Việt Nam đóng góp tích cực tại hội nghị bộ trưởng tài chính APEC

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trương Chí Trung dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài chính tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 diễn ra từ 21-22/10 tại Trung Quốc, và đã có những đóng góp tích cực.
Việt Nam đóng góp tích cực tại hội nghị bộ trưởng tài chính APEC
Trưởng đoàn các nước tại hội nghị. (Ảnh: Hà Thu/TTXVN)

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Lâu Kế Vĩ với chủ đề "Kết nối và tăng trưởng kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương và đóng góp của tiến trình hợp tác tài chính APEC." 

Tham dự hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp được đánh giá cao, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tập trung nỗ lực thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực trong việc tìm kiếm, khơi thông dòng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng về nội dung tham gia tại hội nghị lần này trên tinh thần là thành viên tích cực và có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của cả khu vực. 

Đoàn Việt Nam đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế cũng như tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh phải đối mặt với những khó khăn từ khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2014, kinh tế Việt Nam có những chuyển biến khả quan với tăng trưởng những tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm trước, lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ và kim ngạch xuất khẩu tăng khá, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Dự kiến, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP 5,8% trong năm nay và có thể cao hơn nếu có các điều kiện thuận lợi.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Chí Trung, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng vốn cho công tác này là một trong những vấn đề rất được quan tâm ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực tìm kiếm, khơi thông các dòng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là nguồn vốn từ khu vực tư nhân thông qua hình thức PPP, có ý nghĩa rất lớn. 

Việt Nam ủng hộ việc đưa vào Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính "Lộ trình thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công-tư (PPP)." Tuy nhiên, do đây là công việc liên quan đến nhiều bộ ngành và nhiều lĩnh vực, nên sau khi được Hội nghị cấp cao APEC thông qua, lộ trình cần được giao cho các kênh hợp tác liên quan của APEC phối hợp thực hiện và được xây dựng một cách chi tiết để thực sự trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các nền kinh tế thành viên.

Trong hai ngày thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về bốn vấn đề cơ bản là hiện trạng và triển vọng kinh tế khu vực; hợp tác đầu tư và tài trợ cơ sở hạ tầng; chính sách thuế, tài khóa, cải cách tái cơ cấu nền kinh tế; cải thiện dịch vụ tài chính cho khu vực sản xuất. Trong số các nội dung này, việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng được tập trung thảo luận nhiều nhất do đây là điểm nhấn trong hợp tác tài chính APEC năm 2014. 

Theo các đại biểu, hợp tác và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò chính yếu trong việc khơi dậy tiềm năng tăng trưởng, giảm thiểu chi phí giao dịch thương mại, lưu chuyển con người và đầu tư. Chính vì thế, đây cũng là chủ đề được APEC liên tục thảo luận trong tiến trình hợp tác tài chính của mình.

Các Bộ trường tài chính APEC nhất trí sẽ trình lên Hội nghị cấp cao APEC phê duyệt "Lộ trình thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công-tư (PPP)." Lộ trình này bao gồm các hướng dẫn cụ thể trong việc xây dựng các dự án PPP để giúp chính phủ các nền kinh tế thành viên thực hiện thành công các dự án PPP với cơ cấu vốn hợp lý hơn. 

Ngoài ra, các Bộ trưởng tài chính APEC cũng sẽ trình báo cáo lên Hội nghị cấp cao APEC về tình hình kinh tế vĩ mô của khu vực và thế giới, các chính sách tài chính giúp khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, cân đối trong khu vực cũng như đối với từng thành viên

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật