Cuối mùa dã quỳ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từng con gió thổi nhẹ nhưng mang cái lạnh ghê người, lạnh thấm vào làn da trên con người của chị. Hai năm rồi người ta vẫn để ý thấy chị lang thang trên từng con đường của thôn xóm.
Cuối mùa dã quỳ
Minh họa: Tô Chiêm.

Hai năm rồi trong đầu chị không còn đọng lại chút kí ức gì, chị không biết rằng mình cũng là một thực thể tồn tại trên cuộc đời này...

Hai năm rồi cái tên Y Thoa đã không còn tồn tại trong tiềm thức của bất kì ai và của cả bản thân chị nữa. Người ta gọi chị là bà điên. Cũng chẳng sao, đối với chị cái no, cái đói, lạnh giá và đau về thể xác, đau cả về tinh thần cũng chẳng có chút ý nghĩa gì. Những thứ đó nó chẳng là gì đối với một người điên cả, không một chút xúc cảm nào mà người điên có thể cảm nhận được. Người dân ở xóm Lò Than đã quen với chị, cái hình ảnh ngày ngày, chiều chiều cứ đi, cứ nói, cứ la khóc, đôi khi thét gào. Không ai dám đến gần chị, không ai có thể hỏi han, chia sẻ và cảm thông với chị một chút nào. Thì bởi chị điên mà! Ai để ý tới bà điên làm gì?

Đôi khi giọt nước mắt cứ rơi mà chị không biết và không kiểm soát được, giọt nước mắt chảy tuôn như hệ lụy của những tháng năm xưa, những tháng ngày đau khổ, ngậm ngùi.

*

Thuở ấy, Y Thoa và Y Vân là hai chị em sinh đôi đẹp nhất làng, ai cũng khen, ai cũng xuýt xoa. Con trai cứ bám theo hai nàng trên từng nẻo đường, khi lên rẫy, khi về nhà, khi bên bờ suối đầu làng, hay dưới gốc cây Pơ Lang bên nhà Rông cũ kĩ của già B’Thố. Hai chị em mới sinh ra đã không còn mẹ - bà mất sức nhiều vì cặp sinh đôi. Theo lệ của làng, đáng lẽ hai chị em Y Thoa và Y Vân cũng đã phải theo mẹ để trả cái ơn, cái nợ sinh thành. Lúc mẹ mất, hai chị em được đặt dưới bàn chân của mẹ, mỗi đứa nằm một bên, con mắt của Y Thoa cứ mở thau láu. Y Vân khóc thét vì đói và lạnh. Đó cũng là mùa dã quỳ ra hoa.

- Cái làng này thật ngu si! Con ma bắt mất linh hồn của bọn nó rồi, bọn nó không còn là con người nữa!

Ông già B’Thố hét lên trong căm giận, mặt ông đỏ bừng, đôi mắt long sọc. Mái đầu chớm bạc cũng không thể hóa cơn giận dữ của ông thành cái mát như cái mát của giọt mưa đầu mùa xứ Cao Nguyên này được. Tục lệ đã có từ bao đời nay ở làng này là vậy. Cán bộ đến khuyên giải cũng chịu, già B’Thố cũng đành ngậm ngùi nhìn cái chết của mấy đứa trẻ sơ sinh, ngoe ngoẩy, khóc ré rồi làm già kinh hoàng trong sự im lặng, run run. Sáng nay, khi con chim Pí nhảy nhót trên cây Pơ Lang đầu nhà, già giắt con dao găm vào thắt lưng rồi chậm rãi từng bước xuống sàn, suy nghĩ một chốc, làn gió hanh hao thổi ngang đám tóc bồng bềnh làm nổi lên gương mặt có cái cằm bạnh và đôi mắt quắc thần. Hướng về ngôi nhà có hai đứa trẻ con đang bị giết theo mẹ, già bước. Lá và cánh hoa dã quỳ lắt lay vàng vọt thúc giục bước chân của già mạnh hơn, chắc hơn…

*

Mười tám năm rồi, sau cái ngày định mệnh ấy, dẫu thiếu sữa mẹ nhưng hai đứa con gái cũng trưởng thành, xinh đẹp và giỏi giang với tình thương của cha B’Thố. Đêm đêm, người ta vẫn thấy bóng ông già ngồi bên sàn lửa đỏ, hai cô con gái đều tay bên khung dệt, con chó Tăng nằm phục ngay đầu cửa nhà. Đôi mắt nó nhắm nghiền nhưng hai cái tai vểnh lên như chờ đợi một điều gì đó đang sắp xảy đến với gia đình này.

Già B’Thố nay đã già lắm, da mặt nhăn nheo nhưng đôi mắt quắc thần vẫn sáng như ngọn lửa đỏ bên sàn, đau đáu cháy, âm ỉ cháy. Đời ông biết bao chuyện đau buồn, hạnh phúc, khổ ải, yên ấm. Cuộc sống cứ vậy trôi đi, đến khi gần cuối đời, Yàng ban cho ông hai đứa con gái nuôi dễ thương như con suối đầu làng, hiền như con mang trong rừng sâu. Ngày ông ra đi, ông tự mãn với cuộc đời gió bụi của mình, ông bình lặng với cái chết, với sự chờ đợi của mình - đợi được gặp vợ con ông, họ đã chờ ông từ những năm trước, từ sai lầm mà ông đã vấp phải của thời tuổi trẻ, như bao người khác, từ luật tục khắc nghiệt của buôn làng Ê Đê này. Chuyện đã qua lâu lắm! Lâu đến nỗi người già không còn đếm nổi bao mùa con trăng mọc, bao mùa cây Pơ Lang rụng hoa đỏ rực dưới sân, ông cũng không muốn nhắc lại và cũng không nhắc lại với ai, với bất cứ ai, kể cả hai đứa con gái nuôi ngoan hiền của mình. Ông mang nó xuống nhà mồ. Ông tự mình chịu đựng. Ông tự mình khổ đau. Nhưng lòng ông ít nhiều có lẽ cũng vơi bớt nỗi niềm khổ ải. Dã quỳ lắt lay trên con đường ra mồ, dã quỳ run rẩy khi hạ huyệt, dã quỳ phe phẩy trong ngọn gió cuối mùa, lành lạnh, hanh hanh nhẹ nhàng thanh thản…

Năm ấy, hai chị em Y Thoa đã đến tuổi cập kê, con gái càng dịu dàng, e lệ càng làm cháy bỏng lửa tình rời rợi trong lồng ngực các chàng trai của bản. Lễ cúng ma, lễ bỏ mả, hai nàng buồn, đôi mắt xa xăm ngồi bên cổng nhà sàn, con chó Tăng phục dưới bàn chân của chủ, cũng đau đáu nỗi buồn của chủ.

*

Thêm một năm nữa, một năm trong ngôi nhà Rông rực lửa sàn không có đàn ông.

- Em lấy chồng trước đi! Y Vân nói dịu dàng với em nửa đùa nửa thật. Tiếng "hứ" lên làm ngôi nhà rộn tiếng cười nhưng không gian vẫn cô lẻ và lạnh lẽo. Nhiều đêm các chàng trai, các cô gái hay tụ họp đốt lửa hát múa và nói chuyện dưới gốc sân có cây Pơ Lang to. Sự ngây thơ của hai nàng càng làm lũ con trai theo đuổi tán tỉnh.

Ngày Y Vân đi lấy chồng, hai chị em buồn khóc mướt cả ngày, ngày cưới chải tóc cho chị mà hai đôi vai gầy cứ run run theo từng tiếng nấc thương yêu. Nhà chồng chị gần nên Y Thoa cũng bớt cô lẻ, nhưng giờ nàng có mỗi con Tăng làm bạn. Con Tăng cũng đã già lắm rồi, bởi già lắm nên lông nó cũng rụng nhiều. Một ngày gió to, dã quỳ nở muộn báo một mùa hanh khô, con Tăng yên lặng ra đi dưới gốc Pơ Lang già cỗi, nó đi tìm ông chủ nó, nó đi theo mùa dã quỳ bất tận, nó đi không lời từ biệt, bỏ nàng lủi thủi một mình.

Rồi Y Thoa cũng yêu, tình yêu của nàng thầm lặng nhưng mãnh liệt. Lửa yêu rực cháy khỏa lấp những tháng ngày cô đơn trong nàng, lửa yêu dồn dập làm nàng mờ mắt hiến dâng tiết trinh của người con gái không ngờ vực, không suy toán. Để rồi một mùa trăng nọ, cái mầm sống trong người nàng cũng lớn lên mà ngư‌ời tìn‌h thì biến mất cũng lặng lẽ như sự ra đi của con chó Tăng hiền lành, yêu mến của nàng. Nỗi đau chợt vỡ òa, xoáy sâu tim can, ăn mòn ngày tháng đợi chờ và sự sỉ nhục, khinh rẻ, cô lập của dân làng.

- Sao lại để nông nổi như vầy hả em? - Lời trách móc của Y Vân cũng không làm dịu đi nỗi muộn phiền trong lòng chị. Chị làm sao bao bọc, che trở cho Y Thoa được, chị không đủ sức chống chọi với luật tục của làng, không thể chịu đựng những lời chửi bới của dân làng đổ lên đầu cô em bé bỏng. Chị khóc!

Giờ đây, Y Thoa sang ở nhờ bên nhà anh rể, chị không còn nhà để về sau khi trả nợ miệng cho dân làng, món nợ vẫn chưa hết, chị đành ngậm ngùi làm người ở để khỏi bị đuổi đi khỏi làng. Đứa con trong bụng ngày càng lớn lên, chị càng yếu đi, càng khô rốc và ốm như thân dã quỳ cứng cốc, gầy gộc. Làm lụng vất vả, lại thêm lầm lũi với số phận, Y Thoa đã mất đi vẻ đẹp của thời thiếu nữ, mất đi nhà cửa, mất đi nhiều nhưng chị còn có Y Vân và hơn hết chị còn đứa con trong bụng.

Y Vân cũng đã sắp sinh rồi, con gái dân làng thật lạ! Mới được chồng cưới về thì bụng đứa nào cũng ong ỏng to lên. Ngày Y Vân sinh, là một ngày hoa dã quỳ phe phẩy trong gió. Đớn đau thay, cũng cái ngày ấy, cặp sinh đôi mới đẻ đã cướp đi số mạng của chị và của hai đứa trẻ mới sinh, còn đỏ hỏn. Nỗi đau quặn thắt trái tim Y Thoa, chị lạy lục van xin người làng đừng bắt hai đứa trẻ phải chết, chị khóc lóc van nài chị Y Vân sống dậy, chị khóc kêu Yàng sao quá khắt khe. Chị khóc nhưng không kêu. Chị  không chảy nước mắt. Nỗi đau biến chị hóa rồ, chị lao vào quan tài gỗ, xốc được một đứa lên, chị bỏ chạy, chị vấp té, chị bị người ta bắt lại, bị đánh ngất. Rồi tỉnh, chị cắn những ai đến gần chị, đụng vào chị, chị chỉ mặt, chị chửi rủa, chị phun nước bọt vào bất kì đám người nào xung quanh. máu trên đùi chị chảy ra, bết lại. Chị không biết đau, nhưng chị kiệt sức, chị không biết gì nữa.

Tỉnh dậy, chị thấy đời vô thức. Y Thoa đã mất hết, trắng tay, bụng chị đau quặn, nằm bên bụi dã quỳ trơ gốc. Bông hoa vẫn nở vàng, sao đời chị chỉ thấy khổ đau? Chị cắn, chị xé nó, chị cào cấu đất, cào cấu bầu trời rồi cào cấu vào bụng, vào mặt mình, áo váy rách rưới bết máu, đầu tóc te tươm, chị lết ra bờ suối. Ngồi một chập lâu, nói nói cười cười. Người ta thấy chị chỉ chỏ đâu đó vào hòn đá, bụi cây, vuốt ve, âu yếm chúng, rồi chị thả mình xuống con suối đục ngầu nơi cuối làng…

Tỉnh dậy trong nhà rông, chị bần thần ngồi dậy. Rồi chị thấy tim mình không còn đau đớn nữa, chị cười, chị vui. Bỗng dưng chị bứt tóc từng mảng, chị gọi con Tăng,… chị cười rồi bỏ chạy đi với nó.

Mấy ngày sau chị không còn ở bản làng nữa, người ta cũng không ai thấy, không ai tìm và không ai để ý đến chị, quan tâm đến chị. Hoa Pơ Lang rụng đỏ gốc, hoa dã quỳ nở vàng trên rẫy, trên nương, người ta vẫn sống cuộc sống thường nhật trong ngôi nhà rông của họ, ăn gạo của mình gặt, uống nước của con suối đầu làng, ở trong khuôn khổ đất làng, sống trong luật tục của làng.

Sáng sớm, nhiều người còn chưa kịp ra khỏi chăn ấm của mình, có người đã nhìn thấy một xác chết bên đường, người đàn bà ngồi bó gối, mắt nhắm nghiền nhưng trên môi nở một nụ cười rất hiền. Nụ cười thanh thoát trên khuôn mặt có mái tóc rẽ đôi, gọn gẽ, hiền lành. Hoa dã quỳ cuối mùa vẫn run run trong gió, vẫn vàng vọt, vẫn rạng rỡ mang sắc màu của kí ức buồn vui.

Đức Minh

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật