Vinashin bị “tố“ dây dưa nợ 150 tỷ đồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
10 doanh nghiệp mới đây ký tên vào bức thư gửi các cơ quan chức năng kêu cứu về việc Tập đoàn Vinashin dây dưa khoản nợ lên đến 150 tỷ đồng khiến họ đứng trước nguy cơ phá sản, hàng nghìn công nhân mất việc.
Vinashin bị “tố“ dây dưa nợ 150 tỷ đồng
Bức thư kêu cứu có chữ ký và con dấu của Công ty CP KDKTHT Vinashin - Hạ Long gửi các cơ quan chức năng. Ảnh: Minh Thái.

Theo bức thư này, việc dây dưa nợ của Công ty TNHH một thành viên Công nghệ tàu thủy (CNTT) Cái Lân (thuộc Vinashin) cũng như tập đoàn này đã khiến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp điêu đứng, khoảng 1.500 lao động phải nghỉ việc vì bị nợ lương…

Đột ngột dừng thi công, trốn tránh nợ

Dự án San lấp giai đoạn I Khu kinh tế Hải Hà được Vinashin giao cho Công ty CNTT Cái Lân làm chủ đầu tư, với thời gian thi công từ tháng 10/2007 đến 6/2008. Công ty CP Kinh doanh khai thác hạ tầng Vinashin - Hạ Long (KDKTHT Vinashin - Hạ Long) là 1 trong 3 đơn vị trúng thầu đã thuê 9 doanh nghiệptham gia thực hiện gói thầu (thầu phụ).

Các doanh nghiệp phản ánh, họ được biết gói thầu này có trị giá lên đến 1.000 tỷ đồng nên đã huy động mọi nguồn lực, gồm 500 tàu thuyền, gần 3.000 lao động để tiến hành hút cát, phun cát, san lấp mặt bằng... Sau 4 tháng thi công, Tập đoàn Vinashin đột ngột ra thông báo ngừng thi công, sau khi các doanh nghiệp đã san lấp được hơn 4,2 triệu m3 cát, tương đương với số tiền được thanh toán là 190 tỷ đồng (đã được chủ đầu tư nghiệm thu và lập biên bản ghi nhận công nợ). Nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư mới chỉ thanh toán 36% giá trị công việc thực hiện, còn lại nợ các doanh nghiệp số tiền lên tới 150 tỷ đồng (tính cả tiền lãi do quá hạn hợp đồng).

“Công ty đã cùng 9 doanh nghiệp khác tích cực đòi nợ trong hơn một năm qua, nhưng lãnh đạo Tập đoàn Vinashin và chủ đầu tư hứa mà không trả, cấp trên đổ cho cấp dưới, dưới lại đổ cho trên. Mới đây nhất, ngày 8/4, họ cam kết đến 30/4 sẽ tạm ứng 30 tỷ đồng cho các nhà thầu phụ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện”, bà Đặng Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Hà Long, một đơn vị tham gia dự án cho biết.

Doanh nghiệp bên vực phá sản, hàng nghìn lao động mất việc

Theo bà Vân, chủ đầu tư hiện còn nợ Công ty hơn 18 tỷ đồng khiến sản xuất kinh doanh của Công ty điêu đứng, phải nợ lương công nhân, bản thân giám đốc cũng phải cầm cố nhà ở của mình để trang trải nợ. Quá bức xúc, Ban chấp hành Công đoàn cùng cán bộ, công nhân đã tổ chức một cuộc họp để chất vấn Ban giám đốc công ty. Giải pháp được đưa ra là “quyết tâm đòi nợ” nhưng trước mắt phải bán đi một con tàu để lấy tiền trang trải. Cũng tham gia dự án này, ông Phạm Anh Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Mỹ Quyên cũng cho biết, do bị chủ đầu tư nợ nên công ty cũng phải gánh nợ từ ngân hàng. Không còn vốn hoạt động kinh doanh nên Công ty không thể tiến hành các hợp đồng kinh tế khác nhằm giải quyết công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên, một số cán bộ công nhân viên phải tạm thời nghỉ việc…”.

Theo hồ sơ  dự án, Tập đoàn Vinashin đã phê chuẩn nguồn vốn 1.000 tỷ đồng cho việc san lấp mặt bằng giai đoạn I Khu kinh tế Hải Hà và làm đường công vụ khởi công nhà máy đóng tàu Hải Hà từ khoản vốn vay nước ngoài 600 triệu USD. Tại biên bản cuộc họp để bàn bạc giải quyết công nợ diễn ra vào ngày 10/9/2008, ông Tô Nghiêm, khi đó là TGĐ Công ty CNTT Cái Lân, đã đưa ra thông tin: “Tháng 10/2008, Tập đoàn sẽ giải ngân khoảng 200 tỷ đồng để chủ đầu tư trả nợ”. Tuy nhiên, đó chỉ là lời hứa, nhà thầu vẫn dài cổ đợi chờ trong vô vọng. Theo thông kê, đã có khoảng 1.500 lao động của 10 doanh nghiệp mất việc làm, và con số này có thể còn cao hơn nữa nếu không thu hồi được nợ.

Kiến nghị thanh tra nguồn vốn 1.000 tỷ đồng

Theo thông tin bước đầu chúng tôi ghi nhận, việc giải ngân đó đến nay đã được thực hiện, nhưng không hiểu khoản tiền 200 tỷ đồng ấy đi đâu? Tại cuộc họp gần đây nhất để giải quyết vấn đề công nợ diễn ra vào ngày 8/4/2009, Công ty CNTT Cái Lân “bỗng dưng” thông báo chuyển toàn bộ số nợ cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Cảnh, Tổng giám đốc Công ty CP KDKTHT Vinashin - Hạ Long đã kiên quyết không chấp nhận phương án này và không ký vào biên bản cuộc họp. Trao đổi với chúng tôi, ông Cảnh cho biết: “Đây là cách ‘đánh bùn sang ao’ của chủ đầu tư, trước đó họ bổ nhiệm Tổng giám đốc mới (ông Đoàn Hữu Bình thay ông Tô Nghiêm) để vụ việc thêm phần khó xử lý nhưng chúng tôi kiên quyết không chấp nhận”. Hiện, Công ty CNTT Cái Lân  đã nợ Công ty KDKTHT Vinashin - Hạ Long lên tới 46 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Hữu Bình, TGĐ và ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó TGĐ của Công ty CNTT Cái Lân đều từ chối nói về việc có hay không nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng nhưng không trả nợ. Ông Trần Quốc Hùng còn nói chưa bao giờ nhìn thấy văn bản nào của Tập đoàn Vinashin nói về việc bổ sung nguồn vốn 1.000 tỷ đồng cho dự án san lấp mặt bằng Khu kinh tế Hải Hà (?).
          
Trong bức thư kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng kiến nghị thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc sử dụng nguồn vốn 1.000 tỷ đồng.

Khu kinh tế Hải Hà thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD, giai đoạn đầu sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD xây dựng cảng biển và hạ tầng cơ sở. Theo dự kiến, Khu kinh tế Hải Hà rộng 15.000 ha, dựa trên lợi thế một cảng nước sâu độc đáo (23m), có thể đón tàu trọng tải 200.000 tấn ra vào, sẽ có các hạng mục tổ hợp khu công nghiệp cảng nước sâu, khu công nghiệp lọc dầu, khu nhà máy nhiệt điện, khu công nghiệp luyện, cán thép, khu đóng, sửa chữa tàu biển, khu du lịch…).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật