ĐT Việt Nam: Chạm ngưỡng và... vượt ngưỡng!

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
HLV Toshiya Miura đang chứng minh cho các học trò ở ĐT Việt Nam thấy: Thể hình không phải là yếu tố quyết định đến thể lực và họ có thể vượt qua giới hạn của chính mình nếu có những bài tập, phương pháp huấn luyện khoa học.
ĐT Việt Nam: Chạm ngưỡng và... vượt ngưỡng!
ĐT Việt Nam

THỂ HÌNH KHÔNG QUYẾT ĐỊNH THỂ LỰC

Nhiều chuyên gia bóng đá khẳng định tư duy và kỹ thuật là điều rất khó đổi thay trong bóng đá nhưng thể lực thì có thể nếu thực hiện đúng phương pháp huấn luyện. HLV Miura đang chứng minh, yếu tố thể hình không ảnh hưởng đến thể lực, thậm chí nếu các cầu thủ Việt Nam “sạc đầy pin”, họ chạy chẳng kém đối thủ nào.

Thực tế, vấn đề thể lực của ĐT Việt Nam đang được đề cao số 1. Chính ông Miura từng chia sẻ: “Trước khi đến Việt Nam, qua một số đồng nghiệp cũng nhưng nghiên cứu rất kỹ tài liệu băng hình, tôi đã đúc rút ra một số điều cần phải thay đổi. Trong số này, thể lực là điều mà tôi quan tâm đặc biệt”.

Những điều mà ông Miura nói đã được cụ thể hóa khi ông bắt tay vào làm việc với cả ĐT Việt Nam lẫn đội Olympic Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, ĐT Việt Nam đang trong thời kỳ nâng cao thể lực với những giáo án tập luyện rất nặng. Thế nên, cứ sau các buổi tập, nhiều câu ca thán vang lên: Nuốt không nổi cơm. Các bài tập của ông Miura khá đa dạng và tăng dần khối lượng vận động, ví dụ như: chạy sức bền, tập chiến thuật với bóng, chống phản công, đối kháng… Dù phải tập nặng nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị chấn thương do tập luyện.

Thậm chí, một cầu thủ bị chấn thương dai dẳng như Võ Huy Toàn cũng đã hòa nhập và trở lại rất nhanh sau Asiad 17. Bất khả kháng chỉ có trường hợp của thủ môn Trần Bửu Ngọc gặp chấn thương trước đó, nên ông Miura cho về. Có thể khẳng định, HLV Miura đã và đang có những nghiên cứu rất kỹ về cơ địa các cầu thủ. Ông cũng theo dõi chi tiết  từng cá nhân, thông qua những thông số ghi chép từ các buổi tập và các trận đấu.

VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

Bên cạnh tăng cường độ các bài tập từ 60 đến 90 phút, không có thời gian bóng chết… có một câu chuyện đáng quan tâm khác, đó là ông Miura cho các cầu thủ thi đấu với mật độ dày đặc. Trong lịch trình giao hữu tại phía Nam, ĐT Việt Nam gần như phải đá hơn 1,5 ngày/1 trận.

Cụ thể, vừa xong trận đấu với U23 Bahrain ngày 29/10 (thắng 3-0), một ngày sau đó, các học trò của HLV Miura có trận đấu với CLB Đồng Nai (hòa 1-1) thì chiều ngày 3/11 đội tiếp tục thi đấu với CLB QNK.Quảng Nam và sẽ gặp Sinh viên Hàn Quốc ngày 4/11. Đây là điều rất hiếm khi xẩy ra trong các đời HLV trước đây của ĐT Việt Nam. Ngay cả HLV Henrique Calisto vốn là người có tư tưởng tập và nhồi thể lực với bóng cũng chưa bao giờ thực hiện vấn đề tương tự.

Tiền đạo Nguyễn Hải Anh khẳng định: “Giáo án của HLV Miura rất khác so với các HLV trước. Ban đầu cứ tưởng chẳng ai tập nổi nhưng bây giờ chúng tôi đã dần quen. Rõ ràng, HLV trưởng đã tạo ra được  sự khác biệt. Với cá nhân tôi cũng như các đồng đội, khi đã vượt qua được giới hạn của chính mình thì vào sân thi đấu rất sung!”.

Bên cạnh việc cải thiện thể lực, như nhiều lần đã đề cập, HLV Miura rất công bằng khi mở cửa cho tất cả cầu thủ khẳng định năng lực của mình với việc xoay tua đội hình, thử nghiệm ở nhiều vị trí khác nhau… Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên nếu tới đây, BHL đẩy Quế Ngọc Hải vốn là một trung vệ ra đá biên, hoặc đá tiền vệ trụ, thậm chí lên chơi tiền đạo trong những tình huống cụ thể.

Tóm lại, các tuyển thủ đã và đang vượt được “ngưỡng” thể lực của chính mình! Đây thực sự là một tín hiệu vui cho đội trước thềm AFF Suzuki Cup 2014.

“Không ghi bàn đôi khi lại hay”

Điều đặc biệt của Miura là để cầu thủ thể hiện được mình. Ông khẳng định: Thi đấu giao hữu là nơi để ông tìm những người giỏi nhất chứ không phải chuyện đội nhà thắng thua. Vậy nên, khi được hỏi về chuyện hàng công đội nhà chơi chưa hiệu quả, ông trả lời: “Tiền đạo không ghi bàn (ở các trận thử nghiệm) đôi khi lại hay!”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật