Không quân Trung Quốc: Thua xa Mỹ, vẫn còn phụ thuộc Nga

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng không quân chiến thuật Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa mới đuổi kịp hai ông lớn Nga, Mỹ.
Không quân Trung Quốc: Thua xa Mỹ, vẫn còn phụ thuộc Nga
Ảnh minh họa

Trung Quốc nỗ lực xây dựng lực lượng không quân hùng mạnh

Vào năm 2011, Trung Quốc đã khoe khoang một video công nghệ máy bay chiến đấu phản lực mới, rất giống một đoạn trong bộ phim “Top Gun” của Mỹ. Bộ phim bom tấn của năm 1986 này hiện đã được người Trung Quốc thêm vào một tình tiết tương tự là các phi công nước này đã vượt qua đối thủ, nhái “y chang” diễn xuất của Tom Cruise.

Ngay từ khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương vào tháng 11/2011, ông Tập Cận Bình đã tập trung nâng cao sức mạnh cho lực lượng không quân. Trong chuyến đi thăm đơn vị không quân ở Bắc Kinh tháng 4/2014, ông Tập đã kêu gọi chỉ huy và chiến sỹ “nhanh chóng xây dựng một lực lượng không quân nhân dân mạnh mẽ, làm chủ bầu trời, công thủ toàn diện”.

Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, bốn năm vừa qua là “thời kỳ hoàng kim” của không quân nước này, đạt được những đỉnh cao về nhiều mặt, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo là J-20 vào năm 2011 và Y-20 - chiếc máy bay vận tải tầm xa đầu tiên vào năm 2013.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phát triển năng lực tấn công tầm xa bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiêm kích bằng cách phát triển lực lượng máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp dầu trên không và phát triển các loại vũ khí tấn công tầm xa trên máy bay.

Báo giới Trung Quốc đánh giá, 4 năm qua là “thời kỳ hoàng kim” của không quân nước này

Trung Quốc đã phát triển phương thức tiếp dầu đồng đội (máy bay chiến đấu tiếp dầu cho nhau) và cải tạo máy bay tiếp dầu HY-6 (biến thể tiếp dầu trên không của máy bay ném bom H-6), nhờ Nga hoán chuyển máy bay vận tải hạng nặng Il-76 thành máy bay tiếp dầu Il-78, trang bị thêm chức năng tiếp dầu cho Y-20.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng dạm mua máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu thế hệ mới Il-476/Il-478 của Nga, đồng thời nỗ lực phát triển các máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không (AEW&C) họ KJ (KJ-500/2000) nhằm nâng cấp thần tốc khả năng phục vụ, bảo đảm tác chiến tầm xa cho lực lượng không quân.

Song song với nỗ lực tự nghiên cứu, chế tạo mới các chiến đấu cơ hiện đại, Trung Quốc còn lấp chỗ trống trong giai đoạn chờ đợi bằng cách hỏi mua thêm hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ 4++ của Nga là Su-35 Flanker E, có tính năng tiệm cận chiến đấu cơ thế hệ 5 để thị uy với các nước trong khu vực.

Theo đánh giá của Lầu Năm Góc hồi tháng 6 vừa qua, “Không quân Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Năng lực trên hàng loạt các phương diện như máy bay, chỉ huy và kiểm soát, phương tiện gây nhiễu, tác chiến điện tử và thông tin số liệu đều đã được mở rộng và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với không quân phương Tây”.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của không quân Trung Quốc

Tuy nhiên, đánh giá về lực lượng tác chiến trên không Trung Quốc hiện nay, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, về số lượng tuy đã có thể vượt qua Nga, nhưng về chất lượng và phân bổ hợp lý cơ cấu lực lượng thì Bắc Kinh vẫn còn kém Moscow rất xa chứ đừng nói là Washington, không quân nước này cũng không hề có một chút nào kinh nghiệm thực chiến.

Không quân Trung Quốc không so được với Nga, Mỹ

Các số liệu trong báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ cho thấy, Hoa Kỳ vẫn là nước đứng đầu thế giới về tiềm lực không quân, với tổng số 2.740 chiếc máy bay chiến đấu, Trung Quốc đứng thứ 2, với 1.453 chiếc, Nga xếp thứ 3 với 1.438 chiếc.

Số lượng máy bay mà Không quân Trung Quốc đang sở hữu thoạt nhìn thì có vẻ nhiều nhưng với một đất nước có diện tích lớn thứ 3 thế giới (hơn 9,5 triệu km2) thì lại là không nhiều. Ngoài ra, so sánh không quân của các nước không chỉ dựa vào số lượng máy bay mà còn dựa vào chất lượng máy bay, diện tích đất nước, phạm vi bảo vệ của mỗi máy bay.

Thực tế, số lượng máy bay Trung Quốc không là gì so với Mỹ. Chỉ tính riêng số máy bay trang bị trên 10 tàu sân bay khủng (mỗi tàu mang 90 chiếc) và hàng chục tàu đổ bộ tấn công (mỗi tàu từ 8-10 chiếc) thì số máy bay của không quân hải quân Mỹ đã 2/3 số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc, mà chất lượng thì hơn hẳn.

Không quân Trung Quốc vẫn còn trên dưới 800 “ông lão” giống như J-7

Trung Quốc có thể dễ dàng vươn lên vị trí thứ hai thế giới nếu xét về số lượng, nhưng thực tế, chất lượng của không quân Trung Quốc còn phải chạy dài mới tương xứng với vị trí thứ này.

Theo số liệu của Jane’s Defence Weekly, tính đến hết năm 2013, Trung Quốc còn đang sử dụng khoảng gần trên dưới 800 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 2 chất lượng quá kém như J-7, J-8, Q-5E..., là hàng nhái của MiG-19 và MiG-21, được Nga chế tạo từ những thập niên 60 thế kỷ trước.

Số máy bay này trên thực tế chỉ có tác dụng làm tăng số lượng kho vũ khí không quân Trung Quốc chứ không có khả năng đối phó với các máy bay chiến đấu hiện đại đang sử dụng trong không quân Mỹ như F-22 Raptor, F-18 E/F Super Hornet, F-16 C/D và của Nga là Su-30SM, Su-34, Su-35...

Hiện Trung Quốc chỉ có vài trăm chiếc J-10, J-11, JH-7 là sánh ngang các chiến đấu cơ thế hệ 4 đời đầu của các cường quốc khác. Ngoài ra, họ cũng chỉ có số lượng nhỏ các máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30MKK mua sắm của Nga là có tính năng tác chiến tương đối tốt.

Máy bay chiến đấu J-11 của không quân Trung Quốc

Dự kiến trong thời gian khoảng 10 năm tới Trung Quốc mới thay thế hết các chiến cơ thế hệ cũ bằng các loại máy bay mới hiện đại hơn như J-10B, J-16, J-11BH, J-15. Chắc chắn là khi đó các tiêm kích siêu hiện đại như Su-35, T-50 của Nga đã được trang bị hàng loạt, còn không quân Mỹ cũng đã tràn ngập các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 là F-35.

Ông Scobell nói, lực lượng không quân kiểu cổ điển của Trung Quốc đang cố gắng chuyển mình, thoát khỏi quan niệm một “lực lượng hỗ trợ tác chiến mặt đất và phòng ngự trên không”, trở thành lực lượng không quân tầm xa, có khả năng tác chiến bất cứ địa điểm nào trên toàn cầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường rất dài để đạt được mục đích đó.

Tuy đã đẩy mạnh phát triển nhưng không quân Trung Quốc vẫn còn những nhược điểm lớn trên con đường hiện đại hóa, một trong số đó là không thể tự sản xuất động cơ máy bay chiến đấu phản lực và thiếu rất nhiều trang bị bảo đảm cho tác chiến không quân.

Trong một bài báo của tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly tháng 12 năm 2013 cho thấy, tỷ lệ số lượng máy bay trực thăng vận tải của không quân Trung Quốc (PLAAF) và không quân Hoa Kỳ (USAF) là 1 chọi 7, USAF có khoảng 570 chiếc máy bay tiếp dầu trên không, còn PLAAF thì chỉ có vẻn vẹn 10 chiếc, năng lực bảo đảm tác chiến tầm xa quá hạn chế.

Trung Quốc đang mơ tới máy bay tiếp dầu thế hệ mới Il-478, chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải Il-476 của Nga vì H-6Y có khả năng tiếp liệu quá kém

Không quân Trung Quốc vẫn chưa thoát phụ thuộc vào Nga

Trung Quốc hiện vẫn đang sử dụng hàng chục chiếc H-6Y (biến thể tiếp dầu của dòng máy bay ném bom H-6, chế tạo trên cơ sở máy bay ném bom Tu-16 của Nga trong thập niên 60), có năng lực tiếp liệu rất thấp. Ngoài ra, chương trình tiếp dầu đồng đội (máy bay chiến đấu tiếp dầu cho nhau) cũng chỉ là giải pháp mang tính chiến thuật.

Tuy Bắc Kinh đang nhờ Nga hoán chuyển máy bay vận tải IL-76 thành máy bay tiếp dầu IL-48 nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì các máy bay này đã quá cũ, mà hy vọng mua được máy bay tiếp dầu thế hệ mới IL-478 vẫn còn rất xa vời vì Nga vẫn chưa phát triển xong, không quân nước này còn lâu mới trang bị đủ số lượng.

Ngoài ra, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc vẫn chưa có năng lực tác chiến, tàu sân bay thế hệ mới vừa được khởi đóng, lực lượng máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm cất cánh từ đất liền, máy bay trinh sát và tác chiến điện tử, tiêm kích hạm, máy bay cảnh báo sớm trên hạm, năng lực chống ngầm từ trên không của Trung Quốc gần như là con số 0.

Sớm nhất là đến năm 2025, khi các tàu sân bay quốc nội thế hệ mới ra đời, máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định GX-6 hoàn thiện, máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-2000 và tiêm kích hạm J-15 có biến thể nâng cấp, Bắc Kinh mới thực sự có năng lực tác chiến tầm xa trên không, trong khi đó Washington và Moscow có lẽ đã tiến xa hơn rất nhiều.

Nga đang giúp Trung Quốc hoán chuyển máy bay vận tải Il-76 thành máy bay tiếp dầu Il-78

Học giả chính trị cao cấp Andrew Scobell thuộc công ty RAND (Research and Development), có trụ sở ở Arlington, Virginia cho biết, không quân Trung Quốc vẫn còn một số yếu kém còn tồn tại trên con đường hiện đại hóa, một trong số đó là không thể tự sản xuất động cơ máy bay chiến đấu phản lực.

Hiện không quân nước này vẫn đang nhập hàng nghìn động cơ máy bay chiến đấu/vận tải của Nga và Ukraine, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài, một khi gặp bất trắc về yếu tố chính trị chắc chắn sẽ có những tác động xấu đến ngành công nghiệp chế tạo máy bay.

Ngoài ra, tuy cũng có nhiều tiến bộ trong chế tạo tên lửa nhưng Bắc Kinh vẫn còn rất kém trong công nghệ sản xuất động cơ tên lửa thể tích nhỏ. Vì vậy, không quân nước này vẫn phải mua hàng nghìn tên lửa chiến thuật phóng từ trên không cho máy bay chiến đấu, bao gồm cả tên lửa không đối không lẫn tên lửa không đối đất và chống bức xạ, ví dụ như Kh-31, Kh-58 và Kh-59…

Scott Bell cho biết, những yếu điểm của ngành công nghiệp chế tạo động cơ máy bay và tên lửa không thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Vì vậy, trong vài thập kỷ tới Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu máy bay chiến đấu và động cơ phản lực vector và phần nào là tên lửa chiến thuật của Nga.

Với những yếu điểm đó, ông Sanders, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quân sự Trung Quốc của Đại học Quốc Phòng ở Washington - đồng chủ biên cuốn “Không quân Trung Quốc: Lý luận phát triển, vai trò và năng lực”, xuất bản vào năm 2012, đã đưa ra nhận định: “So với trước đây, Không quân Trung Quốc đã có những tiến bộ lớn, nhưng vẫn chưa đạt tới trình độ tiên tiến nhất, họ vẫn còn một khoảng cách rất xa mới đuổi kịp Nga, đừng nghĩ đến việc so với Mỹ”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật