Ukraine: Đường cái, lối mòn và một lằn ranh hẹp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc bầu cử quốc hội Ukraine lần này được người dân và các bên liên quan kỳ vọng vào một sự thay đổi để đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng cả về kinh tế, chính trị.
Ukraine: Đường cái, lối mòn và một lằn ranh hẹp
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, kết quả tạm thời đã tạo ra những chuyển biến mới khiến con đường phía trước của Ukraine khó định được đích đến.

Ngày 26/10 vừa qua, người dân Ukraine bắt đầu đi bầu cử, cuộc bầu cử này có tới 7.000 ứng cử viên, thuộc 29 chính đảng và phong trào tham gia tranh cử, với 32.000 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Ukraine và 112 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài đã mở cửa để đón 34 triệu cử tri nhằm bầu ra Quốc hội khóa VIII. Theo đó, một nửa trong tổng số 450 ghế của Quốc hội Ukraine được bầu theo danh sách các chính đảng và nửa còn lại được bầu theo các khu vực. Tuy nhiên, trong số 225 đại biểu bầu theo danh sách các khu vực như thông lệ, sẽ có 26 đại biểu chưa được bầu, trong đó 10 đại biểu của Crimea, 2 đại biểu của Sevastopol (bán đảo này đã sáp nhập vào Nga) và 14 đại biểu của vùng Donbass.

Thông tin về quá trình kiểm phiếu được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy mức độ quan tâm lớn đến như thế nào. Khi công việc kiểm phiếu đang tiến hành, 2 đảng phái hàng đầu là Khối của Tổng thống Petro Poroshenko và đảng Mặt trận nhân dân của Thủ tướng ars‌eny Yatsenyuk thay phiên nhau vượt lên, nhưng với khoảng cách là không lớn.

Thông tin từ Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine ngày 29/10/2014, sau khi kiểm đến 97,7% số phiếu, kết quả cho thấy Đảng Mặt trận nhân dân của Thủ tướng ars‌eny Yatsenyuk dẫn đầu với 22,18% phiếu bầu và vị trí thứ hai là đảng Khối Poroshenko với 21,2% phiếu bầu.

Vì tất cả các chính Đảng đều chỉ nhận được số lượng phiếu ủng hộ ở mức khiêm tốn, nên để có thể điều hành được Quốc hội và từ đó có thể thông qua được các đạo luật cũng như thành lập nội các, các Đảng phái phải cùng thống nhất thành lập một liên minh.

Và việc Khối Poroshenko nhanh chóng đặt liên hệ với đảng Mặt trận nhân dân về một liên minh cầm quyền là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia không bao giờ lường trước được là việc "lật kèo" của Thủ tướng ars‌eny Yatsenyuk sau khi kết quả chính thức được công bố. Sở dĩ nói "lật kèo" là bởi trước, trong cuộc bầu cử, vị thủ tướng đương nhiệm đã nhắc tới mối liên minh chặt chẽ với Khối Poroshenko, nhưng khi đảng Mặt trận nhân dân thắng thế, Thủ tướng Yatsenyuk lại đưa ra kế hoạch riêng khi đề nghị liên minh với Đảng Tự lực của Thị trưởng Lvov Andriy Sadovy, Đảng Tổ quốc của cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko và Đảng Cấp tiến. Ông đặt tên cho liên minh này là "Ukraine của châu Âu".

Hy vọng mong manh

Cuộc bầu cử được hy vọng tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã kết thúc. Nhưng hy vọng về những biện pháp mang lại hòa bình cho Ukraine vẫn như một lằn ranh hẹp giữa đường cái và ngõ cụt mà khi mà một cú xảy chân, dễ đưa đất nước vào trạng thái bất ổn. Đương kim thủ tướng đã lựa chọn liên minh gồm những những đảng phái theo trường phái cực hữu để thành lập chính phủ. Lựa chọn này gây ra không ít hoài nghi bởi chẳng ai có thể khẳng định được rằng, nội bộ liên minh này lúc nào cũng nhìn về một hướng. Và nếu điều ấy xảy ra, có nghĩa là có những quan điểm trái ngược về chính sách cũng như quyền lợi, trong nội bộ liên minh "Ukraine của châu Âu" này có thể nảy sinh vấn đề.

Trong quá khứ, sự liên minh đảng phái từng diễn ra và người ta đã chứng kiến những kết quả không mong đợi. Sau cuộc “Cách mạng Cam”, kết quả bầu cử  Quốc hội Ukraine (Rada) cũng đã đưa đến sự liên minh miễn cưỡng giữa Đảng của Tổng thống Yushenko khi đó với Đảng của bà Tymoshenko để chiếm đa số trong Quốc hội và kết quả của liên minh này là việc bà Tymoshenko ngay sau đó nhậm chức Thủ tướng.

Tuy nhiên, Liên minh của cuộc “Cách mạng Cam” tan vỡ đã tạo điều kiện cho sự “lên ngôi” của Đảng “Các khu vực” của Tổng thống Yanukovich khi đó. Dù đã cố gắng giành được quyền kiểm soát đa số tại Rada nhưng rồi sự sụp đổ không chỉ đến với đảng của ông Yanukovich mà chính ông còn bị sự kiện Maidan lật đổ và buộc phải rời khỏi Ukraine.

Nhưng như đã nói, do không có nền tảng ổn định và vững chắc, hơn nữa quyền lợi nhóm cũng khác nhau nên nhiều chuyên gia đang dự đoán rất có thể liên minh lần này cũng sẽ có kết cục giống như các liên minh trước đây.

Theo dự đoán, do ít nhiều bị thất thế so với Đảng Mặt trận nhân dân nên chức Thủ tướng Ukraine vẫn sẽ do ông A.Yatseniuk hoặc người của Đảng này đảm nhiệm. Vì 2 vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng mặc nhiên là “quota” của Tổng thống, vì vậy “Mặt trận nhân dân” vẫn muốn được quyền đưa người của mình giữ vị trí Bộ trưởng Tư pháp, Tài chính và Nội vụ, hơn nữa, chức Chủ tịch Rada cũng khó mà tuột khỏi tay Chủ tịch đương kim A.Turchinov.

Quay trở lại với lý do mà Tổng thống Poroshenko dù đã tại vị được 5 tháng bỗng bất ngờ ra quyết sách giải tán liên minh cầm quyền và tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Người ta có thể hiểu được rằng ông Poroshenko không có đủ quyền lực cũng như sự hậu thuẫn cho các chính sách của mình, bởi trong cái liên minh cầm quyền ấy không có tên của đảng phái chính trị mà ông đang gia nhập từ cuộc tranh cử trước.

Và tất nhiên, ông Poroshenko đã tính toán rằng khi tổ chức bầu cử Quốc hội, ông sẽ có được một chiến thắng áp đảo để có đủ quyền tự quyết, hoặc tổ chức một liên minh cầm quyền mới trong đó mình nắm giữ vai trò chủ trì.

Tuy nhiên, những phép tính ấy dù ngây thơ, hay tinh tế thì cũng đang cho ra một kết quả duy nhất: Vai trò của tổng thống yếu đi còn cục diện chẳng có gì thay đổi.

Một khi Khối Poroshenko không có được một chân trong liên minh cầm quyền, điều này đồng nghĩa với việc chính trị Ukraine chẳng khác gì so với trước khi giải tán liên minh cầm quyền cũ. Và vào thời điểm đó, đường lối chủ chiến được duy trì qua các chiến dịch tấn công tổng lực, quy mô lớn nhằm vào những người ly khai miền Đông.

Và đến thời điểm hiện tại, tình hình thậm chí còn xấu hơn, khi Thủ tướng Yatsenyuk tuyên bố chính quyền Ukraine sẽ phải tiến hành cuộc chiến chống quân ly khai ở miền Đông.

Đất nước Ukraine vẫn đang ngập trong khó khăn, căng thẳng. Theo dự báo, căng thẳng tại miền Đông Ukraine có thể khiến GDP nước này giảm tới 10% trong năm 2014.. Theo các số liệu điều chỉnh được công bố trong tháng 7, GDP quý II/2014 của nền kinh tế Ukraine đã giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 4,6% tính từ đầu năm nay. Đây là quý thứ 2 tăng trưởng âm liên tiếp của Ukraine. Trong vòng 8 quý gần đây, đã có đến 6 quý Ukraine tăng trưởng âm. Hai khu vực ở miền Đông Ukraine, nơi giao tranh đang diễn ra thường chiếm 16% GDP của Ukraine.

Trong khi đó, chiến sự vẫn không có dấu hiệu dịu bớt. Tại Donetsk, người ta thấy xe tăng của quân ly khai tập trung số lượng lớn trên đường vào sân bay Donetsk. Nhiều người đã lo ngại đây chuẩn bị mở màn cho một chiến dịch quân sự rầm rộ hơn trước.

Ngày 2/11/2014, người ly khai cũng tự tổ chức bầu cử cho mình, một động thái khẳng định họ không muốn liên quan đến những gì đang diễn ra ở Kiev, không muốn chịu sự kiểm soát của chính phủ những người thân phương Tây.

Bản thân Donetsk, Lugansk đã khẳng định, họ nói không với các hành động đàm phán về hiệp định ngừng bắn, họ đã tuyên bố sẽ giành lại Slavyansk, Kramatosk, Mariupol...

Điều này cho thấy, những gì đang chờ đợi Ukraine dù có bầu cử Quốc hội lần nữa, tình hình sắp tới sẽ còn căng thẳng hơn: Vẫn là chiến sự đẫm máu, bất ổn chính trị, nguy cơ bạo loạn, lật đổ, đói rét và một nền kinh tế đang dần kiệt quệ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật