Lớp áo mệnh phụ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúng tôi có hai con đều đã lớn và xa nhà. Chồng tôi tuy chỉ dạy cấp III nhưng anh có đông học sinh học thêm, mở lớp dạy tại nhà, thu nhập khá cao.
Lớp áo mệnh phụ
Ảnh minh họa

Cũng vì vậy mà anh không hề có ý hướng học hành gì thêm nữa. Ở ngoài nhìn vào, ai cũng bảo tôi là mệnh phụ, sáng lái xe hơi đi làm, quần là áo lượt, nhà cao cửa rộng. Nhưng, ở trong ruột mới biết, tiền bạc chồng tôi làm thì chồng tôi giữ, lương giảng viên đại học của tôi, anh bảo cho tôi tự do ăn diện. Tiền chợ anh lo, việc chợ búa cơm nước có người giúp việc. Một thời gian dài tôi cũng nghĩ mình sang trọng, sống an nhàn thoải mái, nhưng rồi mọi chuyện đổ sụp khi tôi phát hiện anh có người đàn bà khác, họ có một căn hộ chung cư và có con riêng đã bốn tuổi, tôi chỉ là vật trang trí đi vô đi ra cho vui ở ngôi nhà chính. Tôi đặt vấn đề ly hôn, anh cười nhạo: muốn thì đi, ra khỏi cái nhà này, thằng này đâu cần! Tôi nhục nhã quá chị ơi! Hình ảnh của tôi bao nhiêu năm nay trong mắt hàng xóm, gia đình hai bên, nhà trường, học trò… là một mệnh phụ phu nhân, chẳng lẽ đó chỉ là hình ảnh giả, rỗng thôi sao? Đã có lúc tôi muốn phải chi mình đừng phát hiện ra sự thực phũ phàng đó, để được yên bình trong cõi riêng của mình…

Chị Xuân Anh thân mến,

Mọi thứ đối với chị thực ra cũng có phần được mô tả hơi quá đà trong ảo tưởng. Vợ của một thầy giáo, bản thân là giảng viên, chị thuộc giới trí thức, nhưng nếu tự khoác cho mình bộ áo mệnh phụ phu nhân, thì chỉ thêm vướng víu mệt mỏi cho mình thôi chị ạ. Một cách khách quan, đọc thư chị, Hạnh Dung nghĩ có khi chị đã vô tình đánh mất hơi ấm của gia đình, của sự gần gũi chia sẻ vợ chồng, vì chính cái vẻ quan cách, mệnh phụ kia. Vậy nên, muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại, cần trút bỏ lớp vỏ phù phiếm kia đi đã.

Chồng chị có “phòng nhì”, tức là đã phạm luật. Tuy nhiên, đứa nhỏ kia có phải con anh hay không còn cần những bằng chứng xác thực hơn. Khi rời khỏi chiếc ghế “phu nhân” của mình, chị có thể thu xếp đến gặp và bình tĩnh trò chuyện với người phụ nữ kia cho ra lẽ. Chồng chị vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, anh ấy cũng có chỗ phải lo lắng, vì còn công việc, chứ không hẳn đã “đâu cần!” như tuyên bố. Cần tháo gỡ dần từng việc, theo cách bình tĩnh ôn hòa mà hiệu quả. Nếu còn tình cảm vợ chồng, còn muốn gắn bó với nhau vì lý do này khác, thì anh ấy phải dứt bỏ mối quan hệ kia. Nếu không dứt bỏ được, thì cũng đành phải tính tới việc chia tay thôi. Vấn đề không phải là giữ chiếc áo phu nhân, mà là sống hạnh phúc với chính bản chất của mình, chị ạ.

Chồng chị nắm toàn bộ tài sản và kinh tế trong gia đình, nhưng không phải bây giờ ly hôn là chị tay trắng rời khỏi nhà. Chị cần xem lại luật, tham vấn thêm chuyên gia, để ước lượng trong tình trạng xấu nhất thì mình còn lại được những gì để bắt đầu cuộc sống mới. Điều quan trọng là chị có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập, có niềm vui trong công việc. Mình có thể sống bằng sức lao động của mình, không cần tự biến mình thành vật trang trí cho người khác, cho dù là trang trí dưới chiếc áo sang trọng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật