Bức cung, dùng nhục hình: Cấm sao vẫn xảy ra?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những vụ án oan sai, những vụ công an dùng nhục hình đánh chết người đều đã xảy ra… dư luận hỏi tại sao? Cơ quan chức năng trả lời: “đang xem xét”
Bức cung, dùng nhục hình: Cấm sao vẫn xảy ra?
Ông Nguyễn Thanh Trấn được trả tự do sau 10 năm chịu án oan

Hôm nay, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về nội dung  công tác phòng ngừa, chống vi phạm Pháp Luật và tội phạm; công tác thi hành án. Trước đó, Quốc hội cũng đã bàn về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tr‌a tấ‌n và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Theo đó, nhiều vấn đề được đặt ra trong công tác điều tra tố tụng Hình Sự vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Quyền im lặng: Cơ chế đã có đủ, sao phải hoãn?

Mới đây, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật Hình Sự - hành chính, Bộ Tư pháp) nêu quan điểm rằng khả năng đáp ứng trợ giúp pháp lý ở ta còn nhiều bất cập, đội ngũ luật sư còn ít nên nếu quy định trực tiếp quyền im lặng đối với bị can vào Bộ luật Tố tụng Hình Sự trong điều kiện hiện nay thì cần phải cân nhắc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đã là quyền công dân thì nên được quy định trực tiếp trong luật và hiện nay, đội ngũ bào chữa viên nhân dân là lực lượng dồi dào chúng ta có thể huy động để bào chữa cho bị can, bị cáo.

Cụ thể, theo TS Tạ Thị Minh Lý, Nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), quyền im lặng gắn với nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền được Pháp Luật bảo hộ và quyền con người trong quy định của Hiến pháp. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, chỉ khi bản án kết tội của tòa án có hiệu lực Pháp Luật thì người đó mới là người có tội, còn nếu chưa có bản án thì họ vẫn là người vô tội, các quyền vẫn được Pháp Luật bảo hộ. Và đã là quyền của công dân thì cần quy định trực tiếp. “Đã là luật thì phải quy định rõ ràng, không thể dẫn đến việc suy đoán, suy diễn”, TS Lý nhấn mạnh.

Theo TS Lý, với tình trạng người dân còn thiếu kiến thức về Pháp Luật như hiện nay, quyền im lặng sẽ bảo đảm người dân không trả lời thiếu chính xác, đầy đủ cho đến khi luật sư, người bào chữa có mặt. Mặt khác, quyền im lặng cho đến khi có người bào chữa cũng đảm bảo thực hiện đúng quy trình tố tụng Hình Sự, điều tra viên có đi quá quyền hạn không, có bức cung không….

Về ý kiến lo ngại rằng đội ngũ luật sư  còn còn hạn chế và có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với số lượng bị can, bị cáo và các luật sư thường phân bổ tập trung tại các thành phố lớn, TS Lý cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng đội ngũ bào chữa viên nhân dân. Đây chính là nguồn nhân lực dồi dào bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, các cử nhân luật hoặc những người công tác trong ngành Pháp Luật đã nghỉ hưu, có năng lực trình độ, am hiểu Pháp Luật hoàn toàn có thể tham gia bào chữa cho người dân không may vướng vào vòng lao lý mà vì nhiều lý do không tiếp cận được với dịch vụ pháp lý của luật sư.

Tăng quyền cho CA xã trong điều tra có dẫn đến bức cung?

Thông tư số 28/2014 của Bộ Công an đã cho phép công an cấp xã, đồn, trạm thực hiện “vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan” trong giải quyết một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, điều này đang gây ra ý kiến lo ngại rằng cho phép công an xã tham gia vào quá trình điều tra có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Điển hình là vụ việc 4 công an xã đã dung nhục hình đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận tại xã Đại Nỗ, Đông Anh, Hà Nội.

Người nhà nạn nhân Nguyễn Mậu Thuận tại phiên tòa xét xử 4 công an xã đánh chết người

Trao đổi với phóng viên, TS Đỗ Thị Phượng, Trưởng bộ môn khoa học điều tra tội phạm và giám định tư pháp (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng các công việc công an cấp xã thực hiện như bảo vệ hiện trường, lấy lời ban đầu, bắt quả tang vẫn là việc CA cấp xã được phép làm nên không trái với Bộ luật Tố tụng Hình Sự (BLTTHS). Điều này cũng nhằm mục đích kịp thời, nhanh chóng phát hiện tội phạm, truy tìm dấu vết. Nếu không thì cũng rất khó khăn cho cán bộ điều tra sau khi tiếp quản vụ việc.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội ) nhận định: việc sử dụng nhục hình trong quá trình điều tra là hành vi vi phạm Pháp Luật, không điều luật nào  cho phép sử dụng hành vi này. Bên cạnh đó, nếu có nguy cơ bức cung, nhục hình khi điều tra thì có thể xảy ra ở các cấp chứ không chỉ ở CA cấp xã. Vì vậy, nói Điều 28 có thể dẫn đến tình trạng sử dụng nhục hình là không có căn cứ.

Về phía Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Dũng cho biết, mục đích cho phép công an xã tham gia vào 1 số hoạt động bảo vệ hiện trường ban đầu nhằm đáp ứng thực tế điều tra tránh việc xóa dấu vết. Tuy nhiên,  ông Dũng cũng thừa nhận tình trạng công an xã tham gia quá trình điều tra ban đầu, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến sai lệch tình tiết vụ án.

“Quan điểm của Bộ Tư pháp là Thông tư mới được ban hành và cần có thời gian đưa vào thực tế để có đánh giá hợp lý. Hiện Vụ Pháp Luật Hình Sự hành chính cũng đang cân nhắc về vấn đề này và cần có thời gian nhất định để đề xuất nếu có vướng mắc”, ông Dũng nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật