Bức phù điêu mạ vàng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hắn thò chân xuống gầm bàn, mũi giày của hắn chạm vỏ chai bia. Tim hắn đập thình thịch. Bàn bên kia, tiếng “dô“ vọng sang từng chặp đến tức ngực. Các doanh nhân vón với nhau một bàn.
Bức phù điêu mạ vàng
Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Những khuôn miệng sang trọng bật ra tiếng "dô" khác hẳn. Tiếng cốc chạm cốc côm cốp. Hắn dường như nghe được tiếng những bàn tay xiết lấy nhau trong những hứa hẹn mềm mại… Đợi tiếng "dô" vừa dứt, hắn hất mạnh mũi giày, cái vỏ bia văng lên cao, rơi xuống, vỡ tan. Tất cả mọi người có mặt trong bữa tiệc đều nhìn về bàn của hắn.

1.  Hắn tỏ vẻ bình thường. Cái chai vỡ dưới chân một phụ nữ cứng tuổi chứ đâu có ở chỗ hắn. Người đàn ông trung niên, bụng tròn như cái mâm xôi lễ ngồi tưng hửng trên cái thắt lưng da đắt tiền, nặng nề di chuyển về bàn hắn. Trên tay ông ta là cốc bia, hai phần bia, một phần bọt. Bọt bia còn dính trên hàng ria mép xén tỉa cầu kì của ông ta. Hắn chỉ chờ có thế. Hắn trịnh trọng đứng dậy. Linh hồn của bữa tiệc khẽ nhếch mép. Nụ cười ruồi làm đứng tim những đứa đàn bà có mặt ở đây.

Hắn đưa tay ra lịch thiệp. Người đàn ông hào hoa không bắt ngay mà nâng cốc, lần lượt chạm với từng người, vốn là cháu con đời xa của Mạc tổ. Từng người một giới thiệu, tai hắn ù đi. Đến lượt hắn. "Dạ, em thuộc phả hệ Kính Vũ, họ Nguyễn tên Công Dương". Linh hồn bữa tiệc nhìn hắn chằm chằm rồi buông ra một lời sắc như kiếm: "Chú thật vinh dự, nghe nói phả hệ Mạc Kính Vũ ở vùng Vĩnh Phương này đang sở hữu những báu vật mà người phả hệ Mậu Hợp luôn thèm khát". Hắn run rẩy chìa bàn tay ra lần thứ hai. Lần này, bàn tay thư sinh của hắn chết lịm, chết ngạt trong cái gọng kìm hộ pháp nhưng lạnh toát. Hắn gật đầu. "Vâng, người họ Hoàng phát về đường kinh doanh buôn bán và cả nghiệp chính trị nữa, còn họ Nguyễn, họ Lê chúng tôi, vốn chỉ phát văn". Sau cú chà xát ấy, bàn tay hắn như thấm lạnh.

Trước đó mười lăm phút. Hắn lọt thỏm, thấp bé trong cuộc gặp mặt. Những người gốc họ Mạc khắp nơi đổ về. Họ là doanh nhân, thương nhân, bác sỹ, kĩ sư, chính khách, cả những Việt kiều danh giá. Những bảng thống kê dán trên tường đem đến cho tất thảy mọi người niềm hân hoan phơi phới, nỗi xúc động tận đáy lòng. Dù đã thay tên đổi họ, dù đã định hình danh tiếng và gắn bó bao đời với tên họ mới, nhưng làm sao có thể không bồi hồi trước tổ tông gốc gác? Sự có mặt của một người thành đạt như cái vị đang được mọi vệ tinh bám quanh kia khiến hắn, một giáo viên dạy sử, trở nên bé tý, bé đến khuất chìm thoi thóp.

Bài diễn văn mười phút của hắn nói về việc các sử gia thời nay lên tiếng bênh vực cho tiền nhân cũng bị chìm sâu dưới đáy của những thuật ngữ ngành chứng khoán, bất động sản, giải trí, đang tung hô trên những tràng pháo tay làm chủ hoàn toàn không gian buổi gặp mặt, mỗi năm một lần. Kết thúc bài diễn văn. Hắn bước xuống…

Lác đác vài tiếng vỗ tay. Một cánh tay duy nhất thò ra tóm lấy tay hắn mà giật lấy giật để. Đó là cánh tay còn lại của một cựu chiến binh người làng Võ Hà, ngay bên kia sông. Hắn lạ quái gì tay ấy. Thằng con trai út của tay ấy là đứa học sinh cuối cùng còn sót lại trong não hắn. Thằng ấy thích học lịch sử. Thằng ấy say mê lịch sử. Thằng ấy thành thạc sỹ ngành sử dân tộc. Thằng ấy cắp đơn xin việc ba năm chưa có nổi chỗ ngồi dù là tạm bợ. Nghe nói thằng ấy mới điên… Không biết lão cựu chiến binh có điên không mà bắt tay người ta dai như đỉa. Đám đàn bà sồn sồn cười rầm rầm. Hắn ngượng nghịu nhét bài diễn văn gấp tư vào túi áo, dùng cái tay đó để gỡ bàn tay kia ra khỏi tay mình. Gỡ xong rồi, hắn điếng người. Tay cựu chiến binh khóc, mếu máo: "Vì sao tổ tiên, cha ông của chúng ta phải thay tên đổi họ để được tồn tại... hu hu". Gã cựu chiến binh đưa cánh tay cụt, tùng tằng vải áo lên chùi nước mắt. Đời giáo viên dạy sử của hắn đã bao giờ thấy cảnh này chưa? Chưa bao giờ. Hắn thấy ngực mình nhói lên. Bất chấp bao ánh mắt tò mò đang đổ về hắn, hắn giơ tay ra nắm lấy bàn tay xương xẩu kia, chủ động xiết chặt một cái rồi buông ngay ra.

"Bài diễn văn khi nãy của chú khá lắm, chú công tác ở bảo tàng lịch sử của tỉnh à?". Hắn tỉnh mộng, cái đầu ngúc ngắc, không rõ là lắc hay là gật, vội vàng đưa cái cốc lên chạm với cái cốc người đối diện. Nhưng tiếng hai cái cốc cạn bia chạm vào nhau khô keng khiến hắn ngại ngùng. Linh hồn của bữa tiệc nhắc khẽ: "Việc của chú là mang được về bức phù điêu bằng vàng, nhớ đấy nhé, đây là số của anh". Hắn vinh dự cất tấm cardvisit vào túi áo. Linh hồn bữa tiệc đi giật lùi khỏi bàn của hắn mà về bàn cũ.

Một cậu chừng ba mươi tuổi cầm cốc đi tưng tưng từ trong góc đi ra, tiến thẳng đến trước mặt hắn: "Chú có vẻ thân thiết với bộ trưởng?". Hắn lim dim nhìn thằng ba mươi như nhìn một vật giả cổ, rồi chép miệng: "Thì cũng quen biết sơ sơ thôi mà". Thằng kia ngưỡng mộ hắn thì phải nên cũng rút ví, lấy ra cái cardvisit đưa cho hắn. Cardvisit của thằng này bằng giấy cứng, của bộ trưởng bằng kim loại. Hai cái đó nằm cạnh nhau trong túi ngực hắn như đang đối chất về sự cao thấp, hèn sang. Chuyên gia tổ chức sự kiện à? Không biết có giống cái ông chủ hôn ở làng hắn kiêm trưởng ban tang lễ không nhỉ. Một dạo, đúng mùa cưới, có bà lăn đùng ra chết, ông "sự kiện" mặt rầu rĩ, nhưng mồm thì nhầm lẫn: "...thưa toàn thể hội hôn". Bộ tăng âm Nhật xịn của ông "sự kiện" đưa cái nhầm nhọt ấy đi khắp làng, ông "sự kiện" giã từ sự kiện ngay sau hôm ấy, "truyền ngôi" cho thằng con trai cũng giảo ngôn nhưng nờ lờ, xờ sờ lẫn lộn. Hắn tủm tỉm cười. Tranh thủ lúc hắn cười, một thằng khác, còn trẻ hơn thằng ba mươi, nhưng lại ăn chơi hơn, gí vào tay hắn một cái cardvisit bằng nhựa. Hắn chưa kịp kiểm chứng thông tin thì đã tối tăm mặt mũi vì bao nhiêu người vây lấy.

Thì đấy, trước khi bộ trưởng đến, có ma nào đoái hoài đến hắn. Mà bộ trưởng đã ân cần hỏi han ai đến hai câu như đã hỏi hắn chưa. Thế nên… hắn thầm cảm ơn cái vỏ chai bia mụ nào đó dúi xuống chân bàn, cạnh cái giày của hắn. Ân huệ thì hưởng rồi, giờ nghĩ đến bức phù điêu thì tim hắn như quả cam héo bị ai đó cầm dao cứa cho một nhát. Cay đắng ứa ra. Chua chát ứa ra.

2. Bố hắn tập dưỡng sinh giữa khoảng sân gạch nhẵn thín, nâu mượt. Mẹ hắn băm khoai lang chàn chạt một góc sân. Vợ hắn cũng chiếm một góc, ngồi tỉ tê tẽ những hạt ngô cuối cùng khỏi mùa cũ, lấy chỗ cất mùa mới đầy e gác bếp. Còn khoảng sân phía ngoài cổng, hai đứa con hắn, một trai, một gái, đang mô phỏng các động tác của ông nội rồi cười rinh rích.

Hắn khật khưỡng lên hè, ngồi phịch xuống dựa cột. Bu hắn làm bộ giận, cất cái cơi trầu đi. Miếng trầu để nguyên trong miệng, bà hỏi: "Anh tính để vợ con anh ra đường chắc. Vay thì dễ mà trả thì khó". Hắn để cái túi tiền xuống chân bà, mắt nhìn vu vơ, nói cũng vu vơ: "Bu hay thật, việc lớn của cả họ mạc chứ có phải con vay về đánh bạc đâu?". Bu hắn đi lại góc hè, vớ cái ống nhổ, nhả miếng trầu mới giập vào đó: "Anh đang đánh bạc đấy. Chúng tôi già cả rồi, sống chả bao lâu. Còn vợ con anh, có bề gì, làm sao chúng tôi nhắm mắt? Không can gián anh không được. Mà can anh thì anh có bao giờ nghe nhời".

Hắn vơ cái bọc tiền, cắp nách, đi vào nhà, đặt xuống giường, xổ ra đếm. Cả cơ nghiệp ba đời nhà hắn tọa lạc giữa một ngôi làng cổ, ngân hàng định giá có bằng này. Bố hắn đi vào sau, chắc ông bỏ dở bài dưỡng sinh. Ông không nhìn tiền, nhìn theo vệt thu‌ốc là‌o đang lởn vởn bay ra cửa. "Đã quyết thì cứ làm thôi. Trước mắt là anh cứ đem về nhà đã. Còn người còn của. Sau đó thì các chi, các họ mới ngồi lại bàn định với nhau xem có nên giao cho ngành thứ không? Ngành thứ ăn nên làm ra, mọi bề phát đạt, có ảnh hưởng lớn với xã hội. Cũng coi như mình giúp họ, anh đừng tính toán hơn thiệt".

Hắn dừng đếm. "Thầy thật lạ. Bức phù điêu ấy là của phả hệ Kính Vũ nhà ta thất lạc. Đã chuộc về là phải do họ nhà ta cất giữ. Sao có thể giao nộp? Mà nếu có thể giao nộp thì cũng không phải là cái giá ấy đâu. Sao chúng ta cứ phải chấp nhận thiệt thòi mãi thế. Cả cái họ Nguyễn ở Vĩnh Phương này suốt bao năm không ai ngóc đầu lên khỏi cái nghèo hèn nên bị khinh là phải". Bố hắn mồi điếu thuốc khác, mắt nhìn đóm lửa: "Anh lại sai rồi, tôi còn đồ chưa chắc anh mang được nó về nhà đấy. Chưa chi đã...". Hắn cười khừng khực, đếm lại từ đầu đống tiền.

3. "Anh lại đến đấy à? Thế nào, bảo tàng với trường học, cái nào thú hơn?". Hắn ngượng nghịu: "Bảo tàng vắng tanh như chùa Bà đanh ấy mà, tháng sau cháu lại về trường rồi, âu cũng là cái nghiệp". Chủ nhà vừa dốc trà vào ấm, vừa liếc hắn. Trà văng cả ra ngoài. "Cái gì liên quan đến lịch sử thì đều vắng tanh cả. Cậu có xem cái phim tài liệu tối qua VTV.. phát không? Khán đài có vài mống, quay đi quay lại, nhẵn cả mặt cái cô đang ngáp". Hắn biết mình bị lão già khó chơi cho nếm đòn phủ đầu.

Lúc ấy thì con Mẹc màu đen còn khá tươm tất lừ lừ tiến vào sân. Chủ nhà gật gù: "Thế mà bảo chùa Bà Đanh, ăn nên làm ra quá rồi còn gì, ra cậu lội bộ vào đây. Cái làng này thế, đường sá chả ra làm sao". Hắn chống chế: "Cũng chỉ là phương tiện, để ngoài ngõ sợ bọn trẻ nghịch, cháu bảo nó đánh vào". "Ừ, tiền liền với ruột, nó vặn mất cái gương cũng bạc triệu".

Trong lúc ông chủ đi vào trong, hắn lén quan sát. Ngôi nhà gỗ dựng theo kiểu cổ, năm gian bốn hàng chân. Ngói âm dương màu nâu sậm, xà kèo, dui mè bằng gỗ gì đó sơn tất màu gạch cua. Bàn ghế chạm trổ cầu kì. Nhìn gì, thấy gì thì người hắn vẫn run như lên cơn sốt. Cả cơ nghiệp nhà hắn nướng vào canh bạc này. Vợ con hắn sẽ ra đường, bàn thờ tổ tiên nhà hắn cũng ra đường nếu giao dịch này thành công. Ơ hay, chẳng phải hắn vẫn ao ước có ngày tên tuổi được sáng bóng lên hay sao? Bộ trưởng sẽ cất nhắc hắn nếu hắn lập công. Nhưng hãy đợi đấy, thưa ngài bộ trưởng, nếu bức phù điêu ở trong tay tôi, tôi sẽ trở thành linh hồn của những dòng họ đang sục sôi hướng về gốc gác cội nguồn. Đến lúc ấy, thiếu gì kẻ muốn sở hữu nó. Ở đâu, ăn đâu, vợ con thế nào, lúc ấy, chỉ là chuyện nhỏ. Hắn sẽ hét giá thật cao, thật xứng đáng với những nhọc nhằn toan tính. Hắn nghĩ thế. Lúc này thì tốt nhất là nghĩ như thế.

Gã lái xe đi vào nhà, tay xách va ly tiền, mắt ngó nghiêng xung quanh, hệt như khách vào bảo tàng lịch sử mà chưa được trang bị văn hóa ứng xử với những giá trị lịch sử. Chỉ có điều khách vào bảo tàng thì không đem theo nhiều tiền đến thế. Không khí căng như dây đàn. Cả hai đều hướng mắt nhìn vào cánh cửa buồng treo tấm rèm màu tiết dê. Phải lâu lắm, cái rèm mới được vén sang một bên bởi một bàn tay không rõ là của ai, đàn bà hay đàn ông ở phía sau bức rèm. Ông chủ trạc bảy mươi nhưng tinh tường, phong độ, ôm khư khư trước ngực một cái bọc vuông vức. Hắn thầm thì: "Nó đấy".

Ngoài sân gạch, ngót chục thanh niên, tuổi sàn ba mươi, mặc ba lỗ, quần cộc, cơ bắp cuồn cuộn, xăm trổ màu mè đang lúi húi trước một tấm bình phong bằng gỗ lũa. Hắn mỉm cười. Lão già gớm thật, ban ngày ban mặt, ai dám cướp đi của lão.

Lớp vải bọc được gỡ ra. Mắt hắn như hoa lên. Giọng hắn tự nhiên khô khốc. "Xem đi". Thằng lái xe, thực ra là chuyên gia về phù điêu cổ, hắn phải trả nó bốn tháng lương bảo tàng cho phi vụ này để kiểm chứng. Cái xe, thực ra là hắn thuê đi để rước phù điêu cổ về cho hoành tráng. Còn đôi giày dưới chân hắn, là của đứa em cậu, hắn mượn nguyên một năm chưa trả. Bức phù điêu hoa cúc bằng vàng có niên hiệu từ những năm giữa thế kỉ mười sáu. Hắn cố trấn tĩnh, phải rồi, sáu hoa, ba nụ, chín lá, bốn chữ vàng. Hắn hất hàm hỏi bằng giọng của kẻ chịu chơi: "Có đúng giá cũ không?". Ông chủ của báu vật gật gù. "Thì vẫn giá cũ, nếu anh không phải hậu duệ nhà Kính Vũ, không đời nào tôi bán, người của phái Mậu Hợp năm lần bảy lượt cầu cạnh, tôi phớt hết. Anh thấy đấy, chiến tranh, li loạn, bao nhiêu thế kỉ, không sứt sát một cánh hoa". Hắn hồi hộp, đưa tay vuốt mái tóc bờm xờm chớm bạc đang dấp dính mồ hôi dù tiết cuối năm, trời thật dễ chịu. Hắn hỏi chuyên gia: "Thế nào, có đúng là nó không?". Chuyên gia sau khi xem xét kĩ lưỡng, gật đầu: "Đúng là nó, nhưng giống như quan điểm của tôi từ trước, nó mạ vàng thôi, chứ không phải bằng vàng". Hắn muốn lồi mắt ra: "Hả, sao sử sách, tài liệu đều ghi chép rõ, những bông hoa và lá đều bằng vàng?". Gã chuyên gia cười nhạt: "Sử đang ở trước mặt ông đấy thôi, ông cũng là dân sử, ông xem lại đi, nó là thật hay giả". Hắn đưa tay ôm đầu, một cuộc cân não chớp nhoáng. Vàng, mạ vàng, cơ nghiệp gần tỷ bạc mà cả đời ông bà, cha mẹ và hai vợ chồng hắn ki cóp dành dụm đem đi thế chấp, canh bạc không đầu không cuối, hắn không thắng, cũng không thua. Cái gì là phù vân? Tiếng tăm hay cơ nghiệp? Trách nhiệm của người chồng, người cha hay linh hồn của những buổi gặp mặt trong Hoàng Hà năm sao?

Mặt hắn như biến sắc, hắn dường như đã gạt hết mọi cấn cá, quyết định: "Nếu là mạ vàng, tôi vẫn mua nhưng sẽ không có cái giá đó". Ông chủ cười cười, không thay đổi sắc thái: "Tóm lại, anh mua bức phù điêu cổ hay anh mua vàng?". Hắn như bị chạm nọc, cười nhạt, đứng dậy: "Tôi mua bức phù điêu, đồng ý giá cũ". Ông chủ nhà nhìn hắn, lắc đầu: "Tôi không bán nữa. Anh chỉ là một anh giáo quê mùa bị kích động". Gã chuyên gia sửng cồ, thiếu chút kiềm chế đã đưa tay túm ngực áo ông chủ: "Tại sao lại không bán nữa, đừng có giở trò đánh tháo. Cái bài này cũ rồi. Chơi thế không đẹp". Gã chuyên gia rút điện thoại, loay hoay móc trong ví ra chiếc cardvisit bằng kim loại. Ông chủ nhà lấy tấm vải, thản nhiên bọc bức phù điêu lại, nhấn nhá: "Tôi không bán nó cho các anh. Các anh không đủ tư cách. Còn tư cách là gì, bao nhiêu mới là đủ với tôi thì các anh về tự đo đếm".

Hắn tức run người, mắt nhắm lại một lúc rồi đặt tay lên vai gã chuyên gia, giọng hụt đi: "Về thôi, ta sẽ trở lại". Gã chuyên gia xách cái cặp vùng vằng đi ra xe.

Tới cổng, hắn bảo xe dừng. Hắn ngập ngừng, quay lại, bước vào nhà, thấy bức phù điêu vẫn để trên bàn, bèn quỳ xuống lạy bức phù điêu ba lạy. Hắn đứng dậy, thấy ông chủ đang nhìn hắn rất lạ. Ánh mắt ấy, sao mà giống cha hắn. Hắn từ từ quỳ xuống, chắp tay, lạy một lạy, giọng nghẹn đi: "Sư phụ vừa cứu con, hãy nhận của con một lạy". Ông chủ cầm tay hắn, đỡ hắn dậy: "Ừ, anh giáo về đi, thế là tốt rồi, đừng tính chuyện vụ lợi với những báu vật của tổ tông mà đắc tội".

Tống Ngọc Hân

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật