Băn khoăn việc lập Quỹ phát triển nhà xã hội

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hôm qua, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự luật này.
Băn khoăn việc lập Quỹ phát triển nhà xã hội
ĐB Trần Du Lịch phát biểu không tán đồng việc lập Quỹ phát triển nhà xã hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Dự thảo luật Nhà ở đưa ra phương án thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) T.Ư và địa phương. Theo đó, Quỹ T.Ư do Bộ Xây dựng quản lý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng quản lý. Nguồn vốn của Quỹ T.Ư bao gồm vốn ngân sách T.Ư cấp, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái theo quy định của Pháp Luật; vốn từ đóng góp tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua NƠXH và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tương tự, Quỹ địa phương trực thuộc UBND cấp tỉnh, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch.

Tuy nhiên, có khá nhiều ĐB không đồng ý thành lập quỹ này. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng dự luật đã quy định về nhà ở, nhà nước đã có những chính sách ưu đãi cho việc phát triển NƠXH, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, vì vậy không cần thiết phải thành lập quỹ này. ĐB Trần Du Lịch cũng khẳng định không tán đồng việc lập quỹ. “Phương án Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch quỹ tôi cũng không tán đồng. Bộ trưởng nhiều việc, không nên làm thêm chức vụ này”, ông Lịch nói. Theo ĐB Lịch, T.Ư chỉ nên hỗ trợ và để địa phương thực hiện chứ không làm thay trong việc phát triển NƠXH. Còn ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng việc hình thành vốn của quỹ từ trái phiếu, công trái… là không khả thi; việc hình thành quỹ từ nhiều nguồn sẽ khiến ngân sách quốc gia khó công khai minh bạch.

Hết tiêu chuẩn, phải trả nhà công vụ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nhà ở, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của QH Phan Trung Lý trình, cho biết dự luật quy định rõ việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ khi người thuê không còn thuộc đối tượng được thuê và không tự nguyện trả lại nhà ở công vụ.

Theo đó, khi hết tiêu chuẩn hoặc chuyển đi nơi khác, người thuê nhà công vụ có trách nhiệm trả lại nhà, nếu không tự nguyện trả sẽ bị cưỡng chế thu hồi. Thời hạn cụ thể trả lại nhà công vụ là không quá 90 ngày kể từ thời điểm nhận được thông báo của cơ quan quản lý.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng “Cần có chế tài xử lý nếu không cứ ở nhà rồi chiếm nhà luôn”.

Trong khi đó, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) băn khoăn về quy định “phát triển nhà ở công vụ” và cho rằng dự thảo luật mở rộng đối tượng nhà công vụ quá lớn trong điều kiện ngân sách eo hẹp hiện nay sẽ khó đáp ứng được. Còn ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói cần thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ, vì dự thảo đã bổ sung nhiều cơ chế chính sách ưu đãi phát triển NƠXH. “Nên thu hẹp đối tượng nhà công vụ để họ tiếp cận thị trường NƠXH, giúp tiết kiệm nguồn ngân sách trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn”, ĐB Vinh góp ý và đề nghị chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong thời gian đảm nhiệm chức vụ. Các đối tượng khác chỉ được hưởng chế độ nhà ở công vụ khi được điều động luân chuyển về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Về việc cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại VN, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại VN cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại VN. Theo Ủy ban Thường vụ QH, quy định trong dự thảo đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của QH về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN. “Quy định như dự thảo luật không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào VN mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển”, ông Phan Trung Lý nói.

Đề nghị xử lý Hình Sự hành vi huy động, chiếm dụng vốn trái phép

Chiều 24.10 thảo luận về dự thảo luật Kinh doanh bất động sản, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu tình trạng người dân góp tiền để mua nhà nhưng chủ đầu tư lấy tiền đó đầu tư việc khác khiến người góp vốn mòn mỏi chờ đợi không có nhà mà chủ đầu tư không bị xử lý. Theo ĐB Lịch, mặc dù dự luật nói cấm chiếm dụng vốn trái phép, sử dụng đúng mục đích cam kết nhưng vẫn có lỗ hổng cho việc lợi dụng chiếm tiền của dân. Vì vậy, ĐB Lịch đề nghị đưa ra điều khoản khi góp vốn mua nhà, thuê nhà ở hình thành trong tương lai, tiền góp phải được ký gửi ở một ngân hàng do chủ đầu tư quy định ghi trong hợp đồng. Tiền ký gửi chỉ được giải ngân để thực hiện công trình mà người mua góp vốn, cấm sử dụng vào mục đích khác ngoài công trình. “Ở các nước nếu sử dụng tiền người ta góp mua nhà để đi làm việc khác thì xử lý tội Hình Sự ngay”, ông Lịch nói.

Đồng quan điểm này, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng hành vi của các chủ đầu tư chiếm dụng vốn của người mua, không đóng thuế sử dụng đất là lừa cả người dân và nhà nước. Vì thế, cần quy định những hành vi bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự trong kinh doanh bất động sản như gian lận, huy động chiếm dụng vốn trái phép.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) góp ý điều khoản về vốn pháp định của các tổ chức kinh doanh bất động sản 20 tỉ đồng là không thực tiễn, vì “nếu chỉ có 20 tỉ đồng thì không thể theo được các dự án lớn hàng nghìn mét vuông”. Cũng theo ĐB Hùng, các quy định bán, cho thuê đối với nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai cần quy định công trình phải hoàn thành xong phần móng. Việc phân kỳ đầu tư và mức thu ứng trước tiền tối đa của chủ đầu tư phù hợp với tiến độ của dự án nên được xem xét. “Thực tế nhiều dự án mới xong phần móng đã thu ngay 50-70%, dẫn tới chủ đầu tư đưa vốn vào sử dụng mục đích khác gây thiệt hại cho người mua”, ông Hùng nói.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật