biết cách khoan vào mục tiêu Wawrinka, một mục tiêu “mềm hơn và thất thường hơn” so với Federer. Nhiều tay vợt Pháp như là Tsonga, Benneteau đều có thành tích đối đầu trực tiếp khá tốt so với tay vợt hạng 4 thế giới và cũng là tay vợt hạng 2 Thụy Sĩ; trong khi đó, Gilles Simon cũng đã từng đả bại Wawrinka đến 2 lần trong mùa giải năm nay, dù anh này không có mặt trong đội hình tuyển Pháp ở trận đấu chung kết, anh vẫn có thể mách nước cho các đồng đội của mình, bất chấp việc ai ai cũng biết rằng một trận đánh đơn tại Davis Cup có khác biệt rất nhiều so với một trận… đánh đơn ở các giải cá nhân của ATP World Tour.

Người Pháp có đôi chút lo lắng khi cả 4 tay vợt trong đội hình đều tạo ra những thành tích khá nghèo nàn ở trên mặt sân đất nện năm nay. Tsonga chỉ lọt đến tứ kết Monte Carlo Masters (để thua chính Federer) và vòng 4 Roland Garros, Monfils lọt đến tứ kết Roland Garros, Benneteau không vượt qua vòng 2 ở cả 4 giải đấu trên mặt sân đất nện năm nay, trong khi Gasquet chỉ lọt đến vòng 3 Roland Garros. Những thành tích đó kém rất xa thành tích của bộ đôi Wawrinka và Federer. Wawrinka đã đăng quang tại Monte Carlo Maters; trong khi đó, Federer cũng đã lọt đến trận chung kết ở Monte Carlo Maters. Những cuộc chiến cân não đã được tạo ra để cả 2 bên tối ưu hóa ưu thế của mình và hạn chế cực điểm những ưu thế của đối thủ. Wawrinka tuyên bố quyết định lựa chọn mặt sân đất nện để tranh tài là một “sai lầm lớn” của người Pháp. Ngược lại, Simon, người không tham gia thi đấu, đang kêu gọi các CĐV ở Lille tạm thời không cổ vũ cho Federer, thậm chí, nên thể hiện sự… kém tôn trọng…

Federer vốn được yêu mến trên toàn thế giới, đặc biệt ở All England Club, nơi anh nhiều lần đăng quang Wimbledon. Nhưng trong suốt thời gian diễn ra trận tranh HCV đơn nam ở Olympic London 2012, đám đông khán giả Anh đã quay sang cổ vũ cho Murray giành chiến thắng. Đôi lúc, tinh thần dân tộc có giá trị cao hơn nhiều so với sự trân trọng anh tài, sự mã thượng trong môn thể thao quý tộc. Và nếu khán giả ở Lille cũng làm những điều như khán giả tại All England Club, người Pháp sẽ có thêm rất, rất nhiều ưu thế!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật