Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bé gái chết vì viêm màng não?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được giám đốc bệnh viện thông báo con gái mình t‌ử von‌g vì viêm màng não, anh Tình ngất lịm bởi trước đó các bác sĩ chẩn đoán bé gái 10 tuổi chỉ mắc chứng rối loạn tiêu hóa.
Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bé gái chết vì viêm màng não?
Cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung (khi còn nhỏ) t‌ử von‌g bất thường trong bệnh viện. Ảnh: gia đình cung cấp.

Sáng 22/10, một ngày sau khi t‌ử von‌g bất thường tại bệnh viện huyện Quốc Oai, cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung (10 tuổi, xã Thạch Thán, Quốc Oai, Hà Nội) đã được gia đình làm lễ an táng.

Trong ngôi nhà cấp 4, họ hàng nội ngoại ngồi quây quần ở gian giữa, trước ban thờ cháu gái. Không khí tang thương thể hiện rõ trong mắt mỗi người. Chốc chốc lại có từng nhóm người là bà con ở xa, hàng xóm... tới chia buồn, thắp hương.

Hướng đôi mắt thẫn thờ về phía ban thờ con gái, anh Nguyễn Xuân Tình (39 tuổi) chậm rãi nhớ lại khoảnh khắc cuối cùng bên con trong bệnh viện huyện.

Theo đó, sáng 19/10 cháu Nhung đau bụng và được bác sĩ bệnh viện huyện Quốc Oai siêu âm chẩn đoán bị đau ruột thừa. Tới chiều, các bác sĩ siêu âm lại và thông báo Nhung không bị đau ruột thừa mà bị rối loạn tiêu hóa nhưng chưa điều trị.

Sáng 20/10, Nhung tiếp tục được nội soi và các bác sĩ vẫn khẳng định cháu bị rối loạn tiêu hóa. 11h cùng ngày, Nhung được truyền 3 chai nước (2 chai lớn, 1 chai nhỏ). Ngay sau đó cháu có biểu hiện nôn ra dịch màu vàng, y tá cho hay đó là “dịch trào ngược”.

18h, y tá lấy ven truyền chai nước thứ ba nhưng nước không chảy và cháu tiếp tục nôn ra nhiều dịch vàng. Thấy cháu có biểu hiện lạ, anh Tình lên phòng trực ban gặp điều dưỡng Trung và một nữ y tá thì được trả lời “dịch trào ngược, không việc gì”.

Gần 1 giờ sau, thấy không có ai tới theo dõi bệnh tình của con gái, anh Tình lại lên phòng trực. Khi đó nữ y tá mới đến giường bệnh rút kim truyền nước.

 

Người thân hai bên nội ngoại quây quần trong ngôi nhà cháu Nhung.
Ảnh: Hoàn Nguyễn.

21h cùng ngày, điều dưỡng Trung chuyển Nhung xuống khoa cấp cấp. Sau 5 lần lấy ven không được, điều dưỡng này nhờ một y tá khác ở khoa Nhi sang trợ giúp. Khi ven được lấy, Nhung bắt đầu ngủ thiếp và hay mê sảng. Không yên tâm, anh thức trắng bên giường bệnh theo dõi và thỉnh thoảng hỏi chuyện xem phản ứng của con.

3h30 ngày 21/10, khi Nhung có biểu hiện khó chịu, người co lại và nôn liên tục, anh Tình báo cho vợ. Gia đình các bệnh nhân cùng phòng đều bật dậy hỗ trợ. Lúc này điều dưỡng Trung mới điện thoại thông báo cho các bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện tới cấp cứu.

5h30, cháu Nhung trút hơi thở cuối cùng. Anh Tình được Giám đốc bệnh viện mời vào phòng thông báo con gái anh bị viêm màng não. Quá bất ngờ với kết luận này, anh Tình ngất lịm.

Anh Tình cũng khẳng định, trước ngày bị đau bụng Nhung không hề ăn uống gì lạ. Toàn bộ rau, củ quả đều được trồng tại nhà. "Sức khỏe của Nhung tốt, hiếm khi phải uống thuốc và cháu không có biểu hiện, triệu chứng bất thường", anh Tình nói.

 

Anh Nguyễn Xuân Tình (39 tuổi, bố Nhung) không nhớ đã ngất lịm
bao nhiêu lần sau khi biết tin con gái t‌ử von‌g.

Anh Tình cũng cho biết, sáng cùng ngày gia đình nhận được bản tường trình của điều dưỡng Trung có sự xác nhận của giám đốc bệnh viện Đỗ Văn Vy. Theo đó, điều dưỡng Trung chỉ thừa nhận lỗi không báo cáo yêu cầu chuyển viện của gia đình lên lãnh đạo do có quá nhiều bệnh nhân.

Cả điều dưỡng Trung và Giám đốc bệnh viện Đỗ Văn Vy xác nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung (10 tuổi) tử vong lúc 5h30 ngày 21/10. Tuy nhiên, trong báo cáo tường trình sự việc lên Sở Y tế Hà Nội cuối ngày 21/10, thời điểm nạn nhân t‌ử von‌g lại là 7h ngày 21/10.

 

Thời gian cháu Nhung t‌ử von‌g cũng chưa rõ ràng. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Cũng theo bản báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội, ca trực tối 21/10 gồm bác sĩ Vũ Danh Tấn - Phó giám đốc, bác sĩ Đặng Thu Hương, bác sĩ thường trú gây mê hồi sức Đỗ Duy Dương, điều dưỡng Nguyễn Phú Trung và điều dưỡng Bùi Thị Thúy.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân Nhung nguy kịch, gia đình cầu cứu thì kíp trực không có bác sĩ nào, chỉ có điều dưỡng Nguyễn Phú Trung và Bùi Thị Thúy. Danh sách các bác sĩ hội chẩn cấp cứu sau khi nạn nhân nguy kịch là bác sĩ Hoàng Thị Minh Lý và bác sĩ Nguyễn Trọng Vinh.

Trưa 22/10, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Vy, Giám đốc bệnh viện đa khoa Quốc Oai cho hay, đã báo cáo và đang phối hợp với Sở Y tế lãm rõ trách nhiệm từng người trong ca trực ngày xảy ra sự việc.

Trước thông tin không khớp về thời gian t‌ử von‌g của bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung, ông Vy cho biết, thời điểm đó các bác sĩ chẩn đoán có thể bệnh nhân còn thở bằng máy. Còn ca trực của bác sĩ nào thì bác sĩ đó sẽ phải có trách nhiệm báo cáo, tường trình để tiến hành làm rõ sự việc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật