Nhận xét học sinh tiểu học: Sợ chỉ hình thức!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quy định đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực gần 10 ngày nay. Mặc dù được đánh giá là chủ trương đúng đắn, nhưng việc này nếu không được thực hiện tốt sẽ lại chỉ là hình thức, còn chất lượng giáo dục vẫn chẳng tăng lên.
Nhận xét học sinh tiểu học: Sợ chỉ hình thức!
Ảnh minh họa

Muôn kiểu “đóng dấu” nhận xét

Gần 10 ngày trôi qua từ khi Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực thi hành (ngày 15/10/2014), các giáo viên tiểu học đã nghĩ ra nhiều cách làm, nhiều hình thức để nhận xét học sinh. Từ biểu tượng các hình mặt cười, mặt méo, bông hoa, ngôi sao… đến những lời nhận xét như: “Cô khen, Đã kiểm tra, Hoàn thành hay Chưa hoàn thành” được đúc sẵn như những con dấu, mỗi khi xem bài cho học sinh xong là giáo viên chỉ việc cộp vào vở của các em.

Việc làm này được khá nhiều giáo viên áp dụng. Thậm chí, trên một số trang mạng do chính giáo viên tiểu học lập ra để chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp khó khăn trong quá trình dạy học cũng xuất hiện không ít những chia sẻ về cách nhận xét kiểu “con dấu” trên.

Con trai chị H. học tại trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang học lớp 4. Thay vì khoe điểm 10 để được thưởng như mọi khi, dạo này cháu lại chờ những bông hoa để khoe với mẹ và mong được thưởng. Theo cháu bé, những bông hoa kèm theo chữ "Cô khen" được đóng bên cạnh lề quyển vở là chứng tỏ con được điểm 10, còn những bài Toán nếu con làm chưa đúng hoàn toàn thì cô sẽ chỉ đóng một con dấu với chữ: “Đã kiểm tra”. Chị H. cho biết, cách làm này không có gì bất ngờ, vì từ năm học trước đó, ở lớp con chị cô giáo cũng thi thoảng áp dụng cách nhận xét “con dấu” này.

Cách làm sẵn những “công thức” trên đang được rất nhiều giáo viên ở các trường tiểu học áp dụng. Thay vì chấm điểm hoặc ghi lời nhận xét, các cô giáo thường làm theo cách: Học sinh có kết quả tốt (tương đương 9 - 10 điểm) sẽ đóng vào bài một “dấu đỏ”, kèm theo một bông hoa bên cạnh. Học sinh nào có kết quả khá (tương đương 7 - 8 điểm) thì đóng “dấu đỏ” kèm theo bên cạnh một ngôi sao.

Theo các giáo viên, việc làm sẵn những nhận xét trên là tiện lợi cho các giáo viên trong quá trình ghi nhận xét học trò. Vì hiện nay sĩ số học sinh mỗi lớp ở các thành phố lớn hiện thường quá đông, với trung bình trên dưới 50 cháu/lớp, giáo viên lại không có nhiều thời gian, dễ bị quá tải…

 

Những biểu tượng được nhiều giáo viên chia sẻ và sử dụng để nhận xét học sinh tiểu học.

Lo ngại nhận xét thành hình thức và sáo rỗng!  

Thiết nghĩ những cách làm trên có thể là cần thiết với giai đoạn đầu áp dụng Thông tư 30, tuy nhiên, nếu không thực hiện việc nhận xét một cách sáng tạo và công tâm, các giáo viên dễ đi vào thực hiện một cách đối phó, hình thức, không đặt lợi ích của học sinh lên đầu.

Vì khi đi đúc, in sẵn lời nhận xét giáo viên không thể viết được dài nên những con dấu chỉ thường là một tính từ khuôn mẫu, khô khan và như những thứ rất công thức. Mà đã là công thức thì khi tiếp nhận mãi học sinh sẽ có lúc cảm thấy nhàm chán.

Bên cạnh việc khắc dấu nhận xét, một số giáo viên hiện nay lại có kiểu ghi nhận xét ngắn gọn, hoặc ghi những lời khen vô thưởng vô phạt kiểu như “con cần cố gắng”. Song với học sinh lớp 1 mới tập đánh vần đã được cô ghi như vậy trong bài tập viết thì quả thật đến phụ huynh cũng lúng túng chứ nói gì đến các em, vì không biết là liệu con cần cố gắng cụ thể ở điểm nào, phải sửa sai ở chỗ nào với những nét viết của mình.

Hay như cách nhận xét “đạt” hay “không đạt”, thoạt nghe rất dễ dàng nhưng đang gây khó cho cả phụ huynh và giáo viên. Vì nếu đạt thì là khả năng làm đúng được các bài tập của học sinh là phải 50% hay 100%. Kết quả kiểm tra trung bình là đạt và kết quả xuất sắc cũng là đạt?

Chị Anh Thi, phụ huynh học sinh ở Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, sau hơn 1 tuần thực hiện quy định ngừng chấm điểm mà chỉ nhận xét học sinh, bài khảo sát chất lượng học sinh môn Toán của con chị tuần qua chỉ đạt 50%, trong khi đó theo cách học và chấm điểm như trước đây thì bài kiểm tra của con chị thường xuyên được 9 - 10 điểm. Điều này khiến chị bắt đầu lo lắng về cách dạy và chỉ nhận xét như hiện nay.

Theo chị việc chấm điểm cho học sinh giúp phụ huynh nhìn nhận được kết quả học tập của con rành mạch hơn để có kế hoạch bồi dưỡng con khi thấy yếu môn học nào đó. Như với môn Toán, giáo viên cũng phải lượng hóa xem học sinh làm đúng bao nhiêu câu, đúng bao nhiêu phần trăm bài… để áp đánh giá bằng lời nhận xét. Khi bỏ chấm điểm thì giáo viên phải theo dõi, quan tâm học sinh rất sát sao, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thả nổi việc học vì quan niệm điểm số không quan trọng nữa.

Vẫn biết ý nghĩa ban đầu của việc thực hiện Thông tư 30 là “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh”, lời nhận xét phải kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ học sinh, đồng thời phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ… Song nếu giáo viên chỉ chăm chăm dùng những “công thức nhận xét” hay nhận xét kiểu cho có sẽ không bao giờ đáp ứng được điều đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật