Bỏ chấm điểm thử thách tâm huyết của thầy cô

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dù sáng tạo cách ’chấm điểm’ thế nào thì đánh giá bằng nhận xét của giáo viên xuất phát từ sự quan tâm vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Bỏ chấm điểm thử thách tâm huyết của thầy cô
Con dấu của giáo viên đặt hàng sản xuất ở Hà Nội được cộp vào vở học sinh thay cho lời phê viết bằng tay. Ảnh: Quý Đoàn.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, từ khi Thông tư 30 ra đời, các giáo viên kêu ca rất nhiều. Bao nhiêu năm qua thực hiện cho điểm, bây giờ thay đổi tất nhiên sẽ gây sốc với họ. Bản thân giáo viên đang chịu nhiều bất cập chưa được tháo gỡ, giờ thêm cái mới tất nhiên nhiều người khó chịu.

"Thông tư không sai nhưng vấn đề là lộ trình thực hiện sao cho hợp lý là bài toán đang đặt ra cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Để làm được điều này, không chỉ cần hành động của Bộ mà cả sự chung sức của các Sở, Phòng và từng giáo viên", bà Hương nói.

Là người nhiệt tình ủng hộ Thông tư 30, song TS Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, giờ đây "trăn trở vì nó có nguy cơ đe dọa chất lượng giáo dục nếu không được giáo viên tiểu học biến thành hành động thực tiễn". Giáo viên tốn nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét dễ tạo ra việc đánh giá chung chung. Họ sẽ phải đối phó (khắc dấu gỗ, ghi nhận xét trước cả vài tuần) dẫn đến những thất bại trong quá trình thực hiện thông tư.

Để thay thế chấm điểm, nhiều giáo viên tiểu học có những sáng kiến như đóng dấu cô khen, hình mặt cười, thưởng hoa giấy... khi học sinh làm bài tốt. Việc đóng dấu mang tính khích lệ tinh thần học sinh, nhưng theo PGS Văn Như Cương nên "dè chừng" cách làm này. Đề ra chủ trương không chấm điểm mà giáo viên lạ‌m dụn‌g cách đóng dấu thì chẳng khác gì cho điểm theo hình thức khác và còn không hay bằng chấm điểm số trực tiếp.

PGS Cương bày tỏ lo lắng việc đánh giá bằng nhận xét có thể biến thành hình thức, rập khuôn khi sử dụng những lời phê chung chung, chiếu lệ, phê cho em này cũng được, em kia cũng xong. Một lời nhận xét tỉ mỉ, cho học trò thấy chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa khiến các em nhận biết được mình hoàn thành bài ở mức độ nào, làm học sinh thích thú và quen dần với việc không chấm điểm.

"Quan trọng là, lời nhận xét đó phải xuất phát từ sự quan sát cẩn thận, quan tâm của người thầy chứ không phải là đối phó với quy định của Bộ. Khi đó, sự đánh giá mới toàn diện, chính xác. Việc lựa chọn lời nhận xét trở thành thử thách đo mức độ tâm huyết của người thầy", PGS Văn Như Cương nói.

Theo ông, các giáo viên nước ngoài vẫn có cách "chấm điểm" riêng như đánh giá theo chữ cái A, B, C, D. Nhưng có lẽ lớp học ít, tâm lý học sinh nước ngoài khác học sinh Việt Nam, các em đến lớp thoải mái, không phải lo học thêm, bình bầu, phát phiếu, giấy khen... nên việc đánh giá bằng cho điểm hay nhận xét đối với họ không đến nỗi căng thẳng như bên mình.

Có thời gian tiếp xúc với hồ sơ của học sinh chuyển từ nước ngoài về học, cô Đào Thị Thủy, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) ấn tượng với những nhận xét của giáo viên nước ngoài. Họ ghi rất chi tiết, đầy tính khích lệ và chỉ ra cho học sinh hướng phát triển rõ ràng, như "Em thật là tuyệt vời khi áp dụng công thức A... Việc nắm chắc công thức này sẽ giúp em có cơ hội làm tốt việc B,C...". Khi học sinh làm chưa tốt, nhận xét cũng rất nhẹ nhàng, không có "Con làm chưa tốt", hoặc "Kém", "Chưa đạt".

Trả lời câu hỏi với hoàn cảnh của Việt Nam, học sinh mỗi lớp rất đông, thì nên áp dụng cách đánh giá như thế nào, cô Đào Thị Thủy cho rằng lớp học 50-60 học sinh thì không nhất thiết ngày nào cũng phải đánh giá, ghi nhận xét mà đánh giá theo tuần, tháng. Giáo viên nên chú ý nhiều hơn tới học sinh có biểu hiện vượt trội về mặt tích cực hoặc tiêu cực. Nếu sai, giáo viên cần chỉ cho học sinh biết lỗi nào để sửa.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm vẫn sử dụng con dấu "Cô khen", "Con làm bài tốt" để động viên học sinh, nhưng không phải là quy ước tương đương với điểm. Trường tổ chức khảo sát chất lượng học sinh theo định kỳ, không chấm điểm, chỉ đánh giá và khen thưởng. Mỗi khối học chọn ra 100 em để khen thưởng trước toàn trường, khiến học sinh rất thích.

Hệ thống sổ sách theo dõi chất lượng giáo dục mà Bộ đưa ra chưa thể hiện hết mục tiêu của thông tư. Giáo viên bộ môn có từ 20 đến 30 sổ, tương đương với số lớp dạy. Trong khi sổ dành cho giáo viên chủ nhiệm thì phần ghi nhận xét hàng tháng lại quá ít, mỗi học sinh có 2 trang nhận xét cho 10 tháng. Vậy nên, song song với sổ theo dõi học sinh của Bộ, trường Đoàn Thị Điểm còn sử dụng thêm sổ theo dõi riêng về chất lượng học tập của từng học sinh ở mỗi môn học.

Cô Thủy cho biết, sổ này in sẵn hệ thống chuẩn kiến thức, kỹ năng yêu cầu học sinh cần đạt ở mỗi tháng với mỗi môn học. Giáo viên dựa vào kết quả học tập của học sinh trên lớp rồi đánh giá mức độ hoàn thành, như: hoàn thành tốt/ Chưa hoàn thành cùng những ghi chú bổ sung. Sổ sẽ được thay đổi theo từng tháng phù hợp với sự tiến bộ của học sinh, có tiêu chí đánh giá rõ ràng, giúp phụ huynh nắm rõ tình hình của con, tránh việc giáo viên "dạy ào ào, đánh giá qua loa".

Bên cạnh những loại sổ đánh giá cần thiết, TS Nguyễn Hữu Hợp cũng đề xuất Bộ nên giải phóng các loại hồ sơ, sổ sách vô bổ, ghi chép mất nhiều thời gian, gây ức chế cho giáo viên. Nên cho phép giáo viên sử dụng sổ điện tử thay thế cho sổ giấy. Theo TS Hợp, hơn 20 loại sổ sách giáo viên phải ghi chép hàng tuần, hàng tháng là quá nhiều. Hầu hết thầy cô làm việc này chỉ để đối phó với thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục.

PGS Văn Như Cương thì cho rằng Bộ cần áp dụng linh hoạt cho từng vùng miền, bởi  điều kiện dạy học và trình độ phụ huynh các vùng miền có sự chênh lệch. Ông cũng băn khoăn bậc tiểu học bỏ chấm điểm nhưng các cấp học trên vẫn chấm điểm như thường. Điều này dễ khiến học sinh khi chuyển cấp bị "sốc".

Ông góp ý Bộ nên thay đổi dần dần, từng bước, có thể không chấm điểm học sinh các lớp 1, 2, 3 nhưng lớp 4, 5 thì nên có cách đánh giá khác đi một chút, vừa nhận xét, vừa cho thêm điểm ở một số môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh để các em có thời gian chuẩn bị tâm lý khi lên cấp học sau.

Đồng quan điểm, TS Vũ Thị Hương cũng đặt câu hỏi, nên chăng Bộ GD&ĐT suy nghĩ thêm về cách đánh giá cho học sinh cuối cấp này để tránh tác động tâm lý không tốt cho các em.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật