Giá vàng lập kỷ lục mới, vì sao vàng đấu thầu liên tiếp “ế”?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hôm nay (4/5), giá vàng SJC lập kỷ lục mới ở mức gần 86 triệu đồng/lượng trong bối cảnh đấu thầu vàng bị hủy 3 phiên.
Giá vàng lập kỷ lục mới, vì sao vàng đấu thầu liên tiếp “ế”?
Hôm nay (4/5), giá vàng SJC lập kỷ lục mới ở mức gần 86 triệu đồng/lượng trong bối cảnh đấu thầu vàng bị hủy 3 phiên (ảnh minh họa).

Giá vàng SJC lập kỷ lục mới

Theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC hiện giao dịch ở mức 83,5 triệu đồng - 85,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Còn ngày 3/5, giá vàng SJC đã tăng 700 nghìn đồng/lượng và là mức tăng mạnh nhất trong 2 tuần trở lại đây.

Tương tự, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC cũng được nâng lên gần mốc 86 triệu đồng/lượng, niêm yết ở mức giá 83,5 triệu đồng/lượng - 85,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại DOJI giao dịch ở mức 83,5 triệu đồng - 85,7 triệu đồng/lượng.

Ngược lại, giá vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ khoảng 60 nghìn đồng - 100 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên ngày hôm qua. Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn hiện niêm yết ở mức 73,62 triệu đồng - 75,22 triệu đồng/lượng. Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết 73,1 triệu đồng - 74,9 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI áp dụng mức 73,7 triệu đồng - 75,3 triệu đồng/lượng.

Trong khi giá vàng miếng SJC tăng mạnh và đạt mốc giá cao kỷ lục thì giá vàng nhẫn tròn trơn liên tục giảm, từ mốc hơn 76 triệu đồng về còn khoảng 75 triệu đồng/lượng bán ra. Giá mua vào nhẫn tròn trơn cũng giảm từ vùng 74,7 triệu về 73,6 triệu đồng/lượng.

Nếu so với mốc lập đỉnh ngày 10/4, giá vàng nhẫn tròn trơn hiện đã giảm 3,56 triệu đồng ở chiều bán ra và 2,46 triệu đồng/lượng ở chiều mua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng sau khi giảm mạnh xuống 2.276 USD/ounce đã hồi phục và hiện giao dịch quanh mốc 2.300 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD hiện hành, giá vàng thế giới tương đương với khoảng 71 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, Tổng cục Thuế mới đây đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Mục tiêu hạ nhiệt thị trường thất bại?

Để tăng nguồn cung cho thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đấu thầu vàng lần thứ tư. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có một phiên đấu thầu được diễn ra với sự tham gia của 11 ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Trong phiên đấu thầu thành công chỉ có 3.400 lượng vàng cung ứng ra thị trường, còn lại 80% khối lượng vàng dự kiến đưa ra đấu thầu "bị ế". Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, 9h ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên sau đó Ngân hàng Nhà nước đã thông báo hủy đấu thầu vàng miếng SJC này, nguyên nhân do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Giới chuyên gia đánh giá, việc phải hủy đấu thầu vàng miếng lần thứ ba cho thấy mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới đã thất bại. Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng cần thay đổi cách thức đấu thầu vàng và sửa Nghị định 24.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thay vì 1.400 lượng như hiện nay. Nếu hạ bớt tiêu chí này sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Giá tham chiếu để cọc cũng cần thay đổi, bởi giá tham chiếu để cọc 82,9 triệu đồng/lượng, tương đương giá vàng giao dịch trên thị trường được đánh giá là quá cao.

Để hạ nhiệt thị trường vàng, về lâu dài cần phải sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nếu sửa nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường; qua đó giúp giá vàng SJC giảm mạnh, tiệm cận với giá vàng thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật