Lấy đâu 30 tỷ USD cho mục tiêu tăng trưởng xanh đến 2020?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo nhiều chuyên gia, để huy động được 70% nguồn vốn từ khu vực tư nhân phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh là một bài toán khó.
Lấy đâu 30 tỷ USD cho mục tiêu tăng trưởng xanh đến 2020?
Tăng trưởng xanh đang là lựa chọn có tính chất toàn cầu (Ảnh minh hoạ: KT)

Không gắn với tăng trưởng xanh, tái cơ cấu chỉ là tạm thời

Việt Nam đã có Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng, “nếu nhận thức tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì giá phải trả trong tương lai là rất lớn, đây là mối quan hệ có tính đánh đổi. Nếu muốn tăng trưởng nhanh, sẽ chỉ được cái trước mắt trong ngắn hạn, nhưng về mục tiêu lâu dài sẽ không đạt được. Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, nếu không gắn với tăng trưởng xanh thì tái cơ cấu chỉ là tạm thời, rồi 5-10 năm nữa lại phải xem lại tái cơ cấu kinh tế".

Dù giá trị quan trọng của việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, song nguồn lực thực hiện cũng là thách thức không nhỏ. TS Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tăng trưởng xanh ở Việt Nam khác với các quốc gia khác trên thế giới. Trong quá trình học tập kinh nghiệm của các nước để xây dựng mô hình cho Việt Nam, thì thấy không có mô hình nào phù hợp. Việt Nam cần có một mô hình riêng, đó là quá trình thúc đẩy tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, thông qua đầu tư và đổi mới công nghệ, từ đó góp phần cho việc ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Đó là điểm khác biệt về tăng trưởng xanh của Việt Nam so với các nước trên thế.

Đặc biệt, theo tính toán, cần khoảng 30 tỷ USD từ nay đến năm 2020 để thực hiện các biện pháp, kịch bản giảm phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thực hiện tăng trưởng xanh. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ đóng góp 30%, còn lại 70% là của khu vực tư nhân. Nhưng làm thế nào để huy động được 70% nguồn vốn này từ khu vực tư nhân cũng không dễ.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp, theo ông Mai, để huy động khu vực tư nhân cần có cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào tăng trưởng xanh. Cần truyền thông điệp tới doanh nghiệp rằng, hướng phát triển xanh không chỉ là hướng phát triển thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội mà đồng thời còn để phát triển bền vững, đảm bảo có lợi nhuận cho doanh nghiệp khi triển khai các dự án tăng trưởng xanh.

Một trong những giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm là ban hành cơ chế hướng dẫn lồng ghép để ưu tiên các dự án tăng trưởng xanh, huy động nguồn lực từ bên ngoài như: ODA và các quỹ khác trên thế giới (Quỹ toàn cầu, Quỹ ứng phó với biến đổi khí hậu...) để phát triển tăng trưởng xanh.

Tái cơ cấu chậm là trở lực cho tăng trưởng xanh

Bên cạnh nguồn lực khó khăn, nhiều thách thức khác vẫn nhãn tiền. Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về nhận thức, đâu đó vẫn còn tư duy phải tăng trưởng cao để giải quyết vấn đề trước mắt mà không quan tâm đến bảo vệ môi trường; trình độ công nghệ ở mức trung bình, thấp; cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn, nên việc thay đổi, cải tiến công nghệ gặp khó khăn.

Hơn nữa, Việt Nam đang hội nhập sâu, nhưng chất lượng hội nhập chưa được như mong muốn, khu vực FDI đóng góp cao vào tăng trưởng, vào xuất khẩu nhưng chủ yếu gia công lắp ráp, chưa tận dụng được FDI vào tăng trưởng xanh.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, một trở lực nữa của thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh đang là ở quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm, trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chính bản thân khu vực nhà nước vẫn chưa tốt nên ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông lưu ý, “mọi việc bắt đầu từ nhận thức, từ nhận thức đến cuộc sống, từ cuộc sống đến thực thi là một quá trình. Vấn đề thực thi thì không riêng gì với Việt Nam mà mọi quốc gia đều có khó khăn. Hàng loạt quốc gia phát triển khi bàn đến biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch hơn cũng cần phải có lộ trình tới 10-15 năm sau. Vì vậy, Việt Nam cần hiểu mình là ai, ở đâu để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sự cần thiết của tăng trưởng xanh là không thể phủ nhận, nhưng để đạt được cần có lộ trình và chương trình hành động để có thứ tự ưu tiên, cái nào trước cái nào sau”.

Đặc biệt, theo ông Đông, “không có công thức chuẩn về tăng trưởng xanh cho tất cả các quốc gia, mà mỗi quốc gia có hoàn cảnh, bối cảnh riêng cần có những chính sách riêng để thực hiện. Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển thực sự theo hướng xanh hóa sản xuất. Và phải có sự phối hợp giữa các cơ quan và doanh nghiệp thì tăng trưởng xanh mới có thể dần đi vào thực tiễn”

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật