Mắc kẹt

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có những cuộc hôn nhân “dở dở ương ương”, vì người trong cuộc đã cạn tình nhưng không thể rời bỏ nhau. Tình cảm - yếu tố quan trọng nhất - đã hết, nên dù níu giữ, cái “xác” hôn nhân chỉ thêm khô héo…
Mắc kẹt
Ảnh minh họa

Hết tình nhưng không thể dứt áo

Chị Nguyễn Thị Oanh (Q.12, TP.HCM) đang “sống không ra sống” với người chồng vũ phu, bội bạc. Sau khi sinh đứa con thứ hai, chồng chị công khai ngoại tình. Có khi say, chồng còn tỏ thái độ thô lỗ quá sức tưởng tượng với vợ.

Chị Oanh làm dâu trong đại gia đình chồng, luôn tay luôn chân lo cơm nước cho bảy nhân khẩu, ngoài ra còn quản lý trường mầm non do gia đình nhà chồng lập để “khai thác” lợi thế có con dâu tốt nghiệp đại học ngành sư phạm mẫu giáo. Chị quản lý đâu ra đó, kiêm luôn việc kế toán cho trường. Mỗi tháng, chị đều báo cáo thu chi rõ ràng, nhưng hễ “khó ở” là mẹ chồng chống gậy đến trường lớn tiếng: “Oanh, coi trường kiểu gì mà không thấy lời đồng bạc nào?”. Chị phải năn nỉ mẹ chồng về nhà, tối đến sẽ giải thích, chứ chỗ học trò, phụ huynh đông đúc mà mẹ cứ hỏi những câu đại loại như thế, còn gì là uy tín của trường.

Khỏi phải nói cũng biết chị đã điên đầu thế nào khi ngồi giải thích từng khoản thu lớn nhỏ cho một bà cụ lãng tai, lơ tơ mơ về chuyện kế toán. Có những đêm, chị giải thích đến lúc mẹ chồng tạm thỏ‌a mã‌n, vừa đặt lưng xuống giường, thì chồng chị về nhà trong tình trạng say khướt, lại dựng chị dậy để tr‌a tấ‌n: “Cô là đồ ăn bám, nhà quê như cô, không lọt vô nhà này còn lâu mới ngóc đầu lên được”. Chị cười ngao ngán: “Mà giờ đã lọt vô rồi, cũng có ngóc đầu dậy được đâu!”. Vậy là bị anh ta đánh sưng tím cả mặt. Hơn 40 tuổi, về nhà anh ta được 17 năm, chị vẫn ngây thơ hỏi hoài một câu hỏi cũ: “Tại sao có ăn có học mà chồng lại thiếu văn hóa đến thế?”.

Dù vậy, chị vẫn tiếp tục chịu đựng, không dám ly hôn. Có lần, chị dạm chuyện chia tay, chồng chị tuyên bố “Cô dám ly hôn không? ly hôn là cô nuôi hai đứa con luôn, tôi bất biết à”. Nhìn hai con trai đang chăm ngoan, học giỏi, chị không nỡ làm điều gì xáo trộn.

Không mắc kẹt một cách bi đát như chị Oanh, nhưng anh Nguyễn Tấn Tài (chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM) lại có kiểu mắc kẹt “nhẹ nhàng mà đau đớn”. Lúc cưới chị Loan Anh, anh Tài bị “liệt” vào diện chuột sa hũ nếp. Anh chỉ là công nhân may, trong khi chị là con gái một của một gia đình giàu có. Thương con, bố vợ mạnh tay chi tiền mở cửa hàng xe gắn máy cho anh Tài làm chủ. Kinh doanh lần hồi, cuộc sống khá lên.

Hơn hai năm nay, vợ anh cặp bồ. Chị ngang nhiên đi chơi qua đêm, đụng mặt anh ở nhà là kiếm cớ gây. Những lúc cãi nhau, chị ta còn bảo anh là “thấy con nhà giàu thì đâm đầu vô chứ tốt lành gì”. Cạn tình, anh coi như đã chia tay vợ, nhưng vẫn phải chung đụng với nhà vợ hàng ngày. Anh định đâm đơn ly hôn mấy lần, nhưng lại thối lui. Vốn liếng, công sức bao năm trời, anh đổ hết vô cửa hàng, rồi giúp bố vợ tu sửa nhà, giờ ra đi, sao dám mở miệng đòi chia phần?

Trong thâm tâm, anh rất quý bố mẹ vợ và thầm biết ơn bố vợ đã không chê anh nghèo, tạo điều kiện tối đa để anh làm ăn, nhưng giờ ra đi với hai bàn tay trắng, anh không đành.

Chuỗi ngày bi kịch tiếp nối, đến một ngày, vợ quá quắt, chửi cả cha mẹ anh, anh đã không nhịn được và đánh vợ. Đánh vợ ngay trong nhà vợ, anh bị bố vợ thẳng tay đuổi khỏi nhà. Anh chỉ ước mình mạnh dạn ly hôn từ sớm để khỏi phải ra đi trong tủi hổ.

Lại còn kiểu mắc kẹt như “nợ đời”, là trường hợp chị Thanh Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Chị là giáo viên dạy văn cấp III, không may có con tự kỷ nặng. Trong những phút “le lói tỉnh”, đứa con trai sáu tuổi này tỏ ra thích gần gũi với cha. Gần đây, chồng chị thổ lộ mình là người đồn‌g tín‌h, công khai qua lại với một nam đồng nghiệp. Những lúc chứng kiến cảnh chồng chở bạn trai đi bơi, chị như phát cuồng, muốn viết đơn ly hôn ngay lập tức. Nhưng, ly hôn thì ai chăm con? Thường ngày, con chỉ quấn cha, cha mẹ chia tay nhau, chị để con ở với cha thì không đành, nhất là khi con là đứa trẻ không bình thường. Nhưng nghĩ đến cảnh cắp con đi, rồi hai mẹ con đơn độc chống chọi những cơn tự kỷ nặng của con, chị thật sự hoang mang. Cứ như vậy, chị chấp nhận sống với cuộc hôn nhân mục ruỗng.

Thay đổi hay là “chết”

Không ít người đang “sa lầy” trong hôn nhân nhưng vẫn chấp nhận loay hoay trong “vũng lầy” ấy chỉ vì không dám mạnh dạn bước một bước dài hơn bình thường. Dù đang mắc vào tình thế nào, người trong cuộc đều thấy rõ, thực tế hôn nhân đó sẽ không chuyển biến tích cực, người phối ngẫu khó thay đổi tâm tính.

Khi được hỏi “Chẳng lẽ sống thế này cả đời?”, chị Oanh quẹt nước mắt: “Tôi cũng đã thức trắng nhiều đêm. Cái khổ hiện tại, mình thấy nó một cách rõ ràng. Nhưng nếu ly hôn, mình sẽ gặp những nỗi khổ nào khác? Tôi không hình dung hết được điều gì đang chờ đợi mình nên không dám dấn tới”. Quan điểm của chị Oanh có thể là cách nghĩ chung của các trường hợp "mắc kẹt" hôn nhân.

Dù vậy, nạn nhân nào cũng hiểu mình không thể chôn vùi phần đời còn lại trong cuộc hôn nhân “ung nhọt” như vậy, trước sau gì cũng phải thay đổi. Vấn đề là thay đổi vào thời điểm nào. Sự lần lữa khiến họ căng mình chịu đựng, kéo dài thời gian và càng kéo dài càng đau khổ hơn. Vậy làm sao để sớm có được cuộc “cách mạng”? TS John Smith - chuyên gia tư vấn tâm lý người Mỹ - chia sẻ: “Để có được sự thay đổi táo bạo, người trong cuộc phải tự mình (hoặc nhờ chuyên viên tư vấn tâm lý) đưa ra được những “gạch đầu dòng” thật cụ thể về tình hình thực tế và những điều mới mẻ sau ly hôn. Khi có được những ý cụ thể đó, mỗi người tự so sánh được - mất và chọn phương án có nhiều cái được hơn. Cần nhìn nhận thật cụ thể về cuộc hôn nhân, chứ không thể cảm nhận chung chung, để rồi bị nỗi sợ hãi mơ hồ bủa vây”.

Cụ thể, chị Oanh - một người có chuyên môn, có khả năng quản lý, lại tháo vát, đảm đang sẽ tìm được việc làm nếu tách khỏi nhà chồng. Công việc mới của chị vẫn có thể đảm bảo mức sống cho bản thân, giúp cha già ở quê. Em gái của chị đã là sinh viên năm cuối, có thể kiếm được việc làm trong nay mai.

Hay như trường hợp anh Tấn Tài, trước sau gì cũng phải dọn ra khỏi nhà vợ và đằng nào việc nhập nhằng tài sản với bố vợ cũng cần rạch ròi. Rào cản lớn nhất khiến anh không dám mở miệng “đặt vấn đề” chỉ xoay quanh một chữ: ngại! Nhưng anh đâu biết, khi đã “hết duyên” với nhau, chính bố vợ cũng cần sớm rạch ròi mọi thứ.

Nhiều lúc, người trong cuộc chỉ tự trói buộc mình trong những suy nghĩ cố hữu. Như chuyện của chị Thanh Vân, cứ nghĩ “con đã bệnh tật, làm sao có thể sống không có cha?”. Nhiều người vẫn nhầm lẫn như chị Vân, rằng “ly hôn thì con mất cha”. Thực ra, sau khi chia tay, con vẫn có đủ cha mẹ, thậm chí còn được chăm sóc tốt hơn nếu cha mẹ biết sắp xếp để kề cận con.

Có câu “không bao giờ quá sớm cho một điều tốt đẹp”. Nếu người trong cuộc không tự mình thay đổi, sẽ càng mắc kẹt sâu hơn trong mớ bòng bong hôn nhân ấy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật