Lời giải cho những bí ẩn phía sau trận đồ “trấn yểm long mạch”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau một thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu, ông Son đã nắm giữ nhiều manh mối xung quanh sự xuất hiện một trận đồ “trấn yểm” khổng lồ, được cho là từng xuất hiện tại khu vực hang Luồn trên sông Sào Khê.
Lời giải cho những bí ẩn phía sau trận đồ “trấn yểm long mạch”
Đội thi công phát hiện nhiều bộ xương cốt bí ẩn trên khu vực sông Sào Khê. Ảnh tư liệu.

Ông Son khẳng định: “Tôi có đủ cơ sở để tin rằng nơi đây, ngay tại con sông Sào Khê này, hàng nghìn năm trước đã từng diễn ra các buổi tế lễ liên quan đến một trận đồ “trấn yểm” khổng lồ nhằm trấn trạch “long mạch””.

Những dấu tích ngàn năm

Theo mô tả của cuốn sách cổ lưu truyền từ đời vua Tự Đức, thì Sào Khê chính là Tiểu Hoàng Long (rồng nhỏ), còn sông Hoàng Long là Đại Hoàng Long (rồng lớn). Sông Sào Khê dẫn nước từ sông Đáy, luồn lách qua các hang động, núi đá, rồi đổ ra sông Hoàng Long. Cũng theo cuốn sách trên, cửa hang Luồn chính là long mạch quan trọng nhất của Tiểu Hoàng Long. Chính vì thế, khi chúa Trịnh Sâm về đây, đã cho lập bia và đề thơ trên vách đá, ngay cửa hang Luồn. Hiện tấm bia trên vách đá vẫn còn nguyên vẹn. Ông Son đã lợp mái để che mưa nắng, giữ cho tấm bia được bền vững với thời gian.

Ngoài những hình khắc Tháp kính thiên, cá phóng sinh, đạo linh phù… được khắc trên cửa hang Luồn, đội thi công khi tiến hành nạo vét xuống độ sâu khoảng 1m bên dưới cửa hang còn phát hiện hàng chục bộ xương người, xương voi, hổ… xen lẫn vào nhau trong những hố chôn tập thể. Ông Son cho biết, ngoài những phần xương lẫn lộn thì còn rất nhiều bộ xương vẫn còn nguyên vẹn ở tư thế nằm co quắp. Nhiều người cho rằng đó chính là dấu tích của một trận đồ “trấn yểm” hay đây từng là nơi diễn ra những buổi tế lễ quan trọng dưới triều nhà Đinh. Nhưng cũng nhiều ý kiến suy luận hiện tượng này xuất phát từ ảnh hưởng của tự nhiên. Bao đời nay, dòng sông Sào Khê dần lắng đọng. Có thể, cửa hang Luồn chính là nơi có dòng xoáy mạnh khiến xương cốt khắp nơi quy tụ về.

“Tôi thì không nghĩ mà phải bắt tay vào nghiên cứu. Việc đầu tiên là tìm hiểu tại sao nhiều bộ xương người khai quật dưới đáy sông Sào Khê còn khá nguyên vẹn? Đặc biệt hơn, tư thế chôn cất đều giống nhau. Các bộ xương đều nằm co quắp như thể chưa sẵn sàng đón nhận cái chết, giống như bắt buộc phải chết vậy. Ngoài xương người, những bộ xương động vật như: Voi, hổ, gấu, rắn… cùng những vật dụng như kim loại, thực phẩm cũng được tìm thấy tại khu vực này. Nó càng giúp tăng thêm những khẳng định của chúng tôi về sự xuất hiện của một trận đồ “trấn yểm””, ông Son cho hay.

Ông Nguyễn Văn Son kể về những bí ẩn dưới lòng sông Sào Khê.

Cũng từ việc thu thập và nghiên cứu những tài liệu người xưa để lại, ông Son được biết: Thời xưa, để lập một trận đồ “trấn yểm” cần phải tốn rất nhiều công sức, cả sức người lẫn sức của. Những người được lựa chọn làm vật hiến tế, phục vụ cho việc “trấn yểm” thường sẽ bị đánh thuốc mê, sau đó bị trói chặt và dùng lá bùa đã được “yểm” dán vào người và đẩy xuống hố chôn sống?! Còn đối với những loài động vật lớn, binh lính sẽ dùng cung tên tẩm thuốc độc để bắn hạ, sau đó mới đẩy xuống hố chôn cùng với những nạn nhân được lựa chọn. Bên cạnh đó, tại mộ chôn tập cần có thêm một số vật dụng khác như ngũ sắc, ngũ cốc… “Ở khu vực này, chúng tôi cũng thấy có đầy đủ các vật dụng cần thiết cho việc “trấn yểm” như: Mộc (gỗ), Nhân (người), Mã (ngựa), Tượng (voi), Xà (rắn), ngũ sắc (5 kim loại quý, là những vật dùng được làm binh khí), ngũ cốc (lúa, ngô, kê, sắn, đậu)”, ông Son cho biết. Ngoài ra, theo đánh giá và nghiên cứu của ông Son dựa trên kết cấu xương, chiều dài cũng như độ lớn nhỏ của xương thì phần lớn số xương được tìm thấy ở khu vực hang Luồn là xương của phụ nữ và trẻ em. Các bộ xương đều dài, to, chắc, chứng tỏ người Việt thời Đinh, Lê rất cao lớn, thậm chí cao to hơn người bây giờ, chứ không nhỏ bé như chúng ta vẫn nghĩ.

Sau thu gom số lượng lớn hài cốt tại cửa hang Luồn, ông Son chỉ đạo đội khai thác dừng lại, không nạo vét thêm nữa. Tin rằng đó là điều tâm linh và rất quan trọng nên ông chuẩn bị rất chu đáo mọi đồ cúng lễ. Đặc biệt, ông đã tự tay sắp lễ và thành kính hương khói xin phép các thần linh, các “oan hồn” được di dời hài cốt về nghĩa trang của làng. Ông Son đã chỉ đạo cho đội quy tập hài cốt mua 6 chiếc tiểu sành lớn, cùng với khăn đỏ, tiền vàng rồi đem chôn thành 6 ngôi mộ tập thể. “Chúng tôi mới chỉ khai quật một địa điểm nhỏ, chứ nếu mở rộng diện khai quật và tiếp tục đào sâu xuống lòng đất thì có lẽ đào thêm cả trăm, thậm chí cả ngàn bộ xương bí ẩn. Nhưng dù là xương cốt của trận đồ “trấn yểm” hay của người dân thường, tôi cũng muốn cho họ một chốn yên nghỉ bình yên. Vì vậy, tất cả xương tìm được tôi đều quy tập về nghĩa trang, thực hiện đầy đủ các nghi thức cúng tế”, ông Son chia sẻ.

“Trận đồ trấn yểm” nhằm hóa giải “âm khí”?

Hàng trăm câu hỏi cùng những di vật cho thấy sự xuất hiện của một trận đồ “trấn yểm” khổng lồ trên sông Sào Khê đã thôi thúc ông Son phải tìm bằng được đáp án. Để giải đáp những nghi ngờ của mình, một mặt ông Son bắt tay vào nghiên cứu những tài liệu cổ, mặt khác ông đích thân mời nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và Pháp sư Nguyễn Hiếu về nghiên cứu. Vào năm 2010, sau khi tới khu vực hang Luồn, hai nhà tâm linh và ngoại cảm này đều khẳng định: Khu vực hang Luồn rất nhiều âm khí và nhiều oan hồn vất vưởng?! Đứng trước cửa hang Luồn, vị Pháp sư còn khẳng định: “Sở dĩ nơi này xuất hiện trận đồ “trấn yểm” cũng bởi đây chính là đại huyệt, là huyết mạch quốc gia một thời?!” Vị Pháp sư còn chỉ rõ cho ông Son thấy rằng, không cần phải nhờ đến Pháp sư, chỉ cần một người nào đó hiểu về phong thủy, cũng dễ dàng nhận ra địa thế đặc biệt ở khu vực Tràng An này.

Ông Son cho biết, theo lưu truyền của người xưa, khu vực Tràng An chính là “Cái Hạ”. Theo lý giải: “Cái” tức là chính, “Hạ” tức là mặt đất. Theo đó, đây là vùng đất chính của quốc gia, có ý nghĩa giúp “sinh sôi” các vùng đất khác. “Tuy nhiên theo các nhà phong thủy thì nơi đây cũng là “Âm Huyệt” (nơi hội tụ âm khí) nên chỉ thuận lợi đặt mồ mả. Vì vậy, các đời vua đóng đô ở đây đều hưng thịnh nhưng triều đại thường không kéo dài. Đây cũng là một giả thuyết về lý do khiến người xưa lập trận đồ “trấn yểm” nối tiếp nhau để hóa giải “âm khí”. Cứ như vậy, các “oan hồn” chồng chất nối tiếp đời nọ sang đời kia… Nhận biết được vùng đất lành nhưng nhiều oan khiên và không thể “trấn” giữ được, vua Lý Thái Tổ đã quyết định rời kinh thành về Thăng Long. Bởi đó mới chính là “Dương Huyệt” của nước Việt?!”, ông Son cho hay.

Những mũi giáo sắt tìm thấy dưới đáy sông Sào Khê.

Để có cái nhìn khách quan về “trận đồ trấn yểm “long mạch” thời nhà Đinh ở khu vực Tràng An, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tham khảo ý kiến của chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà. Ông Hà cho biết: “Xét về mặt khoa học hay nghiên cứu, tôi chưa từng được nghe đến trận đồ “trấn yểm” quốc gia nào ở khu vực Tràng An. Tuy nhiên khả năng người xưa lập nên trận đồ “trấn yểm” không phải là không thể xảy ra bởi mỗi một triều đại có một sự “mê tín” khác nhau. Cách “trấn yểm” bằng con người cũng được dân gian lưu truyền với nhiều câu chuyện mang đậm tính chất tâm linh nhưng đều chưa được kiểm chứng. Thực tế trong phong thủy, người ta chỉ dùng các linh vật để trấn trạch. Hơn nữa, cách trấn trạch tuy khác nhau về ý nghĩa nhưng tựu chung đều nhằm xua đuổi tà khí, mang lại ý nghĩa may mắn cho gia chủ. Mọi hiện vật được cho là nằm trong trận đồ “trấn yểm” ở Tràng An hiện đều nằm ở khu trưng bày nên rất khó để có được sự lý giải chính xác. Theo tôi, để có được kết quả chính xác nhất cho vấn đề này cần có sự nghiên cứu nghiêm túc từ các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, các nhà lịch sử”.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu tâm linh Nguyễn Phúc Giác Hải cũng nhận định: “Tôi có nghe tới trận đồ “trấn yểm” ở Tràng An nhưng chưa tham gia nghiên cứu. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một cơ sở khoa học nào nghiên chứng minh sự tồn tại của một trận đồ “trấn yểm” trong quá khứ tại khu vực này. Theo tôi thấy, tất cả những điều gọi là “bí ẩn” đều là do tự nghiên cứu và tự công bố, chứ chưa có một tổ chức nào đứng ra đảm bảo về tính khoa học và lịch sử cả. Để những thông tin đưa ra về sự phát hiện trận đồ “trấn yểm long mạch” thời nhà Đinh, Lê trên khu vực sông Sào Khê có tính thuyết phục cần phải có một quá trình nghiên cứu đúng nghĩa, dựa trên cơ sở khoa học, có sự giám sát, chấp thuận của Nhà nước”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật