Nicolas Cornet: ‘Nhiếp ảnh Việt cần hướng tới giới trẻ’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là nhiếp ảnh gia cho nhiều tờ báo châu Âu, Nicolas Cornet sống ở cả Pháp và Việt Nam. Bên cạnh việc sáng tác, ông luôn quan tâm tới sự phát triển của nhiếp ảnh Việt.
Nicolas Cornet: ‘Nhiếp ảnh Việt cần hướng tới giới trẻ’
Nicolas Cornet chụp nhiều ảnh về Việt Nam và quan tâm tới sự phát triển của người yêu nhiếp ảnh trẻ.

Nicolas được đào tạo về nhiếp ảnh, làm việc cho nhiều tờ báo như: Le Monde, Geo, La Repubblica, L’Espresso... Được các tạp chí cử tới châu Á, Nicolas làm việc tại nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Campuchia... Năm 1987, Nicolas lần đầu tới Việt Nam để hỗ trợ một người bạn thực hiện ấn phẩm ảnh màu.

Tự học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa Việt, tới nay, Nicolas đã gắn bó với Việt Nam gần 30 năm. Sống ở cả hai đất nước, trên tấm danh thiếp, Nicolas cũng để địa chỉ ở cả hai nơi: Paris và TP HCM. Coi Việt Nam là quê hương thứ hai, Nicolas giải thích: "Vợ tôi là người Việt, một nửa bạn bè của tôi là người Việt. Tôi cũng yêu thích văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam".

Từ năm 1987 tới nay, Nicolas đã rong ruổi trên khắp dải đất hình chữ S. Ông không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu bộ ảnh, dự án lớn nhỏ ở Việt Nam. Bởi thế, nhiếp ảnh gia được các bạn đồng nghiệp Việt nói vui là người "nhắm mắt cũng không thể đi lạc ở Hà Nội". Trong nhiều bức ảnh chụp Hà Nội, Nicolas đã giới thiệu tới công chúng hình ảnh thủ đô dưới góc nhìn của mình thông qua cuốn sách ảnh Hanoi và một triển lãm mang tên "Hà Nội và người Hà Nội". Cuốn sách ảnh được Nicolas chụp và nhà báo Jean - Claude Pomonti viết lời, hai tác giả đã dành hai năm tâm huyết để hoàn thành tác phẩm này.

Di sản và vấn đề môi trường là hai nội dung mà Nicolas quan tâm đặc biệt. Bởi thế, ông chụp nhiều đền chùa, lăng tẩm và thiên nhiên, động vật hoang dã. Tuy vậy, nhiếp ảnh gia không cho rằng mình là người hoài cổ: "Tôi là người ưa khám phá, luôn muốn hướng mình tới những cái mới, vùng đất mới". Bởi thế, nhiều năm trở lại đây, ông tránh né thành thị trong quá trình tác nghiệp. "Tôi cảm thấy khó tìm được sự duyên dáng nơi những con đường lớn, thành phố lớn. Bởi thế, tôi đi những con đường nhỏ, tìm tới những làng quê để chụp ảnh".

Những con đường làng ở vùng đồng bằng hay đường mòn ở vùng núi luôn có sức mê hoặc với Nicolas. Nghe ai nói ở đâu có ngôi làng đẹp là ông tìm đường đến ngay. Năm 2008, Nicolas đã thực hiện một triển lãm cá nhân có tên "Việt Nam, cuộc sống trỗi dậy" tại TP HCM. Ông cho biết tới Việt Nam không phải để đưa ra những nhận xét hay đánh giá, ông chỉ ghi nhận thực tế hiện hữu như vốn có, theo ý tưởng và cảm xúc của ông. Và điều một nhiếp ảnh gia lăn lộn như ông nhận thấy là Việt Nam đã thay đổi quá nhiều, cuộc sống trỗi dậy từng ngày, điều kiện sống cũng ngày một đổi mới. Ngoài triển lãm ảnh về Việt Nam, Nicolas cũng thực hiện một cuốn sách ảnh có tên Vietnam, A sense of place. Tới nay, cuốn sách đã bán được 30.000 bản.

Không chỉ hoạt động nghề nghiệp như một phóng viên ảnh, một nhiếp ảnh gia, Nicolas Cornet luôn quan tâm tới sự phát triển của nhiếp ảnh Việt. Ông tham gia giảng dạy các lớp đào tạo về nhiếp ảnh và nhiếp ảnh báo chí. Gần đây, Nicolas cùng với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Việt Nam (L’Espace) thực hiện dự án ảnh cho các bạn trẻ có tên "I Love My City". Dự án được triển khai năm 2013 tại TP HCM, và đang được triển khai tại Hà Nội trong đầu tháng 11 này.

"I Love My City" 2014 được thực hiện dưới dạng một workshop dành cho những người trẻ không chuyên (18 tới 27 tuổi). Sau khi được lựa chọn, các thành viên tham gia sẽ được hướng dẫn để thực hiện một bộ ảnh marathon trong vòng 48h với chủ đề thể hiện tình yêu Hà Nội.

Bỏ thời gian, công sức để thực hiện dự án dành cho các bạn trẻ, Nicolas chỉ có một mục đích duy nhất là chia sẻ những gì mình học được cho người yêu chụp ảnh. Ông nói: "Tôi có may mắn được học bốn năm tại một trường nhiếp ảnh ở Thụy Sĩ. Đó là một khóa học khó, vất vả. Nhưng cũng nhờ đó, tôi dễ dàng tìm được việc làm tốt khi ra trường. Tôi chẳng muốn nhận lại gì, mà chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ những gì mình đã học được, đồng thời hy vọng tạo được cơ hội nào đó cho các bạn".

Theo Nicolas, nhiếp ảnh Việt Nam nên hỗ trợ cho các bạn trẻ tài năng để tạo ra một thế hệ người chụp mới. "Tôi nghĩ, một lứa nhiếp ảnh gia mới đã hình thành, cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ, chứ không nên chỉ đầu tư cho những nhiếp ảnh gia đã thành danh" - Nicolas nói. Đó cũng là lý do khiến ông nhận lời làm giám khảo cho cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Báo 2014 - cuộc thi mà theo ông là có tầm phổ biến rộng rãi, số lượng tác phẩm và người tham dự lớn với rất nhiều bức ảnh có chất lượng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật