Federer trước thời cơ trở lại ngôi vua dù tuổi xế chiều

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tay vợt đã 33 tuổi người Thụy Sĩ vẫn duy trì phong độ tốt và hoàn toàn có khả năng soán vị trí số một của Novak Djokovic trên bảng xếp hạng ATP khi kết thúc năm thi đấu 2014.
Federer trước thời cơ trở lại ngôi vua dù tuổi xế chiều
Federer không còn nhanh như biệt danh “Tàu tốc hành“, nhưng vẫn đủ bền bỉ và cố gắng để đua tranh quyết liệt ngôi vị số một làng quần vợt thế giới trong năm nay. Ảnh:Reuters.

Roger Federer đã ở vào độ tuổi có thể giải nghệ, nhưng anh vẫn thi đấu rất bền bỉ và có không ít trận đạt phong độ đỉnh cao ở mùa giải năm nay. Tay vợt số hai thế giới vẫn có nhiều màn trình diễn tạo cảm giác như thể tuổi tác không thể cản bước sự nghiệp vĩ đại của anh. Cuối tuần qua, ông hoàng Grand Slam tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của mình chức vô địch ở giải trong nhà tại Basel (Thụy Sĩ), khi có chiến thắng dễ dàng trước tay vợt 22 tuổi và hiện đứng thứ 22 thế giới  David Goffin trong trận chung kết kéo dài chỉ 52 phút. Tay vợt hiện giữ ngôi số một thế giới Novak Djokovic cũng phải thốt lên: “Năm 2014 là của Roger Federer”.

Ngôi sao người Serbia nhận xét như vậy cho dù năm nay “Tàu tốc hành” không giành được chức vô địch Grand Slam nào: Stanislas Wawrinka đăng quang tại Australia Mở rộng, Rafael Nadal có thêm danh hiệu tại giải đấu sở trường Pháp Mở rộng, Novak Djokovic lên ngôi ở Wimbledon, còn ngôi vương ở Mỹ Mở rộng thuộc về Marin Čilić. Roger Federer nhận được sự nể phục của các đồng nghiệp, giới chuyên môn, truyền thông và người hâm mộ là nhờ sự ổn định trong gần như suốt năm. Anh có vẻ yên tĩnh trong từng bước tiến, nhưng đến cuối năm thì khiến làng quần vợt phải cảm thấy bất ngờ xen lẫn thú vị khi đã đoạt lại vị trí số hai từ Nadal, và ngày càng thu hẹp cách biệt với Djokovic trong cuộc đua tới vị trí số một thế giới khi kết thúc năm.

Đã qua tuổi ba mươi, nhưng lịch trình thi đấu của anh vẫn rất bận rộn với không ít hơn 17 giải đấu đơn. Anh không chỉ tham gia hầu hết các giải đấu đáng chú ý để tranh các danh hiệu đơn nam, mà còn góp công lớn đưa đội tuyển Thụy Sĩ lần đầu tiên kể từ năm 1992 vào tới chung kết giải đồng đội Davis Cup (sẽ diễn ra tại Lille vào tháng tới).

Với thắng lợi tại quê nhà Basel mới đây, Federer đã giành được tới ba chức vô địch trong bốn giải vừa qua. Danh hiệu mà anh để mất trong mạch thành công gần đây là Mỹ Mở rộng, khi anh chịu thua ở bán kết trước hiện tượng Marin Cilic - tay vợt lần đầu vô địch một Grand Slam.

Nếu Federer tiếp tục chơi tốt ở Paris tuần này và giành thêm được danh hiệu vô địch tại BNP Paribas Masters, giải Masters 1000 cuối cùng của năm, anh sẽ tạo được áp lực lớn đối với Djokovic trước khi tới London tranh tài ở ATP World Tour Finals - giải đấu cuối cùng trong năm dành cho tám tay vợt mạnh, và còn được ví là “Grand Slam thứ năm” của mỗi mùa giải.

Federer hiện đứng thứ hai trên bảng xếp hạng ATP với 9.280 điểm, kém 2.230 điểm so với Djokovic. Tay vợt Thụy Sĩ chỉ phải bảo vệ tổng cộng 760 điểm ở Paris và London, đồng thời có thể kiếm thêm tối đa là 2.500 điểm nữa, trong khi Djokovic sẽ phải bảo vệ tới 2.500 điểm ở hai giải cuối cùng. Federer có khả năng trở lại ngôi vị số một làng quần vợt nam, nếu Djokovic đạt kết quả không như ý tại hai đấu trường mà anh sắp tham gia với tư cách đương kim vô địch. Nhưng kể cả nếu cuộc trở lại ngai vàng ngoạn mục không xảy ra, thì vị trí số hai thế giới thời điểm này cũng không phải là tệ với một ông bố bốn con như Federer.

Điểm đố hiện tại đang mang lại lợi thế lớn cho Federer, đồng thời khiến Djokovic chịu áp lực lớn.

“Tôi không nghĩ rằng tuổi tác là vấn đề lớn với Roger lúc này”, Novak Djokovic phải thừa nhận trong buổi họp báo tại Paris hôm thứ hai tuần này. Anh nói thêm: “Tôi chưa từng nghĩ Federer đã hết thời, và cũng chưa khi nào loại anh ấy khỏi danh sách đối thủ chính tại các giải đấu. Thực tế tôi thấy anh ấy đang chơi thứ tennis tốt nhất của anh ấy, trong năm nay”.

Bảng vàng 17 danh hiệu Grand Slam của Federer không có thêm chức vô địch nào trong năm nay, trong đó có thất bại ở trận chung kết rất kịch tích trước Djokovic ở Wimbledon. Nhưng bù lại, anh dẫn đầu nhóm 10 tay vợt mạnh về cả số trận thắng lẫn hiệu số trận thắng thua. Ngoài ra, nếu cùng tuyển Thụy Sĩ giành chiến thắng trước Pháp trong loạt trận chung kết Davis Cup vào cuối tháng 11, Federer sẽ hoàn tất được nốt danh hiệu đáng chú ý duy nhất còn thiếu trong sự nghiệp lẫy lừng của anh.

Thành tích của 10 tay vợt hàng đầu 2014 Trận thắng - thua Danh hiệu 1 Roger Federer 66-10 5 2 Andy Murray 56-17 3 3 Marin Cilic 54-18 4 4 Novak Djokovic 52-8 5 5 David Ferrer 52-22 1 6 Tomas Berdych 51-19 2 7 Kei Nishikori 49-11 4 8 Grigor Dimitrov 49-17 3 9 Rafael Nadal 48-11 4 10 Milos Raonic 45-17 1

“Mọi người từng có chút nghi ngờ khi Roger tuyên bố cách đây hai năm rằng anh ấy muốn tranh tài ở Olympic Rio 2016. Nhưng giờ thì chúng ta có thể tin rằng nhiều khả năng anh ấy sẽ còn đủ sức góp mặt tại kỳ Thế vận hội mùa hè ở Brazil hai năm tới”, Greg Rusedski, cựu tay vợt số một của Anh, phát biểu. Ông còn nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến một tay vợt 33 tuổi nào chơi tốt như Roger, và đặc biệt hơn, tôi chưa khi nào thấy một tay vợt 33 tuổi nào di chuyển tuyệt vời như Roger. Anh ấy chưa hề gặp bất kỳ chấn thương nghiêm trọng nào trong sự nghiệp, và điều này đã giúp Federer duy trì được phong độ cao lâu tới vậy”.

Federer có được nền tảng thể lực mạnh mẽ và bền bỉ đáng ngưỡng mộ trước hết là nhờ gen di truyền. Nhưng phong cách thi đấu nhanh gọn và rất hiệu quả cũng góp phần quan trọng giúp Federer kéo dài được tuổi thọ sự nghiệp đỉnh cao. Những trận chung kết của hai giải đấu tennis nam vào chủ nhật vừa rồi phần nào cho thấy rõ điều đó. Andy Murray mất tới 3 giờ 20 phút cho chức vô địch tại Valencia. Trong khi đó Federer lên ngôi ở Basel sau trận chung kết kéo dài chỉ khoảng 52 phút, và được truyền thông ví như một “cuộc đi dạo” của FedEx. Trong mọi trận đấu, kể cả với các tay vợt hàng đầu có thể lực sung mãn, Federer luôn là người chủ động chơi tấn công và tích cực hơn hẳn trong khâu lên lưới đánh trả. Anh cũng luôn ưu tiên những cú đánh khó để có thể sớm chấm dứt các pha bóng qua lại, cho dù lối đánh này nhiều khi cũng khiến anh mất không ít điểm vì lỗi tự đánh hỏng.

Federer với chức vô địch giải Master ở Thượng Hải hôm 12/10. Ảnh: Reuters.

“Sự vĩ đại mà Roger tạo dựng được chủ yếu nhờ lối suy nghĩ tích cực. Bởi chính điều đó đã chi phối phong cách thi đấu cởi mở của anh ấy. Federer chững lại trong khoảng hai mùa giải, nhưng thực sự hiếu chiến trở lại kể từ khi thuê Stefan Edberg làm HLV hồi đầu năm nay. Điểm chung nổi bật trong các trận đấu gần đây của Federer là anh ấy luôn sẵn sàng tiến lên phía trước đánh bóng dù khi đó đang ở bất cứ vị trí nào trên sân. Các tay vợt hiện nay ngày càng có kỹ thuật đánh bóng tốt hơn và chuẩn xác hơn, bởi thế bạn luôn có khả năng mất một số điểm. Tuy nhiên bạn cần phải nhìn vào tổng thể trận đấu như khi xem một bức tranh lớn, nghĩa là đừng có lo lắng quá nhiều khi đối thủ đánh trả bóng. Bạn cần phải biết sẵn sàng chấp nhận mất một số điểm để có kết quả tốt chung cuộc. Federer và Andy Murray có phong cách thi đấu khác hẳn nhau, và kết quả thì như các bạn đã thấy là cũng khác nhau”, Greg Rusedski, cựu tay vợt từng giữ vị trí số bốn thế giới, phân tích thêm về triết lý thi đấu tennis của Federer.

Cuộc đua tranh vị trí số một ATP năm nay hứa hẹn sẽ rất căng thẳng trong hai giải còn lại. Bởi lịch sử cho thấy hai tay vợt hàng đầu trên bảng xếp hạng luôn áp đảo ở giải cuối năm, đặc biệt là khi cả Djokovic và Federer đều là hai tay vợt có phong độ cao ổn định nhất khi thi đấu trong nhà những năm gần đây.

“Giải đấu Masters ở Paris lần này sẽ rất thú vị. Tại đây sẽ có một vài tay vợt phải chiến đấu vì những tấm vé còn lại được quyền tham dự ATP World Tour Finals ở London tháng 11. Và đương nhiên có cả cuộc đua tới vị trí số một thế giới giữa tôi và Roger”, Djokovic nhận định hôm thứ hai, trước khi tranh tài ở Paribas Masters – giải Masters 1000 diễn ra ở Paris từ ngày 28/10 đến 2/11.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật