Thương bố

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Bố yếu lắm rồi. Chắc là sẽ mất trong sáng nay thôi. Em về luôn cùng anh đi, kẻo bà con biết chuyện lại bảo mình coi mấy con lợn hơn bố’.
Thương bố
Ảnh minh họa

Sau một hồi rung lên phành phạch bởi con đường gồ ghề, lô nhô đá gạch, chiếc xe khách đã dịu dàng trở lại. Giờ thì nó chạy rì rì, trên con đường êm êm, mềm mại. Thế nhưng vợ hắn thì chưa yên, bởi hắn vẫn nghe thấy tiếng mụ càu nhàu, lạu bạu bên tai:

- Bao nhiêu ngày thì không sao? Chọn đúng ngày rằm mà sinh sự, mất toi mấy con lợn!

Vợ chồng hắn đang trên xe về quê thăm bố. Bố hắn ốm liệt giường đã mấy tháng nay rồi. Vợ và hắn làm ăn xa trên thành phố, bận túi bụi nên cũng ít về. Việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh của cụ thì đã có các chú, các thím, các cô ở quê lo. Cũng có đợt hắn thấy ngại với các cô chú ấy quá nên nói khéo vợ cố thu xếp công việc để về thăm thì vợ hắn gắt lên: “Lợn giết rồi, về thì ai bán? Nghỉ một ngày là mất cả mớ tiền. Bố ở nhà đã có người chăm rồi, mình về chỉ tổ vướng chân chứ ích gì?”.

Mà ngẫm, vợ hắn nói cũng đúng. Bố hắn giờ nằm liệt giường, nói năng thều thào, nặng nhọc, về thì cũng chỉ nhìn nhau chứ có hàn huyên, tâm sự được gì đâu. Trong khi nghỉ một ngày bán hàng, mất tiền đã đành, lại còn mất khách nữa. Họ tới hàng hắn, không thấy hắn bán thì họ phải quay sang hàng bên cạnh. Mà sang hàng bên cạnh thì mấy con mụ đó sẽ không bỏ lỡ thời cơ chèo kéo khách, nói xấu hắn. Nào là nhà đó toàn cân điêu đấy, toàn thịt ế, để mấy hôm rồi, với cả nó toàn mua lợn chết, lợn bệnh, ăn vào mang tật. Lần sau, đừng mua hàng nó nữa, cứ qua đây, em để phần cho miếng tươi, miếng ngon.

Cái trò buôn bán kèn cựa, hèn bựa ấy, hắn còn lạ gì. Bởi nếu phải hôm cái hàng thịt bên cạnh nghỉ bán, mà khách quen của họ sang hàng hắn thì hắn cũng nói y chang như thế. Ấy vậy nhưng vợ chồng hắn bán khá lắm. Ngày thường thì cứ hết veo một con lợn hơn tạ, ngày rằm, mồng một, người ta sắp cỗ nhiều thì vài ba con vẫn không đủ. Nay là rằm nên tối qua nhà hắn đã giết sẵn sàng 3 con rồi. Nhưng sáng nay, chuẩn bị khiêng ra chợ thì nhận được tin bố ở nhà yếu lắm, về nhanh kẻo không kịp! Vợ hắn ngẫm ngợi một hồi rồi mở giọng rụt rè:

- Hay anh về trước đi, em bán hết thịt rồi về sau. Chứ về giờ mà bố chưa mất luôn thì có phải phí ba con lợn?

- Bố yếu lắm rồi. Chắc là sẽ mất trong sáng nay thôi. Em về luôn cùng anh đi, kẻo bà con biết chuyện lại bảo mình coi mấy con lợn hơn bố.

Đó là lý do vợ hắn vùng vằng, cáu bẳn liên hồi. Hắn cũng chả buồn nói gì. Kệ, giỏi lắm cũng chỉ cằn nhằn được một lúc, mệt là sẽ nghỉ thôi. Ấy nhưng không, bắt đầu từ lúc lên xe, mụ lẩm bẩm suốt, và cứ nhai đi nhai lại cái điệp khúc: “Bao nhiêu ngày thì không sao? Chọn đúng ngày rằm mà sinh sự, mất toi mấy con lợn”. Chỉ khi về đến cổng nhà, thấy bà con họ hàng qua hỏi thăm đông đúc, lúc ấy, cái mồm của vợ hắn mới chịu ngậm lại.

Bố hắn nằm đó, da bợt bạt, môi nhợt nhạt, nhìn như người chết rồi. Nếu cái mắt không còn hấp háy, cái môi không còn mấp máy, cái đầu không thỉnh thoảng cựa quậy thì chả ai tin là cụ còn sống. Người ta bảo, cụ chưa muốn đi là bởi cụ còn đương đợi vợ chồng thằng cả về…

Thấy bố như thế, hắn chẳng kịp thay quần áo, chẳng kịp rửa mặt mũi chân tay, chỉ kịp cất cái ba lô vào trong ngăn tủ, cuống cuồng khóa cánh lại, rồi chạy ùa tới, quỳ sụp bên giường bố, gào lên nức nở. Mấy người em trai, em gái, em dâu, em rể hắn ngồi quanh bố nãy giờ được thể cũng nấc lên theo, tất cả tạo thành một mớ âm thanh nhộn nhạo và hỗn độn, vừa kịch tính, cao trào vừa nghẹn ngào, bi thảm…

Bà con lối xóm sang thăm, thấy cảnh đó, không ít người phải đưa vạt áo lên lau mặt, sụt sùi. Vậy nhưng khi quay lại, hắn thấy vợ hắn vẫn ngồi trơ trơ, môi mím chặt, mặt lạnh tanh, mắt chẳng chảy ra giọt lệ nào…

- Kìa em, khóc đi. Mọi người đều khóc cả mà em cứ ngây ra vậy sao được?

- Nước mắt nó không chảy ra thì khóc thế nào hả anh?

- Cứ gào lên là được, không cần nước mắt. Em ngồi im thế, bà con láng giềng lại nghĩ là em không thương bố.

Nói xong, hắn lại tiếp tục nắm chặt lấy tay bố rồi lắc lắc, gào khóc. Vừa khóc, hắn vừa phải để ý xem biểu hiện của vợ thế nào. May quá, hắn đã nghe thấy tiếng mụ hức hức sau lưng. Dù là chưa thực sự nức nở, nhưng thôi, như thế cũng là khóc rồi, người ngoài chả còn cớ mà xì xào nữa…

Bất chợt, bố hắn run run, vẩy vẩy cái bàn tay gầy guộc với những đường gân xanh lè, loằng ngoằng như rễ tre, ý muốn gọi con cháu lại gần. Lập tức, hắn cùng mọi người xúm lại.

- Huhu! Bố ơi! Bố ơi! Bố muốn dặn dò gì chúng con ạ?

Ông cụ chầm chậm nâng cái mí mắt nặng trĩu lên, hai bờ môi khô khốc, trắng bệch từ từ tách ra, cái lưỡi bên trong khẽ ngọ nguậy, nhả từng lời khó nhọc…

- Bố… bố có chôn một cây vàng ở góc buồng, dưới cái chum gạo… bố cho vợ chồng con út để sửa lại cái nhà cho tử tế. Còn thằng hai, bố dành dụm cho vợ chồng mày được dăm chục triệu, hãy dùng tiền đó mà tu chí làm ăn. Bố nghèo nên chẳng có mà cho chúng mày nhiều…

- Thế còn vợ chồng con thì sao? - Vợ hắn gào lên rồi từ phía sau nhào đến bên ông cụ.

- Vợ chồng anh cả… dạo này bận mải, chắc làm ăn khấm khá… thôi thì… nhường… cho… các em…

Giọng bố hắn chậm và yếu dần, mắt đờ đi, đầu giật giật mấy cái rồi lịm hẳn. Tức thì vợ hắn chồm lên, bấu chặt lấy bờ vai ông cụ rồi lắc, rồi giật mạnh, liên hồi …

- Không được, bố ơi! Không thể như thế được! Bố ơi là bố ơi!

Giờ thì vợ hắn khóc thật rồi, giọng nghẹn đi, và nước mắt giàn giụa. Mụ khóc to đến nỗi mấy người ở ngoài sân tưởng có chuyện gì phải chạy thộc vào; mụ khóc át cả tiếng hắn và tiếng của vợ chồng cô út, chú hai. Đấy, thế mà vừa rồi hắn lại cứ lo là vợ hắn không khóc được thì sẽ bị bà con xóm giềng dị nghị. Giờ thì rõ rồi nhé. Nhìn vợ hắn khóc như thế này, còn ai dám bảo vợ hắn không thương bố?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật