Thông điệp từ quan hệ nồng ấm Nga-Trung

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu như Đức là đối tác vì các mục tiêu phát triển lâu dài thì Nga sẽ giúp Trung Quốc giải quyết các vấn đề chiến lược trước mắt.
Thông điệp từ quan hệ nồng ấm Nga-Trung
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Nga Putin (Ảnh Reuters)

Chính vì thế, không có gì bất ngờ khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chọn Nga là điểm đến thứ 2 sau khi đến Đức trong chuyến công du 3 nước châu Âu tuần trước.

Liên minh

Khác với quan hệ Đức- Trung vốn đã được gây dựng từ nhiều năm nay thông qua việc các doanh nghiệp lớn của Đức như tập đoàn Siemens hay các tập đoàn xe hơi lừng danh như Mercedes, BMW và Volkswagen đã tập trung đầu tư nhiều vào thị trường Trung Quốc, quan hệ Nga- Trung mới chỉ nồng ấm trở lại khi cả hai nước đều đang đối mặt với những khó khăn trong quan hệ quốc tế thời gian vừa qua.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã liên tục có những động thái gia tăng căng thẳng trong khu vực như việc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, việc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5/2014 hay gần đây nhất là việc công bố bản đồ mới gồm 10 đoạn “nuốt trọn” Biển Đông và một phần lãnh thổ của Ấn Độ.

Điều này khiến Trung Quốc vấp phải sự phản đối kịch liệt không chỉ của các nước trong khu vực, những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành động sai trái của Trung Quốc mà còn của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Đức-đối tác mà Trung Quốc ưu tiên hàng đầu để phát triển quan hệ.

Ngoài ra, những động thái trên của Trung Quốc còn khiến các quốc gia trong khu vực ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn nhằm đối phó với Trung Quốc và đẩy Trung Quốc vào tình thế bị cô lập hoàn toàn trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Chính điều này buộc Trung Quốc phải tìm cho mình một đối tác mới, một chỗ dựa vững chắc hơn để cải thiện vị thế của mình.

Trong thế "gọng kìm" đó, Trung Quốc đã “bắt được tín hiệu” từ Nga, một quốc gia đang dần bị dồn vào thế phải đối đầu với phương Tây do những tranh cãi xung quanh vấn đề Ukraine, đương đầu với những khó khăn bởi lệnh cấm vận của phương Tây đang dần xiết chặt.

Trong khi đó, Nga cũng rất cần một đối tác mới để “dự phòng” trong trường hợp bị dồn ép phải cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu (thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Nga), cũng như chuẩn bị sẵn cho tương lai khi các nước châu Âu thực hiện toan tính giảm dần sự phụ thuộc của mình vào Nga.

Trong tình thế đó, Trung Quốc và Nga đã tự tìm đến với nhau để tạo ra một liên minh mà trên lý thuyết có thể tạo ra những ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng đối với địa chính trị và hợp tác quốc phòng trên toàn thế giới.

Đây là một liên minh giữa một thị trường đông dân nhất thế giới và một nước rộng lớn nhất thế giới. Đây cũng là một liên minh giữa thế lực mới đang trỗi dậy trong “cơn khát” năng lượng để thỏ‌a mã‌n nhu cầu phát triển trong nước và một thế lực cũ có đủ khả năng cung cấp nguồn năng lượng này nhưng đang phải vật lộn để tìm lại “ánh hào quang” xưa.

Thỏa thuận khí đốt, chiến thắng cho cả hai

Khác với chuyến thăm Đức trước đó vốn chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp cơ bản để tạo nền tảng phát triển dài lâu cho Trung Quốc, chuyến thăm Nga của ông Lý Khắc Cường có mục đích tìm ra giải pháp cho bài toán cấp thiết hơn, đó là tìm ra một nguồn cung trước mắt nhưng ổn định cho nền kinh tế Trung Quốc không bị chững lại sau hơn một thập kỷ liên tục tăng trưởng ở mức hai con số đầy ấn tượng.

Chính vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ yếu là để Nga và Trung Quốc bàn thảo kỹ lưỡng hơn nữa về thỏa thuận cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trị giá tới 400 tỷ USD trong 10 năm tới mà hai bên đã ký từ tháng 5/2014, trong đó Nga sẽ cung cấp khoảng 38 tỷ m3 khí hàng năm cho Trung Quốc.

Tổng thống Nga Putin ký vào đoạn đường ống cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc (Ảnh RIA)

Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực khí đốt, trong chuyến thăm lần này ông Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nga Mevedev cũng đã chứng kiến việc ký kết 50 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác như vận tải và tài chính.

Giới phân tích nhận định, trong khi Trung Quốc được hưởng lợi nhiều từ giá khí đốt có phần “ưu đãi” từ phía Nga thì Nga cũng tận dụng được việc hợp tác tài chính với Trung Quốc để mở ra lối thoát cho mình. Bởi điều này có thể giúp Nga tận dụng được các khoản tín dụng từ các thể chế tài chính của Trung Quốc trong thời điểm Nga đang bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt trong đó bao gồm việc giới hạn các khoản vay của Nga chỉ gói trọn trong 90 ngày.

Tất cả các thỏa thuận hợp tác trên đã đẩy thương mại song phương của Nga và Trung Quốc gia tăng từ mức 89,2 tỷ USD trong năm 2013 lên khoảng 100 tỷ USD trong năm 2015 và dự tính đạt 200 tỷ USD trong năm 2020, chỉ 5 năm sau khi thỏa thuận khí đốt giữa hai nước có hiệu lực.

Hợp tác quốc phòng, Trung Quốc hưởng lợi?

Tuy nhiên, chuyến thăm lần này của ông Lý Khắc Cường không chỉ tập trung vào hợp tác kinh tế và giải quyết vấn đề năng lượng của Trung Quốc mà còn là dịp để Trung Quốc đạt được một mục đích khác là tiếp cận với kho công nghệ vũ khí hàng đầu của Nga.

Không khó để nhận ra được rằng Trung Quốc đã đạt được mục đích của mình khi mà Nga đã ký với Trung Quốc nhiều hợp đồng cung cấp tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc.

Ngoài ra, Nga cũng sẽ cung cấp tàu ngầm mới nhất lớp Amur 1650 và các thành phần để Trung Quốc có thể chế tạo các vệ tinh sử dụng năng lượng nguyên tử.

Các chuyên gia quân sự nhận định, hệ thống tên lửa S-400- được coi là hiện đại nhất thế giới và hiện chỉ có Nga sử dụng- sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực không phận xung quanh đảo Đài Loan trong khi Trung Quốc sẽ tận dụng việc nghiên cứu công nghệ hàng đầu của máy bay chiến đấu S-35 để tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân.

Trung Quốc sẽ sớm tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 từ Nga (Ảnh RIA)

Họ cũng nhấn mạnh, dù là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc trong vòng vài thập kỷ qua, Nga vẫn “giữ miếng” và không chịu cung cấp các công nghệ mới nhất của mình do lo ngại Trung Quốc có thể “sao chép” công nghệ của mình và trở thành một thế lực quân sự có thể đe dọa trực tiếp đến Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng, thời thế đã thay đổi và việc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khiến Tổng thống Nga Putin buộc phải “liều lĩnh” trao tay Trung Quốc những thứ vũ khí chiến lược của mình. Đây có thể coi là một “thắng lợi” cực kỳ quan trọng trong chuyến thăm lần này của ông Lý Khắc Cường.

Giành lại vị thế

Dù có đôi chút “bất đối xứng”, cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng, họ có thể sớm giành lại vị thế của mình thông qua những ảnh hưởng từ đối tác của mình.

Nga là nước nhận thấy rõ nhất điều này khi mà, trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không ngần ngại lên tiếng kêu gọi Đức và các nước phương Tây cần phải chấm dứt việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine.

Đây có thể được coi là một tuyên bố gây sức ép rất lớn đối với châu Âu và Mỹ và buộc cả hai phải cân nhắc trước khi có thể đưa ra các lệnh trừng phạt tiếp theo bởi hơn ai hết, phương Tây hiểu rằng, khi Nga và Trung Quốc đã “hợp sức” với nhau thì châu Âu và Mỹ sẽ buộc phải dè chừng bởi họ có thể “mất nhiều hơn là được” nếu để phật ý cả hai nước này.

Châu Âu, vốn đang vật lộn với việc tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế nội tại của khối, đã chia rẽ rất nhiều khi một số nước như Anh, Pháp hay Ba Lan vẫn kiên quyết đòi trừng phạt Nga trong khi các nước còn lại như Đức, Italy hay Tây Ban Nha vẫn chưa có thái độ rõ ràng.

Điều này là bởi, nhiều nước châu Âu đang phụ thuộc chính và nguồn cung khí đốt của Nga và khi mùa Đông đang đến dần, châu Âu hơn lúc nào hết đang “thấm dần” cái lạnh từ năm 2009 khi Nga cắt việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Hơn thế nữa, châu Âu cũng không thể bỏ qua thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc nếu muốn nhanh chóng phục hồi nền kinh tế vẫn trong đà suy thoái kể từ năm 2008.

Dù không chịu nhiều ảnh hưởng từ Nga như châu Âu, song Mỹ lại rất ngần ngại Trung Quốc bởi Trung Quốc là thị trường hàng đầu của Mỹ và cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, chiếm tới gần 30% tổng số nợ nước ngoài của Mỹ.

Điều này khiến cả châu Âu và Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế phải dè dặt hơn khi muốn đối đầu với Trung Quốc và Nga và khiến cho mục tiêu hợp tác của Trung Quốc với Nga, dù chỉ là nhất thời và có nhiều gượng gạo, đã trở thành tâm điểm chú ý trong chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường và tạo vị thế tốt hơn khi ông đặt chân đến Italy


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật